Cần tạo dựng một thương hiệu du lịch lớn
Các Website khác - 07/12/2005
Hơn mười năm qua, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội cũng tăng liên tục và đã đạt năm triệu khách/năm. Ngày 6-12, Hà Nội đã đón người khách quốc tế thứ một triệu và là vị du khách thứ năm triệu đến thành phố.
Vị khách đặc biệt đến Hà Nội ngày 6-12 là bà Bas Martine, 56 tuổi, quốc tịch Pháp, hiện ở thành phố Saumuz (Pháp). Bà là thành viên đoàn du khách Pháp 21 người tham gia chương trình du lịch xuyên Việt 12 ngày của Công ty du lịch Việt Nam tại Hà Nội. Một chút ngỡ ngàng, bà Martine đã phát biểu: “Tôi rất vui và vinh dự được trở thành người du khách nước ngoài thứ một triệu đến Hà Nội. Tuy chưa lần nào đến Việt Nam nhưng tôi đã biết và tìm hiểu về đất nước các bạn qua sách, báo, bản sắc văn hoá và những nét gần gũi trong quan hệ truyền thống Pháp- Việt là yếu tố lôi cuốn tôi đến Việt Nam, đến với Hà Nội. Chuyến đi này là một kỷ niệm đẹp và chắc chắn tôi sẽ có những ngày nghỉ tuyệt vời tại đây”.

Ông Lưu Nhân Vinh, giám đốc Công ty du lịch Việt Nam tại Hà Nội cho biết: “Bà Bas Martine cũng là vị khách quốc tế thứ 16 nghìn mà công ty chúng tôi đón trong năm 2005. Đây là đoàn khách nằm trong thị trường khách có khả năng chi tiêu cao, thời gia lưu trú dài ngày, nhưng cũng đòi hỏi chất lượng dịch vụ hoàn hảo và khá khó tính. Đối với công ty chúng tôi, khách Pháp là thị trường truyền thống từ nhiều năm nay và là lượng khách chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng khách đến từ các thị trường Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ”.

Thị trường khách Pháp là một trong mười thị trường khách hàng đầu của ngành du lịch Hà Nội, nhưng là thị trường khá quan trọng đóng góp vào sự thành công của du lịch thành phố cùng các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Đài Loan, Australia, Tây Ban Nha. Lượng khách của mười thị trường này chiếm tới 78 % tổng số khách của 170 quốc gia và vùng lãnh thổ có khách đến Hà Nội. Trong bối cảnh môi trường thuận lợi với những tiềm năng đang được khai thác và phát huy mạnh mẽ, du lịch Hà Nội đã có bước phát triển bền vững, liên tục trong những năm gần đây.

Theo bà Cao Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, tổng lượng du khách đến thành phố tăng hơn 20 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế tăng 20,3 % với tổng doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng. Hà Nội được bạn bè các nước và giới kinh doanh du lịch quốc tế đánh giá là một điểm đến hấp dẫn, đầy sức lôi cuốn.

Cùng với sự kiện đón vị khách quốc tế thứ một triệu trong năm nay, Hà Nội tiếp tục được bạn đọc tạp chí du lịch lữ hành hàng đầu thế giới của Mỹ Travel Leisure bình chọn lần thứ hai liên tiếp là một trong năm thành phố du lịch tốt nhất của châu Á về cảnh quan, văn hoá, con người và ẩm thực.

Những thành tựu trên của du lịch thành phố có được từ sự ổn định và những tiến bộ về kinh tế, chính trị, an ninh bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, quản lý đô thị cùng việc tăng cường quảng bá, xây dựng cở sở hạ tầng, đa dạng hoá sản phẩm du lịch.

2005 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện văn hoá, lễ hội kỷ niệm lớn trên địa bàn thành phố, thu hút đông du khách, nhất là khách trong nước như: Liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, lễ hội 995 năm Thăng Long- Hà Nội, v.v.

Bên cạnh đó, chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trong nước và ngoài nước được tăng cường thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp thông qua những hội chợ, lễ hội và phương tiện thông tin đại chúng. Sở Du lịch thành phố đã xây dựng nhiều ấn phẩm, sách, đĩa CD-ROM bằng nhiều thứ tiếng, phim tài liệu và hoàn thành kịch bản phim “Hành trình qua các kinh đô cổ” tuyên truyền du lịch hướng tới 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Một số quầy trung tâm thông tin du lịch của Sở Du lịch Hà Nội tại sân bay Nội Bài, chung quanh hồ Hoàn Kiếm, trên tuyến phố đi bộ Hàng Đào- Đồng Xuân hoạt động khá hiệu quả, góp phần đắc lực phục vụ du khách.

Hà Nội hiện còn là thành viên Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA) tham gia triển khai chiến dịch quảng bá “Chào mừng đến châu Áá” có sự phối hợp của 11 thành phố lớn của các nước trong khu vực.

Giữ vai trò đầu tầu, chủ động trong quan hệ hợp tác các địa phưong nhằm phát triển cơ cấu du lịch liên vùng, liên ngành, du lịch Hà Nội đã hợp tác với 15 tỉnh, thành phố trong cả nước để tổ chức hàng trăm chương trình tua du lịch ở các địa phương như du lịch làng nghề Hà Nội và các vùng phụ cận; du lịch hội nghị, hội thảo, thăm đền, chùa, bảo tàng; du lịch mạo hiểm vùng núi phía bắc, leo núi Phanxipang ở Lào Cai, du lịch biển Quảng Ninh, Nha Trang, du lịch “Hành trình các kinh đô cổ” liên kết Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và Huế; du lịch sinh thái bảo vệ môi trường ở các khu bảo tồn thiên nhiên Cúc Phương, Ba Bể, Hoàng Liên Sơn, v.v. Dịch vụ chất lượng cao, chương trình du lịch có tính lịch sử, văn hoá, mang đậm bản sắc dân tộc và độc đáo, đó là yếu tốt tạo nên sức cạnh tranh của du lịch Hà Nội.

Trước mắt, Hà Nội chuẩn bị đón khách tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2006. Khắc phục tình trạng thiếu khách sạn cao cấp, Hà Nội đang có kế hoạch xây dựng quy hoạch chi tiết mạng lưới khách sạn và khu vui chơi giải trí, tăng nhanh lượng phòng khách sạn từ hơn 12 nghìn phòng lên hơn 20 nghìn phòng vào năm 2010 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch ở Sóc Sơn, Cổ Loa, Bát Tràng.

Sở Du lịch Hà Nội đang phối hợp các ban, ngành hữu quan chuẩn bị dự thảo cơ chế khuyến khích trong đầu tư du lịch để thu hút nguồn vốn, cho phép các dự án du lịch vay vốn với lãi suất ưu đãi, cho nộp thuế nhập khẩu ô-tô sau thanh lý và dự kiến sẽ dành những khu đất trống có vị trí đẹp để xây dựng các khách sạn cao cấp. Sở Du lịch thành phố hiện đang chuẩn bị cho Liên hoan ẩm thực- làng nghề Hà Nội tổ chức vào đầu quý I năm 2006 và xây dựng kế hoạch cho Liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội để tạo dựng một thương hiệu lễ hội lớn, thu hút khách và quảng bá các sản phẩm của du lịch thành phố.

Nguyễn Tiến Cường