Tây Ninh phát triển du lịch văn hóa và lễ hội
Các Website khác - 04/01/2006
Là tỉnh miền Ðông-Nam Bộ, Tây Ninh có vị trí quan trọng ở cửa ngõ phía tây khu kinh tế trọng điểm phía nam với đường xuyên Á nối TP Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh. Phát triển các loại hình sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, về nguồn đang là hướng ưu tiên của ngành du lịch địa phương này.
Tây Ninh nằm cận kề hai tỉnh Bình Dương, Long An và TP Hồ Chí Minh, có cửa khẩu Mộc Bài và đường biên giới dài 240 km với nước bạn Cam-pu-chia, rất thuận lợi trong đưa đón các đoàn du khách ca-ra-van theo đường bộ từ Thái-lan đến và từ Việt Nam đi. Từ lâu nay, Tây Ninh đã là một điểm đến hấp dẫn của du khách và người hành hương về dự lễ hội núi Bà Ðen trong dịp đón xuân đầu năm. Hiện nay, với sự phát triển của các khu du lịch, hệ thống dịch vụ và các loại hình sản phẩm du lịch, du khách có thể đến với Tây Ninh tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi quanh năm.

Cách thị xã Tây Ninh 11 km, núi Bà Ðen cao 986 m trông như chiếc nón khổng lồ xanh thẫm nằm úp giữa đồng bằng rộng lớn. Ðường lên núi quanh co, có nhiều thác nhỏ và những dòng suối trong vắt cùng nhiều hang động đẹp. Trên núi có nhiều ngôi chùa cổ thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, Bà Chúa Xứ, Phật tổ, Hộ pháp, thể hiện sự đan xen giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ mẫu của nhân dân vùng đồng bằng Nam Bộ.

Không chỉ có những huyền thoại kỳ ảo về Linh Sơn Thánh Mẫu, nơi đây còn lưu dấu chiến công của quân và dân Tây Ninh trong công cuộc kháng chiến giành độc lập. Năm 1989, núi Bà Ðen được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hội xuân núi Bà thường mở từ ngày mồng mười tháng giêng âm lịch hằng năm, lễ chính là vào ngày rằm tháng giêng và tiếp tục kéo dài suốt các ngày trong tháng, thu hút gần một triệu lượt khách trong mỗi mùa hội.

Khu du lịch núi Bà Ðen hiện được tỉnh Tây Ninh và các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống dịch vụ và những khu trưng bày, triển lãm, vui chơi để trở thành một khu du lịch lớn. Tại đây có ba khu bảo tàng giới thiệu một phần hiện vật và hình ảnh của các chiến sĩ quân giải phóng thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã từng bám trụ trên núi, đánh bại hàng chục cuộc càn quét, bao vây khốc liệt của quân thù cùng hệ thống cáp treo phục vụ khách lên núi, thưởng ngoạn cảnh quan khu vực. Cáp treo dài 1.200m, có 200 ca-bin. Ngồi trên các ca-bin, khách có thể ngắm nhìn phong cảnh đang trải dài trong tầm mắt. Một hệ thống máng trượt khép kín cũng vừa được đưa vào hoạt động, phục vụ các du khách ưa cảm giác mạnh, gồm 102 xe trượt đôi có công suất phục vụ 500 người/ giờ. Những máng trượt này trông giống hình các chú rắn khổng lồ đang uốn lượn theo triền núi. Theo xe trượt, khách được hưởng cảm giác bồng bềnh mây gió, có lúc lại nghiêng mình qua các đoạn gấp khúc trong tiếng gió hú, đầy thú vị.

Cách thị xã Tây Ninh 20 km về phía đông bắc là hồ Dầu Tiếng, một trong những công trình thủy nông lớn nhất nước ta với diện tích 27 nghìn ha mặt nước, cung cấp nước tưới cho hàng chục nghìn ha đất ruộng Tây Ninh và các tỉnh chung quanh. Khu vực hồ đã được quy hoạch thành một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao với sân gôn, lâm viên, khu săn bắn, câu cá, các bãi tắm, du thuyền, thể thao dưới nước. Còn về phía tây bắc là Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát với hệ sinh thái nhiệt đới đặc trưng với rừng cây họ dầu chiếm ưu thế, rụng lá vào mùa khô và ngập nước trong mùa mưa, là môi trường sinh sống của hơn 130 loài chim và nhiều loài thú quý hiếm, thích hợp để phát triển du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên và nghiên cứu khoa học.

Một điểm đến nằm ngay tại thị xã Tây Ninh hiện thu hút khá đông du khách và người hành hương là tòa thánh Cao Ðài, công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ năm 1936 đến 1947. Tòa thánh rộng khoảng một km2, được thiết kế với các vòm mái và hoa văn trang trí độc đáo, nổi bật trên nền trời trong xanh, vừa có nét bề thế, nguy nga của kiến trúc phương Tây, vừa mang dáng vẻ huyền bí phương Ðông. Mỗi năm, hàng trăm nghìn khách đã tìm về viếng thăm, nhất là vào những dịp hội lớn như lễ vía Ðức Chí Tôn ngày mồng 8 tháng giêng và Ðại lễ Hội Yến Diêu trì vào ngày rằm tháng 8 âm lịch.

Bên cạnh du lịch văn hóa, tín ngưỡng, một thế mạnh lôi cuốn du khách đến Tây Ninh là du lịch về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, bởi ở đây có quần thể khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền nam (gọi tắt là R), căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Quần thể căn cứ Trung ương Cục miền nam nằm cách thị xã Tây Ninh 64 km, gần sát biên giới nước bạn Cam-pu-chia, giữa một khu rừng xanh tươi cây lá rộng khoảng 70 ha. Từ năm 1962, đến khi kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước năm 1975, căn cứ này là cơ quan cao nhất, chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền nam. Năm 1989, khu di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử và phục hồi lại gần như nguyên trạng. Ði theo một con đường nhỏ, du khách sẽ đến thăm những căn nhà nhỏ bé đơn sơ ẩn mình sau tán lá rừng, có nhà hội họp tập thể, nhà làm việc của các cán bộ cao cấp, nhà ở của chiến sĩ và các ban, ngành, được dựng bằng tre, gỗ, mái lợp lá trung quân. Mỗi nhà đều có hầm kiên cố được nối với nhau bởi một hệ thống giao thông hào liên hoàn, dài hàng nghìn mét. Chính tại nơi đây, các đồng chí lãnh đạo như Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt... đã từng ở và làm việc trong những năm tháng kháng chiến gian khổ và hào hùng để lãnh đạo quân và dân miền nam đi đến thắng lợi cuối cùng.

Với vị trí thuận lợi cùng nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú và sự quan tâm đầu tư, Tây Ninh là một trong những tuyến du lịch văn hóa, lễ hội và về nguồn quan trọng của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam.

HẢI SƠN