Miền Bắc đối mặt với nguy cơ hạn
Các Website khác - 13/01/2006

Để đảm bảo gieo cấy hơn 644.000 ha lúa đông xuân, Cục Thủy lợi đề nghị ngành điện duy trì mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội từ 2,3 m trở lên. Ngành điện không thể đáp ứng vì còn lo đối phó nguy cơ thiếu điện cuối mùa khô.

Nạo vét đất đá dưới chân cầu qua sông Duy Tiên, Hà Nam. Ảnh: N.T.

Sáng 13/1, mực nước sông Hồng tại Hà Nội xuống 1,91 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2005 khoảng 10 cm. Lượng dòng chảy trên sông Hồng hụt 30-40%; các sông Lô, Thao, Đà hụt so với trung bình nhiều năm từ 15 đến 37%. Trong khi đó, nhiều hồ chứa như Cấm Sơn ở Bắc Giang, Vân Trục ở Vĩnh Phúc chỉ đáp ứng 50-60% dung tích thiết kế. Cá biệt có hồ Khuôn Thần ở Bắc Giang chỉ đạt 23% dung tích.

Ông Nguyễn Đình Ninh, Cục phó Thủy lợi, đánh giá: "Tình hình thiếu nước năm nay sẽ căng thẳng, nhiều khu vực sẽ khô hạn và buộc phải chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng chịu hạn". Tỉnh Hà Tây dự kiến có 40% trong tổng diện tích 78.000 ha lúa đông xuân; Phú Thọ có 8.500 trên tổng số 37.000 ha lúa bị khô hạn. Thái Bình đặt hy vọng nhiều vào vụ đông xuân vì vụ chính hè thu hay gặp rủi ro lũ bão. Nhưng ông Đào Trọng Thuần, Giám đốc Sở Nông nghiệp Thái Bình lo ngại thiếu nước tưới. Hiện nước mặn đã xâm nhập nội đồng.

Tại hội nghị bàn giải pháp đảm bảo nước gieo cấy vụ đông xuân sáng 13/1, lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Phú Thọ, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang nhất trí sẽ đẩy nhanh việc nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy. Họ cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến để ngành điện cho xả nước hồ Hòa Bình và Thác Bà, đảm bảo mực nước hạ du sông Hồng tại Hà Nội thường xuyên ổn định ở mức tối thiểu 2,3 m.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Được, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, khẳng định rất khó đáp ứng yêu cầu của địa phương. Năm 2006, nhu cầu sử dụng điện tăng 15%, một số nguồn mới có khả năng bị chậm so với tiến độ dẫn đến hệ thống điện sẽ không đáp ứng đủ công suất và sản lượng phục vụ sinh hoạt trong giai đoạn cuối mùa khô (tháng 5-6). Mặt khác, nhiều khả năng năm nay không có lũ tiểu mãn, hồ thủy điện không được bổ sung nước.

"Nếu cứ xả thường xuyên, ổn định suốt một tháng rưỡi từ 15/1 đến 28/2 thì đến cuối tháng 6, hồ Hòa Bình chỉ còn dưới 90 m nước, trên mực nước chết (80 m) có vài mét. Như thế rất nguy hiểm", ông Được nói. Để tránh lãng phí xả nước trôi ra biển, đảm bảo kế hoạch khai thác điện, Phó tổng giám đốc Được đề xuất ưu tiên tăng lượng nước xả vào 5 đợt triều cường trong tháng 1 và 2, duy trì mực nước hạ lưu tại Hà Nội đạt 2,3 m. Những ngày còn lại, mực nước sẽ không thể đạt 2,3 m.

Ngành điện cũng không quên đòi khoản tiền 68,5 tỷ đồng mà các công ty thủy nông khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ còn nợ các đơn vị điện lực trong mùa khô hạn 2005.

Như Trang