Tinh thần trách nhiệm và tình cảm chân thành
Các Website khác - 15/02/2006
Bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Ủy viên
Trung ương MTTQ Việt Nam
phát biểu ý kiến tại Hội nghị.
LTS: Ngày 14-2, tại Hà Nội, Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Hơn 50 vị là đại biểu các tầng lớp nhân dân,  nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo tới dự. Chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung góp ý  của các đại biểu  tại hội nghị.
Thành tựu qua 20 năm đổi mới là rất quan trọng

Với tinh thần trách nhiệm và tình cảm chân thành với Đảng và đất nước, các đại biểu đều cho rằng, thành tựu đạt được qua 20 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng là to lớn và rất quan trọng. Theo GS Nguyễn Duy Quý (Hà Nội) và GS Vũ Đình Bách (Trường đại học Kinh tế, Hà Nội), mặc dù còn không ít khó khăn, hạn chế, đất nước ta đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng và có sự tăng trưởng khá, sự nghiệp CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN đang được đẩy mạnh, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cân nhắc lại cụm từ "có ý nghĩa lịch sử", vì thành tựu đạt được trong 20 năm qua có thể đánh giá là rất quan trọng (thêm từ "rất"). Song, trong 5 - 10 năm tới, nếu đi đúng hướng, thành tựu của đất nước sẽ có những bước phát triển đột phá, thành tựu lớn hơn giai đoạn vừa qua, thì có đánh giá là "có ý nghĩa lịch sử" hay không. Vả lại, so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, thì nền kinh tế nước ta vẫn còn chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn nghèo. Và nên lùi lại 10-20 năm nữa sẽ đánh giá ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước cho thật khách quan.

Một số ý kiến cho rằng: Cần làm rõ Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trong quá trình phát triển của thế giới, và việc so sánh trình độ phát triển của đất nước ta với các nước trên thế giới và khu vực là cần thiết. Khi so sánh cần có cách nhìn biện chứng, toàn diện, khách quan và có quan điểm phát triển, để chỉ rõ lý do vì sao Việt Nam còn kém phát triển so với các nước. Trong phát triển kinh tế, cần làm rõ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN về quyền sở hữu, quyền kinh doanh, các loại thị trường và cơ chế chính sách cụ thể.Trong Dự thảo đánh giá còn chung chung về vấn đề thị trường. Kinh tế nước ta có thể phát triển nhanh phụ thuộc vào tốc độ cải cách kinh tế và vấn đề chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Do đó, kiến nghị Đảng, Nhà nước cần có các giải pháp: Huy động nguồn vốn đang còn rất lớn trong nhân dân, có chính sách thông thoáng hơn nữa để thu hút đầu tư nước ngoài.

Vấn đề quốc sách hàng đầu

Ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng (Hà Nội) nhấn mạnh, giáo dục- đào tạo, khoa học - công nghệ đã được Đảng, Nhà nước đưa thành quốc sách hàng đầu, nhưng mục tiêu, phương châm, phương pháp, cách sử dụng con người thế nào, hiệu quả ra sao chưa được chỉ rõ trong Dự thảo. Về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị cần chú ý trước hết đến việc xây dựng và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; coi trọng việc giáo dục đạo đức cho cả thầy lẫn trò; tập trung cải cách chương trình và biên soạn sách giáo khoa các cấp học, giảm các kỳ thi không cần thiết. Cần chọn những cán bộ đầu đàn, có uy tín trong khoa học làm chủ nhiệm các đề tài cấp Nhà nước. Các đề tài nghiên cứu do Chính phủ đề ra, tránh tình hình các bộ, ngành đề ra một cách tản mạn, trùng lặp như hiện nay; cần đổi mới việc đấu thầu các đề tài. Nhà nước cần tạo cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học, công nghệ, xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm của các ngành khoa học; đưa các viện nghiên cứu gắn liền với các trường đại học...

GS Phạm Thị Trân Châu cho rằng, cái gốc của các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục - đào tạo hiện nay là động cơ của người đi học mà nền giáo dục của ta chưa chú trọng. Cần dạy cho người đi học các kiến thức cơ bản để hiểu biết tự nhiên, xã hội để phục vụ xã hội. Hiện nhiều người đi học để có bằng, có danh, để có bổng lộc, chạy theo thành tích. Giáo sư đề nghị bổ sung trong Dự thảo "Xây dựng chiến lược giáo dục-đào tạo" và đổi mới cơ chế quản lý khoa học - công nghệ, tổ chức đồng bộ các khâu trong nghiên cứu khoa học, từ nghiên cứu, triển khai, sản xuất, thương hiệu hóa sản phẩm..., có chính sách cụ thể về bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng nhân tài.

Linh mục Nguyễn Tấn Khóa (Quảng Nam) cho biết, được đi nhiều nơi, được nghe nhiều ý kiến của nhân dân về sự thay đổi từng ngày của đất nước, đâu đâu cũng thấy nhà cửa, cầu cống, nhiều khu công nghiệp, đô thị xây dựng, đời sống nhân dân được cải thiện. Tất cả điều này được nhân dân công nhận, kể cả những người khó tính nhất. Nhưng chúng ta không khỏi đau lòng khi thấy một bộ phận con em và một số cán bộ, công chức chạy theo đồng tiền, sống ích kỷ, chỉ lo cho bản thân, vi phạm pháp luật, và mắc vào một số tệ nạn xã hội. Một số đại biểu cho rằng, Đảng, Nhà nước đã chỉ rõ, văn hóa vừa là mục tiêu, là động lực của sự phát triển là nền tảng tinh thần của xã hội. Nhưng công tác quản lý văn hóa còn yếu. Vì thế Đảng, Nhà nước cần quan tâm và có những biện pháp và cơ chế để nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa. Nếu không có quan niệm và cách giải quyết đúng đắn về thị trường văn hóa, về hội nhập văn hóa... thì các sản phẩm văn hóa độc hại du nhập dễ dàng vào Việt Nam gây nguy hại cho thế hệ trẻ, trong xã hội sẽ xuất hiện chủ nghĩa thực dụng.

Một số đại biểu đề nghị cần xem xét mô hình và sự phát triển của con người mới Việt Nam như thế nào. Nếu quan niệm con người là vốn quý nhất, thì sự phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm. Đảng và Nhà nước cần có cơ chế chính sách bảo đảm hài hòa sự phát triển con người. Các đại biểu cho rằng, trong Dự thảo chưa đề cập đúng mức vấn đề đạo đức. Hiện vấn đề đạo đức nhiều người rất quan tâm, bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức và trong xã hội có biểu hiện suy thoái về đạo đức, đặc biệt là nạn tham nhũng. Tham nhũng là sự suy đồi đạo đức nhất trong xã hội.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

Các đại biểu nhất trí đưa vào Dự thảo "Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân". Ông Phạm Khiêm Ích (Viện Khoa học thông tin xã hội, Hà Nội) đề nghị cần chỉ rõ thế nào là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Ông Phạm Khiêm Ích đề nghị ghi rõ trong Dự thảo, mọi công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, các cơ quan công quyền và cán bộ, công chức thực hiện theo quy định của pháp luật.

Luật gia Lưu Văn Đạt góp ý: Trong điều kiện có Đảng lãnh đạo, cần làm cho Nhà nước ta trở thành trụ cột của hệ thống chính trị. Nhà nước pháp quyền có nghĩa là pháp luật là cao nhất. Cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên trong hệ thống chính trị. Hiện nay còn xảy ra tình trạng, Nhà nước "ôm" quá nhiều. Cần xem xét cái gì giao được cho dân, cho các tổ chức chính trị - xã hội thì giao bớt. Nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật quy định và nhân dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Các đại biểu cho rằng, hệ thống hành chính của chúng ta hiện nay chưa có sự tập trung cao, nên việc điều hành gặp khó khăn. Đề nghị cần xác định rõ mối quan hệ giữa cơ quan công quyền với công dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và là chủ. Có cơ chế vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời giữ vững trật tự kỷ cương, tránh dân chủ quá trớn. Một số đề nghị, cần xã hội hóa các dịch vụ công cộng, Nhà nước giao bớt cho các tổ chức, cá nhân làm những dịch vụ công cộng, liên quan đời sống xã hội. Nên giao phần tư vấn trợ giúp pháp lý cho người nghèo cho các Hội Luật gia địa phương.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và một số đại biểu cho rằng, hiện nay ở Việt Nam tình trạng tham nhũng, lãng phí còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Việc phát hiện và xử lý còn chưa nghiêm. Các đại biểu đề nghị, chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội cần được thực hiện một cách nghiêm túc, dứt điểm, từ trên xuống dưới và phải dựa vào nhân dân mới có kết quả. Biện pháp tốt nhất để phòng, chống tham nhũng là dựa vào dân và có cơ chế để bảo vệ người chống tham nhũng. Khi đề cập chống tham nhũng, đề nghị nhân dân có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra giám sát cán bộ, đảng viên. Cần phân tích sâu hơn về nguyên nhân dẫn đến tham nhũng và xử lý nghiêm những ai sai phạm, dù người đó giữ bất cứ cương vị nào.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Linh mục Thiện Cẩm (TP Hồ Chí Minh), GS Đặng Nghiêm Vạn (Hà Nội), Hòa thượng Thích Thanh Tứ, trong ý kiến phát biểu của mình đều đề cập vấn đề xây dựng và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát huy mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Các đại biểu rất hoan nghênh trong Dự thảo đã thay quan điểm: Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam đều "bình đẳng, đoàn kết tương trợ, giúp nhau cùng phát triển" bằng: "Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, tương trợ giúp nhau cùng tiến bộ". Tôn trọng các dân tộc là thực hiện đúng nhất bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, vấn đề dân tộc, tôn giáo chưa được đề cập một cách thỏa đáng; cách nêu vấn đề còn chung chung, chưa đi sâu vào thực trạng và có biện pháp tích cực để giải quyết. Đề nghị Đảng và Nhà nước cần có chính sách riêng, đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tất cả các lĩnh vực, quan tâm hơn nữa đến con em người dân tộc thiểu số, nhất là về việc làm... Cần sớm thành lập một số trường đại học dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số; đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ phát triển sản xuất và đời sống ở vùng miền núi, thu hút đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia lao động ở ngay trên quê hương mình.

Theo ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Đảng, Nhà nước thời gian qua đã rất quan tâm đến Mặt trận và các tổ chức thành viên, coi trọng công tác Mặt trận. Tuy nhiên trong Dự thảo, phần đánh giá vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam mức độ khái quát chưa cao. Ông Đỗ Duy Thường đề nghị, cần xác địnhh rõ Mặt trận là nòng cốt trong tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để làm rõ chủ trương của Đảng về Mặt trận, đề nghị làm rõ vai trò và cơ chế, chính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận. Xây dựng quy chế phối hợp làm việc giữa Mặt trận với cấp ủy đảng, chính quyền. Một số đại biểu nêu, phần viết về vai trò của Đảng đối với Mặt trận còn mờ nhạt, chưa thể hiện được tinh thần của Luật Mặt trận Tổ quốc và Hiến pháp. Cần viết đậm hơn, thêm ý Mặt trận thể hiện ý chí và nguyện vọng nhân dân; nêu rõ Mặt trận có vai trò giám sát và phản biện xã hội. Quy định rõ mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với Mặt trận và tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và thực hiện tốt hơn vai trò Đảng là thành viên của Mặt trận. Ông Vũ Oanh đề nghị, cùng với phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, cần phát huy hơn nữa vai trò của người cao tuổi.Vì trong Dự thảo, ít đề cập vai trò của người cao tuổi.

Công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ

Bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, nêu ý kiến, tiêu đề của Đại hội X là "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển", trong đó xác định rõ nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ở vị trí hàng đầu. Song trong Dự thảo Báo cáo Chính trị lại để phần: "Đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng" ở phần cuối cùng là chưa tương xứng với tiêu đề đại hội. Bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, ông Vũ Oanh và một số đại biểu kiến nghị với Đảng và Nhà nước cần có cách đánh giá chính xác năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước sự tụt hậu về kinh tế, sự giảm sút ý chí chiến đấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự hạn chế về thông tin ở một bộ phận lãnh đạo các cấp. Và trong Dự thảo, chưa đưa ra giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng này. Cần kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu dân.

Các đại biểu mong muốn Đại hội X phải là Đại hội đột phá cho sự phát triển nhanh, toàn diện, mạnh mẽ và bền vững của đất nước.

Phát biểu ý kiến kết thúc hội nghị, đồng chí Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, với tinh thần trách nhiệm cao và tình cảm chân thành đối với Đảng và đất nước, các vị đại biểu bằng trí tuệ và tâm huyết của mình, đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội X của Đảng, mong muốn Đảng ngày một trưởng thành, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, mong Đảng sớm loại trừ được tham nhũng, tiêu cực để củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Nhiều ý kiến thể hiện sự tin cậy của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và mong muốn Đại hội X sẽ tạo nên bước ngoặt và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển toàn diện của đất nước, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.