Mốc son mới của TP Huế
Các Website khác - 01/10/2005
Hôm nay, 1-10, hơn 350 nghìn người dân Huế chào đón sự kiện thành phố quê hương được "thăng hạng" đô thị loại I. Từ kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, giờ đây, Huế đang trở thành một trọng điểm thúc đẩy phát triển KT-XH của khu vực miền trung.

Theo Quyết định 209/2005/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP Huế được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quyết định này dựa trên các tiêu chí của Chính phủ về phân loại đô thị Việt Nam mà TP Huế đã đạt được sau 30 năm xây dựng. Theo đó, đô thị loại I phải hội đủ những tiêu chí cơ bản về quy mô và mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng đô thị... Ðồng thời, phải là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, du lịch, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển KT-XH của một vùng lãnh thổ, liên tỉnh hoặc của cả nước.

Cách đây 30 năm, khi lá cờ giải phóng kéo lên kỳ đài Phu Văn Lâu, người Huế bắt tay xây dựng lại thành phố với "gia tài" kinh tế vẻn vẹn đủ chỗ làm cho khoảng ba nghìn công nhân cùng hệ thống dịch vụ đơn giản cho gần 160 nghìn dân. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của một đô thị lúc đó hết sức thấp kém, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Sau gần 20 năm nỗ lực xây dựng, Huế đã đạt được những thành tựu quan trọng. Diện tích thành phố mở rộng gần 68 km2, dân số nâng lên được 264 nghìn người. Hơn 13.200 cơ sở sản xuất ra đời với hơn 21.600 lao động thuộc các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và giao thông vận tải. Lĩnh vực du lịch được chú trọng ngay từ đầu và đã tạo ra bước tiến bộ rõ rệt với mức tăng trưởng 35% mỗi năm. Ðặc biệt, các chương trình nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư luôn là mối quan tâm hàng đầu của đảng bộ địa phương, gần một nghìn hộ dân bao đời sống trên các vạn đò đã được đưa lên định cư trên bờ.

Với những thành quả đó, năm 1993, Huế được Chính phủ công nhận đô thị loại II. Cùng với sự kiện "thăng hạng" đô thị loại II, người Huế đã lập kỳ tích trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích cố đô, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên ở Việt Nam.

Trong vòng năm năm trở lại đây, Huế đã "tăng tốc" và lập được những kỷ lục quan trọng. Năm 2005, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 745 tỷ đồng, giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 30%, giá trị các ngành du lịch, dịch vụ tăng 58%. Các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, tỷ lệ hộ dân dùng điện và nước sạch... đều đạt 100%. Từ một thành phố thiếu vắng các cơ sở công nghiệp, Huế đã chuyển dịch cơ cấu khá thành công, đưa tỷ trọng công nghiệp lên chiếm 37,5%, dịch vụ du lịch chiếm 60,8% trong cơ cấu GDP. Sự nghiệp giáo dục, y tế phát triển khá hoàn chỉnh và đồng bộ. Ngoài hệ thống các trường mầm non, phổ thông, đến nay Huế đã có một trung tâm đại học với 11 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Mạng lưới y tế bảo đảm khám, chữa bệnh cho người dân ở 43 cơ sở. Trong đó, Bệnh viện Trung ương Huế và Ðại học Y Huế được đầu tư thành một trong ba trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước.

Trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, Huế vẫn luôn giữ được nét riêng độc đáo về văn hóa truyền thống, từ kiến trúc công trình đến nếp sống nhân văn đô thị. Mà đỉnh cao là công cuộc bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, được cộng đồng quốc tế công nhận Di sản văn hóa thế giới, đó là Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế. Với những giá trị văn hóa mang tính toàn cầu được lưu giữ tại đây, từ năm 2000 thông qua các kỳ Festival (liên hoan) Huế trở thành một địa chỉ giao lưu của lễ hội văn hóa các vùng, miền trong nước và ngày càng thu hút nhiều quốc gia trên thế giới. Chiếu các tiêu chí của đô thị loại I, Huế đạt 80,5 điểm (mức tối thiểu là 70 điểm).

Với sự kiện "thăng hạng" đô thị loại I, vị trí chiến lược của TP Huế càng được khẳng định trong xu thế phát triển của đất nước, trước hết là các tỉnh miền trung và các nước trong khu vực. Tại đây đã hình thành các tuyến giao thông đường bộ, hàng không, hàng hải và đường sắt nối liền hai đầu đất nước, qua các nước trong khu vực và trên thế giới. Hệ thống này đang ngày càng được mở rộng và hoàn thiện, nhất là khi các cảng biển Chân Mây và Thuận An phát huy hết công suất, các cửa khẩu đường bộ qua Lào như S3, S10 khai thông và sân bay quốc tế Phú Bài được nâng cấp.

Trong chiến lược phát triển năm năm tới, TP Huế đưa ra một chương trình "bứt phá" lớn nhằm đưa mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm lên 14 - 15%, huy động tổng lực nguồn vốn đầu tư cho phát triển từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng, tập trung mạnh cho công nghiệp, xuất khẩu và du lịch. Riêng du khách đến Huế phấn đấu đạt từ 2 đến 2,5 triệu lượt người mỗi năm.

Xu thế phát triển tầm vóc đô thị của Huế trong tương lai cũng được các nhà chiến lược tính đến rất nhiều khả năng. Thí dụ, với sự ra đời của hầm đường bộ Hải Vân, khu đô thị - kinh tế - du lịch Chân Mây - Lăng Cô - Bạch Mã, trở thành bộ phận không thể tách rời với Huế thì sự "kết duyên" với Ðà Nẵng, người anh em đô thị loại I ở bên kia Hải Vân là một tất yếu. Hoặc hành lang đông - tây nối từ Việt Nam sang các nước tiểu vùng Mê Công, Lào, Thái-lan, Mi-an-ma... đã bắt đầu thông mở, và Huế chính là một điểm nhấn quan trọng trên tuyến xuyên Á này...

ÐINH NHƯ HOAN