Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã khẳng định như vậy với VnExpress khi đề cập đến mục tiêu "chống đục khoét" trong năm tới. Kết quả của đợt thanh tra này sẽ được công bố ngay trong năm 2006 và sẽ chỉ đích danh chủ đầu tư nào có trách nhiệm để công trình dự án không hiệu quả.
- Phó Thủ tướng có thể nói cụ thể về kế hoạch hành động của Chính phủ khi đặt vấn đề trọng tâm của cải thiện tài chính Nhà nước là chống đục khoét vốn đầu tư ngân sách?Phó thủ tướng Vũ Khoan: Sẽ chỉ đích danh những chủ đầu tư có sai phạm. Ảnh: P.H
- Tôi phải nói ngay rằng, chống đục khoét là một trong nhiều mục tiêu của Chính phủ trong năm 2006. Tình hình đục khoét vốn ngân sách nhà nước là rất nghiêm trọng, Chính phủ rất quan tâm. Nếu nói về lãng phí thì đây chính là lĩnh vực lãng phí lớn nhất, chứ không phải là chuyện dùng xe hay điện thoại di động. Những cái đó cũng là lãng phí phải chấn chỉnh, nhưng lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản mới là lớn.
Luật đấu thầu mà Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này sẽ là biện pháp cơ bản để chống tiêu cực trong xây dựng cơ bản. Tiếp đó là nâng cao trách nhiệm của người quyết định đầu tư vì thực tế đầu tư sai gây hậu quả rất lớn. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh đến việc sẽ chỉ đạo việc tổng kết các công trình đã xây dựng trong 5 năm qua nhưng không sử dụng hoặc không phát huy được tác dụng do chủ trương sai.
Tiếp đó sẽ phải tăng cường khâu giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân, các đoàn thể và báo chí. Các biện pháp này sẽ phải tiến hành đồng bộ, nhưng cũng không thể nói sẽ chấm dứt ngay mà phải từng bước khắc phục hạn chế.
- Những biện pháp mà Phó thủ tướng vừa nêu đã được nói nhiều. Cử tri đòi hỏi Chính phủ cần chỉ đích danh, công khai những cá nhân đơn vị gây lãng phí, Phó thủ tướng nghĩ sao?
- Đây cũng là tinh thần chung của Chính phủ. Tình trạng lãng phí thì người dân và QH đã nói nhiều, ai cũng biết. Nhưng tới đây sẽ không có chuyện nể nang hay né tránh. Năm 2006 Chính phủ sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại rất cụ thể các công trình dự án trọng điểm trên phạm vi toàn quốc. Đối tượng là các công trình trọng điểm của địa phương và trung ương. Kết quả của đợt kiểm tra này sẽ được báo cáo với QH ngay trong năm 2006 và sẽ có những địa chỉ cụ thể rõ ràng được nêu danh. Qua đó sẽ xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trương đầu tư, kể cả cấp trung ương để có biện pháp khắc phục và ngăn chặn tái diễn.
- Sáng nay, Thủ tướng tuyên bố sẽ không thể kéo dài tình trạng dùng biện pháp hành chính để kìm giữ giá. Phải chăng đây là tín hiệu cho thấy trong năm tới Chính phủ sẽ chấp nhận việc hình thành một mặt bằng giá cả mới?
- Chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường từ lâu, mà một trong những đặc điểm của kinh tế thị trường là do cung cầu quyết định. Lâu nay chúng ta đang quen sống với cơ chế can thiệp bằng hành chính. Bây giờ sẽ phải gỡ dần để khắc phục tình trạng này. Xăng dầu là một ví dụ. Suốt 2 năm qua Chính phủ đã cố gắng "gồng mình" gánh bù lỗ cho xăng dầu. Nhiều mặt hàng khác chúng ta đã phải bao cấp một phần. Chính phủ đã "nhịn" nhiều năm, nhưng đến lúc này thì phải chấp nhận việc hình thành một mặt bằng giá cả mới.
Tuy nhiên, chấp nhận tăng giá không có nghĩa là Chính phủ thả nổi.
- Chưa được hưởng lợi nhiều từ việc điều chỉnh lương vừa rồi người dân đã vấp phải sự leo thang của giá cả. Phó thủ tướng nghĩ sao về vấn đề này khi đặt ra yêu cầu người dân chấp nhận tiếp việc hình thành giá cả mới cao hơn hiện nay?
- Chúng ta phải giải quyết lương trong thời điểm không thuận lắm. Mặt bằng giá cả trên thế giới xáo trộn quá lớn, mà chúng ta lại phụ thuộc vào thị trường bên ngoài quá nhiều. Năm nay nhập siêu của ta có thể hơn 30 tỷ trong khi GDP của ta hơn 50 tỷ. Điều đó đủ thấy nền kinh tế VN phụ thuộc vào bên ngoài như thế nào. Khi tăng lương, giá thị trường lại tăng vọt lên mà không ai có thể dự báo được chính xác, tôi cũng hiểu rằng, tác dụng của việc tăng lương đã bị hạn chế bởi yếu tố này. Đó là một hoàn cảnh khách quan.
- Vậy Phó Thủ tướng nghĩ thế nào về ý kiến đẩy nhanh lộ trình hoặc điều chỉnh lại kế hoặch cải cách tiền lương cho phù hợp với tốc độ tăng giá của thị trường?
- Nếu có tiền thì làm gì cũng được. Vừa rồi chúng ta đã đẩy nhanh hơn một bước kế hoạch điều chỉnh mức lương tối thiểu. Nhưng ngân sách của chúng ta không thể in tiền để phục vụ cho việc tăng lương, vì như vậy sẽ đẩy lạm phát lên cao. Phải làm theo lộ trình thì ngân sách mới chịu đựng được.
Phạm Hiếu thực hiện
* Ý kiến của bạn:▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Núi Thần Ðinh (18/10/2005)
▪ Nhiều bất cập phải khắc phục ngay (18/10/2005)
▪ Cúm gia cầm lan sang Hy Lạp (18/10/2005)
▪ Những khoảng trống lớn (18/10/2005)
▪ Đại biểu được chọn luật (18/10/2005)
▪ Cuộc thi Nữ hoàng trang sức Việt Nam (18/10/2005)
▪ Cháy lớn tại nhà kho nguyên liệu công ty Afiex (18/10/2005)
▪ Cao ốc ở TP HCM rung chuyển (18/10/2005)
▪ Hàng rào nghĩa trang Trường Sơn không cốt sắt (18/10/2005)