Mỹ thuật Việt Nam tìm tòi và sáng tạo
Các Website khác - 07/12/2005
Khâu áo, tranh của Trần Lưu Hậu.
Vào quãng những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, sau khi đất nước đã thống nhất, những cuộc triển lãm lớn có mặt nghệ sĩ tạo hình cả hai miền bắt đầu mang lại cho công chúng yêu nghệ thuật một không khí hứa hẹn nhiều thay đổi.
Nhưng cũng chưa ai rõ những thay đổi đó sẽ diễn ra cụ thể thế nào. Trước đó, nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam tuy rất nhiều thành tựu, nhiều tài năng vượt trội, nhưng việc sáng tác, công bố tác phẩm..., vẫn chủ yếu dựa vào tập thể.

Những năm cuối thời kỳ bao cấp, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, đời sống văn nghệ sĩ chật vật nhưng không ai nghĩ ra rằng việc bán tranh là có thể. Công cuộc đổi mới đất nước đã tác động mạnh đến đời sống nói chung và đời sống văn học nghệ thuật nói riêng, trong đó có mỹ thuật.

Là một trong những lĩnh vực thay đổi sớm và mạnh mẽ, có thể khẳng định mỹ thuật những năm đầu thời kỳ đổi mới là một thời kỳ đáng kể trong lịch sử mỹ thuật nước nhà...

Những triển lãm riêng của cá nhân hoặc nhóm họa sĩ rất ít, hầu như không có trước kia, đột nhiên trở thành một trào lưu. Sự kiện đáng kể đầu tiên là triển lãm của 16 họa sĩ tại Bảo tàng Mỹ thuật tháng 10-1989. Triển lãm này do các họa sĩ tự đứng ra tổ chức, lo liệu chi phí, không có cơ quan bảo trợ. Những họa sĩ có tranh trưng bày chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình về cả nội dung lẫn hình thức, sau triển lãm có bán tranh.

Ðây được xem như một bước tiến mới, khởi đầu cho sự đổi mới thực sự về hoạt động nghệ thuật có tính tự do, thức tỉnh tính tự lập của người họa sĩ trong nghề nghiệp. Triển lãm gây được tiếng vang lớn, cũng không ít lời chỉ trích. Nhưng những tên tuổi gắn với triển lãm ấy như Nguyễn Quân, Ðặng Thị Khuê, Lương Xuân Ðoàn, Nguyễn Xuân Tiệp, Lê Anh Vân, Lê Huy Tiếp... cũng là những cái tên đánh dấu một thời kỳ sôi động của mỹ thuật. Lần đầu tiên giới họa sĩ hiểu rằng họa sĩ có thể và cần phải tự lo mọi hoạt động sáng tác của mình, tự triển lãm, tự bán tranh, tự sinh sống. Cơ chế bao cấp trong kinh tế và trong nghệ thuật bước đầu được dỡ bỏ.

Năm 1990, hoạt động triển lãm diễn ra sôi nổi và liên tục chưa từng thấy, các gallery ồn ào mọc lên tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, xuất hiện rất nhiều triển lãm cá nhân và nhóm tự do, mang tính chuyên nghiệp cao.

Người ta vẫn chưa quên những triển lãm mang tính đột phá như triển lãm của ba họa sĩ Trương Bé, Ðỗ Kỳ Hoàng, Vĩnh Phối (năm 1988) tại Hội Văn nghệ Hà Nội 19 phố Hàng Buồm. Trương Bé lần đầu tiên chính thức bày tranh trừu tượng.

Cuộc giao lưu mỹ thuật giữa các miền đất nước trở nên phổ biến, các triển lãm "Tác phẩm mới" thường niên bắt đầu từ năm 1990 của nhóm 10 họa sĩ thành phố Hồ Chí Minh, hay nhóm năm người (Ðặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Trần Lương, Phạm Quang Vinh, Hồng Việt Dũng) bắt đầu từ năm 1991...

Song song với các triển lãm nhóm và cá nhân tự do, các triển lãm có được từ hoạt động mỹ thuật do Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam tổ chức vẫn duy trì và mang nhiều yếu tố đổi mới, ngày một chuyên nghiệp. Bên cạnh đó các triển lãm trao đổi giao lưu với nước ngoài thời kỳ này phát triển mạnh, ngày một xa hơn, mang tính toàn cầu.

Triển lãm "Tâm hồn bộc bạch" là triển lãm đầu tiên giới thiệu Mỹ thuật đương đại Việt Nam ra nước ngoài với quy mô lớn tại Hồng Công và Singapore trong hai năm 1991, 1992. Cũng trong thời kỳ này, vai trò tưởng như đã mờ nhạt của các nhà sưu tập tranh lại nổi lên. Nhà nhà sưu tập Tô Ninh, Danh Anh ngoài Hà Nội; không chỉ có con trai của nhà sưu tập Ðức Minh nổi tiếng trước cách mạng kế tục bộ sưu tập cũng như niềm công việc yêu mến hội họa của cha, mà nhiều nhà sưu tập trẻ khác như Trần Hậu Tuấn, Ðỗ Huy Bắc vào thời kỳ này đã hoạt động rất mạnh, nhờ thế chúng ta có những triển lãm hồi cố quý giá về các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng..., cũng như triển lãm của các tác giả trẻ, mới nổi.

Tranh của các họa sĩ Việt Nam được quan tâm trong thị trường khu vực và xa hơn nữa. Lê Thiết Cương, Ðinh Quân, Ðào Hải Phong, Phạm Luận... trở nên những họa sĩ trẻ đắt giá. Thị trường tranh trong nước manh nha hình thành. Rõ ràng nền kinh tế thị trường có tác dụng kích thích sự phát triển của nghệ thuật thời kỳ đầu đổi mới.

Những cuộc tiến công ào ạt của giới nghệ sĩ tạo hình vào nhiều lĩnh vực làm cho đời sống mỹ thuật trở nên phong phú chưa từng có. Một không khí sáng tạo bao phủ tại các xưởng vẽ, những cuộc trao đổi nghệ thuật diễn ra thường xuyên... tất cả những điều đó quả thật đáng trân trọng. Song cũng cần phải nói rằng, kinh tế thị trường cũng bắt đầu thể hiện những mặt trái của nó, từ giữa thập kỷ 90, đó là hiện tượng thương mại hóa nghệ thuật, sao chép sản xuất tranh, làm tranh du lịch, tranh giả... Thị trường trong nước mãi vẫn không hình thành nổi.

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực diễn ra, thị trường nghệ thuật bất ổn, nhiều họa sĩ không bán được tranh nên việc sáng tạo bị ảnh hưởng rất nhiều. Giai đoạn hồ hởi của thời kỳ đổi mới chỉ kéo dài đến quá nửa thập niên 90. Chúng ta đã thu hoạch không chỉ niềm hào hứng mà cả gánh nặng sáng tạo. Vẽ gì, vẽ như thế nào, tất nhiên là vẽ cho ai nữa, trở thành những câu hỏi khó với nhiều người. Sự bất ổn của thị trường nghệ thuật đến tận bây giờ dường như vẫn còn tiếp diễn.

Một đặc điểm khác nữa là, hai mươi năm nay, mỹ thuật Việt Nam phát triển mạnh các chủ đề nông thôn: lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán... Họa sĩ tỏ ra hướng về đời sống nội tâm, về tình cảm riêng tư như tình yêu, giới tính..., ít quan tâm đến đời sống chung. Các vấn đề xã hội hiện đại như ô nhiễm môi trường, công nghiệp, chiến tranh, bạo lực, toàn cầu hóa đã xuất hiện qua các cuộc thi như cuộc thi Philip Morris, nhưng còn ít. Hội họa đổi mới ngày càng nhiều hư cấu mang tính chủ quan cá nhân. Nội dung đa dạng, nhiều lớp ký hiệu, thể hiện sự phức tạp của tư duy con người và xã hội cuối thế kỷ.

Một vấn đề cũng cần đề cập tới là trong đời sống mỹ thuật có sự thay đổi về quan điểm thẩm mỹ so với trước kia. Ðã xuất hiện các xu hướng mới có sự tìm tòi, thay đổi bạo dạn về kỹ thuật, chất liệu và nội dung, nhất là sơn dầu và sơn mài. Tìm kiếm bề mặt mới bằng kỹ thuật tổng hợp, chất liệu tổng hợp, gắn lên mặt tranh nhiều vật liệu khác nhau như gỗ, mùn cưa, vải, sỏi, kim loại. Họa sĩ trẻ Vũ Thăng là một thí dụ, anh tạo ra một ngôn ngữ mới thô mộc và mạnh bạo hơn trong sơn mài. Giấy dó cũng là một lĩnh vực nhiều thể nghiệm, trong khi tranh lụa, tranh khắc... ít dần đi. Tất cả những gì đòi hỏi sự tỷ mỷ có lẽ không còn phù hợp lắm trong một thời vội vã làm nghệ thuật.

Cũng vào thời kỳ đổi mới, như một tất nhiên của quá trình hội nhập toàn cầu, trong xu hướng chung của nghệ thuật quốc tế, nhằm tiến tới xã hội hóa nghệ thuật, chúng ta chứng kiến sự thay đổi mạnh về thẩm mỹ, về quan niệm nghệ thuật và tính quốc tế hóa ở một lớp họa sĩ trẻ. Mà thể hiện rõ hơn cả là ở các nghệ sĩ kiếm tìm những hình thức nghệ thuật đương đại, xuất hiện lẻ tẻ vào nửa cuối thập kỷ 90, như sắp đặt, trình diễn, video-art...

Những hình thức này có mặt ở Việt Nam trong sự thờ ơ của công chúng, nhưng chúng cần được đánh giá đúng mức và chấp nhận nhiều hơn, bởi nhu cầu sáng tạo của nghệ sĩ là chính đáng. Những hình thức nghệ thuật này đồng thời cho thấy những bức xúc của con người trong xã hội tiêu dùng, công nghệ hiện đại.

Hơn bao giờ hết, không khí tự do sáng tạo vẫn đang tác động tích cực đời sống mỹ thuật. Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, sự lớn mạnh của đất nước, đáp ứng nhu cầu của công chúng và đời sống xã hội, sáng tạo của nghệ sĩ ngày càng được Ðảng và Nhà nước quan tâm hơn. Chúng ta luôn hy vọng vào những tài năng nghệ thuật sẽ đem lại nhiều tác phẩm đẹp và tốt, xứng đáng với đất nước và thời đại, trong tương lai.

HÀ THANH