Một người Đức mê đàn môi Việt
Các Website khác - 18/12/2005
Một người Đức mê đàn môi Việt

Dáng người dỏng cao, mái tóc hoe vàng bồng bềnh... đó là Clemens Voight (ảnh), một chàng trai người Đức, người mang trong mình niềm đam mê các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam.


Tình cờ bắt gặp Clemens trong một cuộc triển lãm về nhạc khí dân tộc Việt Nam gần đây, chúng tôi thấy hết sức ngạc nhiên khi chàng thanh niên 25 tuổi này đang say sưa chơi đàn môi của người Việt. Sau đó, anh còn tiếp tục biểu diễn với các nhạc cụ dân tộc khác như đàn bầu, sáo trúc, đàn p'rông - một loại đàn nứa Tây Nguyên... Clemens Voight đã khiến những khán giả hôm ấy mê mẩn vì thích thú. Khi trò chuyện mới biết, Clemens không còn xa lạ gì với VN. Anh đã gần chục lần sang VN chỉ để thoả mãn niềm say mê tìm hiểu nhạc cụ dân tộc của chúng ta, đặc biệt là đàn môi.

Clemens Voight đến với đàn môi thật tình cờ. Năm 18 tuổi, xem một người bạn biểu diễn và giới thiệu về đàn môi Đức, Clemens đã bị lôi cuốn ngay bởi âm điệu trầm đục của loại nhạc cụ nhỏ bé này. Thế là anh quyết định học cách chơi đàn môi. Giờ thì anh đã chơi thành thạo đàn môi của nhiều nước. Anh đã đến hơn 30 quốc gia trên thế giới và có hẳn một bộ sưu tập hơn 120 loại đàn môi của khoảng 40 nước khác nhau. Sang Việt Nam, Clemens đã bị cuốn hút ngay đàn môi của dân tộc Mông - loại đàn nhỏ gọn được cấu tạo bằng hai lá đồng mỏng.

Những ngày lang thang ở VN đối với Clemens là những ngày đáng nhớ. Đến giờ thì anh đã không còn lạ lẫm gì với phố phường Hà Nội nữa. Được hỏi về cảm nhận của mình với Hà Nội, anh hồ hởi: "Tôi từng chơi nhiều loại đàn môi khác nhau, nhưng vẫn thích nhất đàn môi VN vì nó dễ chơi, âm thanh ngọt và ấm, âm vực rộng hơn các loại đàn môi khác. Và một điều khác biệt thú vị, đó là người chơi chủ yếu dùng môi và lưỡi để chơi, không cần dùng đến răng như đàn môi của Đức và của một số nước Châu Âu khác".

Cách đây 2 năm, Clemens Voight đã thành lập một công ty kinh doanh đàn môi, trong đó đàn môi Việt Nam chiếm khoảng hơn 60%. Mỗi lần sang Việt Nam, anh lại mang về Đức hàng trăm chiếc. "Đàn môi của các bạn thật sự là một nhạc cụ quý và độc đáo, tôi muốn giới thiệu nó với những ai yêu thích đàn môi trên thế giới, để họ biết rằng một đất nước nhỏ bé như vậy nhưng luôn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá đặc sắc. Bạn hàng của tôi đều thích thú và đón nhận đàn môi Việt Nam nồng nhiệt!...".
Sang Việt Nam lần này, Clemens lại lên vùng Tây Bắc, đi đến các bản làng của người Mông, Dao... Clemens muốn tận mắt được thấy những chiếc đàn môi đã gắn bó với đời sống tinh thần của người dân tộc như thế nào. "Và biết đâu tôi lại được dạy thêm một cách chơi đàn môi khác, một bản nhạc khác. Đất nước các bạn luôn khiến tôi tò mò và thích khám phá!", Clemens thích thú.

Câu chuyện về người bạn Đức Clemens Voight thật giản dị, nhưng đáng trân trọng vô cùng! Với tất cả niềm say mê dành cho đàn môi Việt Nam, bằng cách riêng của mình anh đã mang đàn môi Việt Nam đến với bạn bè các nước trên thế giới. Thêm một chiếc đàn môi được trao tay, cũng có nghĩa là thêm một người được biết đến Việt Nam với nhiều giá trị văn hoá đặc sắc. Giữa rất nhiều người ngoại quốc đang ở trên khắp phố phường Hà Nội, có một người bạn tóc vàng, mắt xanh, dáng rất "bụi", khoác ba lô lang thang, để rồi khi trở về Đức, anh lại mang theo một phần văn hoá Việt Nam - với những đàn môi, sáo, đàn bầu... để chia sẻ với bè bạn quốc tế. Thanh Hà