Chúng tôi mong Ðảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục đào tạo, dành tiền, quỹ đất, tiếp tục mở thêm nhiều loại hình trường, lớp ở các quận, huyện ngoại thành, khu dân cư bên các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có đông con em người lao động.
Nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng với nội dung: "Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển" nêu trong dự thảo, tôi xin góp ý kiến về giáo dục và đào tạo.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, năm năm qua đất nước tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân TP Hồ Chí Minh ngày càng được cải thiện và nâng cao, nhu cầu học tập của người dân nhất là thế hệ trẻ cũng tăng lên. Ðảng, Nhà nước luôn khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người làm giàu theo pháp luật. Nhiều hộ, trong đó có hộ trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn, nay "do sản xuất, kinh doanh giỏi, thu nhập cao có điều kiện cho con em học hành tới nơi tới chốn. Không ít gia đình đủ sức cho con em vào học tại các trường chuyên, chất lượng cao hoặc du học tự túc, trở về xây dựng quê hương.
Tuy nhiên, hiện nay tại các khu vực đông dân cư, tập trung nhiều lao động phổ thông như quận 5, 7, 9, 12, Nhà Bè, Bình Chánh và Củ Chi vẫn còn nhiều hộ nghèo. Nhiều em đến độ tuổi đi học vẫn chưa được cắp sách tới trường. Hằng năm, tỷ lệ học sinh tiểu học, THCS và cả THPT vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn bỏ học giữa chừng còn khá cao. Một số trẻ em theo cha mẹ từ các tỉnh, di dân tự do vào TP Hồ Chí Minh tìm việc làm cũng đang thất học vì không có hộ khẩu thường trú và chỗ ở cố định. Trẻ em mồ côi, tật nguyền lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa càng thiệt thòi hơn. Hằng ngày, trên đường phố vẫn thấy không ít em ở độ tuổi đi học phải đi bán vé số, đánh giày, làm thuê đủ nghề kiếm sống vì không có điều kiện, thời gian đến lớp.
Chúng tôi mong Ðảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục đào tạo, dành tiền, quỹ đất, tiếp tục mở thêm nhiều loại hình trường, lớp ở các quận, huyện ngoại thành, khu dân cư bên các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có đông con em người lao động. Ngành giáo dục mở thêm nhiều trường, lớp sư phạm đào tạo đủ giáo viên đứng lớp, nhanh chóng cải tiến và nâng cao chương trình, chất lượng dạy và học, xây dựng và trang bị đầy đủ máy tính, dụng cụ dạy và học, nâng cao chất lượng đồng đều giữa các trường lớp nội, ngoại thành mới hạn chế được tình trạng học sinh tập trung quá đông vào các trường nội thành. Có chính sách hỗ trợ (cấp, cho mượn) sách giáo khoa, đồ dùng học tập và thực hiện miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho học sinh nghèo. Ðẩy mạnh đầu tư trường lớp ở vùng sâu, vùng xa, mở thêm lớp học tạo thêm cơ sở học tập cho học sinh... Ngoài ra, cần nghiên cứu lập thêm các trung tâm vừa học vừa làm, các trường dạy nghề học cả ban ngày và ban đêm dành cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn không thể theo học hệ chính quy hay hết bậc phổ thông để mai sau các em vào đời thuận lợi hơn.
Tại TP Hồ Chí Minh, không hiếm những người tâm huyết với giáo dục. Họ là doanh nhân, các thầy giáo, cô giáo về hưu, người mới ra trường chưa có chỗ dạy sẵn sàng đầu tư mở trường, mời thầy giáo, cô giáo đến dạy và đón học sinh tới lớp nhưng vẫn đang chờ đợi. Ðảng, Nhà nước sớm hoàn thiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và mọi người dân có thể tham gia thực hiện xã hội hóa giáo dục để góp phần phát triển đất nước.
CÙ HUY TIẾN Nguyên giáo viên Trường tiểu học Phạm Ðình Hổ, quận 5, TP Hồ Chí Minh
Cần xác định rõ định hướng phát triển các loại thị trường
Ông Tô Quốc Bảo (TP Vinh) đóng góp hai ý kiến cho điểm 3 - Phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các thị trường cơ bản, theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, trong phần IV - Phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng.
Nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng, đọc kỹ điểm 3 - Phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các thị trường cơ bản, theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, trong phần IV - Phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng tôi thấy, Dự thảo nêu ra định hướng khái quát về tổ chức và phát triển nền kinh tế thị trường của nước ta theo quan điểm đổi mới. Trong đó, đã xác định khá rõ định hướng tổ chức và phát triển của các hoạt động thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường tài chính, tiền tệ; thị trường bất động sản, thị trường sức lao động, thị trường công nghệ. Trong mục này, xin bổ sung thêm hai nội dung như sau:
1. Ðề nghị bổ sung thêm định hướng hoạt động cho một loại thị trường quan trọng hiện đang hoạt động phổ biến trên thế giới không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường nước ta, đó là thị trường bảo hiểm. Nội dung bổ sung như sau: "Khuyến khích mọi thành phần kinh tế kể cả các doanh nghiệp ngoài nước mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm tiền vốn, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người, bảo hiểm nhân thọ... trước những rủi ro trong hoạt động cạnh tranh trên thị trường, và trước những biến động ngày càng phức tạp của thời tiết khí hậu, trước thực trạng tai biến thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng".
2. Câu "Phát triển thị trường công nghệ trên cơ sở đổi mới cơ chế chính sách"... xin đề nghị sửa lại như sau: "Khuyến khích phát triển các hoạt động nghiên cứu, phổ biến ứng dụng khoa học, công nghệ gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chuyển việc nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ thuộc nhiều thành phần sở hữu sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp; đổi mới cơ chế chính sách để sản phẩm khoa học, công nghệ trở thành hàng hóa, được mua bán cạnh tranh thuận lợi. Nhà nước khuyến khích thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các công trình khoa học, quyền sở hữu công nghiệp, thành tựu sáng tạo công nghệ, sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế, kiểu dáng công nghiệp hoàn thiện và ứng dụng công nghệ mới để phát triển mạnh khoa học, công nghệ trong nước. Chú trọng nhập khẩu công nghệ hiện đại. Có chính sách hấp dẫn các công ty xuyên quốc gia đầu tư và chuyển giao công nghệ mới cho các doanh nghiệp Việt Nam". Về mục 4, nói về các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh, xin đề nghị sửa lại như sau: Phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, HTX, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty tư nhân, công ty liên doanh với nước ngoài, công ty 100% vốn nước ngoài...) có quy mô lớn, vừa và nhỏ, đẩy mạnh đổi mới cơ chế chính sách và cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động bình đẳng theo pháp luật và phù hợp thông lệ quốc tế, làm cho doanh nghiệp trở thành đội quân chủ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; đồng thời có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tôn vinh đội ngũ doanh nhân thành lực lượng xung kích trong cuộc cạnh tranh kinh tế.
TÔ QUỐC BẢO (A5, Quang Trung, TP Vinh)
|