Mỗi ngày một ly sữa!
Các Website khác - 17/02/2006

Mỗi ngày một ly sữa!
Tô Phán

Một tờ báo ngày hôm qua có bài viết với cái tít đầy ấn tượng "Đâu cần dự án to đến thế!". Số là Viện Khoa học thể dục thể thao VN có một dự án khổng lồ với chi phí lên đến 444 tỉ đồng để "nâng cao tầm vóc và thể lực người VN". Và nhiều người đã nghi ngờ về khả năng nghiên cứu và thực hiện của viện này.

Ông Nguyễn Hữu Chân (thị trấn Ba Ngòi, Cam Ranh, Khánh Hoà) đặt câu hỏi: "Sao không là dự án "mỗi buổi sáng một ly sữa"? Tầm vóc và thể lực con người ngoài yếu tố di truyền thì dinh dưỡng là đặc biệt quan trọng. Một ly sữa vào mỗi buổi sáng cho trẻ - thứ thức uống rất cần thiết cho sự phát triển cơ thể của trẻ - thì tốt hơn là đổ ra đến 444 tỉ đồng cho một dự án chỉ để... nghiên cứu.

Một thời, để "làm ăn lớn", ở nông thôn có phong trào sáp nhập các hợp tác xã lại thành hợp tác toàn xã, và rồi nhập tỉnh, nhập huyện, các DN nhà nước sáp nhập lại thành những liên hiệp các xí nghiệp... Tổ chức cồng kềnh nhưng năng lực tài chính và năng lực quản lý lại kém, nên sau nhiều năm nhập lại phải tách ra. Việc tách - nhập này làm đảo lộn và gây lãng phí nhiều thứ, từ tài chính, bố trí cán bộ, đến việc giải quyết hậu quả hàng loạt vấn đề xã hội đi theo.

Trừ các dự án của Nhà nước có tầm quốc gia, được phản biện một cách khách quan và khoa học, thì rất nhiều dự án đầu tư, càng quy mô, càng đông, càng lớn về số lượng (dự kiến trên... giấy), người lập dự án, triển khai dự án càng được tiếng, được lợi.

Trong khoa học, nhiều năm nay đã có không ít các viện khoa học thực hiện các đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ... với việc chi phí tài chính của Nhà nước cực lớn, để rồi cất kỹ trong tủ cho mối mọt xông! Đối với khoa học xã hội thì có thêm một đặc điểm là nhiều đề tài cứ nhang nhác giống nhau! Những loại công trình khoa học như vậy càng quy mô thì càng nhiều lợi lộc cho một số người và càng gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước.

Nhật Bản có một cách đi là mua phát minh sáng chế để áp dụng ngay trong thực tế, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Với công nghệ cao và sát với đời sống con người, nên hàng hoá của Nhật Bản "đe doạ" tất cả những nhà sản xuất trên thế giới.

Trung Quốc ít mua phát minh mà tự nghiên cứu và "sáng tạo" từ mẫu của người khác, nhưng tính ứng dụng cực cao, nên hàng hoá Trung Quốc cũng là mối nguy của hàng loạt nhà sản xuất đi trước ở nhiều quốc gia.

Còn chúng ta, tại sao vẫn cứ loay hoay với những công trình đồ sộ mà không thiết thực như dự án 444 tỉ đồng? Trong khi đó trẻ em - tất cả - đều cần mỗi sáng một ly sữa, lại không ai làm?

Vẫn còn đó cái cảnh chúng ta cứ thích to, thích lớn và thích... sách vở hơn là ứng dụng vào đời sống. Có thể nói thẳng đó là căn bệnh... "kinh viện"! Tuy nhiên, ngày nay bệnh "kinh viện" lại gắn với tài chính phải chi ra nên nó đáng lo ngại hơn nhiều, đồng thời hệ lụỵ của nó về mặt xã hội cũng đáng sợ hơn nhiều.

Trẻ em cần mỗi sáng một ly sữa - đúng như ông Nguyễn Hữu Chân đã nói - xin các nhà quản lý ghi nhớ sự thật này!