* Cục An toàn vệ sinh thực phẩm là cơ quan cao nhất cấp phép cho thực phẩm lưu hành trên thị trường, vậy tại sao lại có chuyện một số công ty quảng cáo quá mức như thế?
- Theo pháp lệnh Hàng hóa, doanh nghiệp được phép tự công bố chất lượng, chúng tôi cấp phép cho họ dựa trên việc xem xét những công bố đó. Đến khi thực phẩm ra thị trường, họ quảng cáo sai sự thật không đúng như những gì công bố, thì họ phải chịu trách nhiệm.
* Vậy vai trò của cơ quan quản lý trong việc này như thế nào?
- Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm. Nếu nhà sản xuất làm không đúng như những gì đã công bố, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, công tác thanh kiểm tra này còn nhiều hạn chế, thiếu kinh phí, thiếu cán bộ nên không thể kiểm tra nổi, trong khi đó thị trường trong 5 năm gần đây phát triển siêu tốc, cách đây 2 năm đã có 7.000 - 8.000 mặt hàng thì bây giờ không biết là tăng lên bao nhiêu. Chính lý do này nên công tác hậu kiểm vẫn còn nhiều hạn chế.
* Hiện nay những sai phạm về VSATTP lại chủ yếu do báo chí hoặc người dân phát hiện. Như vậy, rõ ràng cơ quan quản lý đã thả nổi thị trường thực phẩm?
- Như tôi đã nói, hệ thống quản lý về VSTP hiện đang quá mỏng. Cả Cục An toàn thực phẩm chỉ có 50 người, mỗi địa phương chỉ có 3-4 người làm về VSTP thì làm sao có thể thanh kiểm tra, phát hiện được các vi phạm. Hơn nữa, chiếc "gậy" về pháp lý cuối cùng là mỗi cơ sở sản xuất thực phẩm phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VSATTP mới được phép hoạt động đã bị bãi bỏ. Vì thế, việc quản lý từ đầu nguồn đã bị buông lỏng.
* Vì sao cán bộ thanh tra y tế khi phát hiện sai phạm, có khi là sai phạm nghiêm trọng, lại không có quyền đóng cửa cơ sở đó?
- Đấy là kỳ vọng của chúng tôi. Ở các nước, thanh tra y tế có quyền phạt, đóng cửa một cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có vi phạm.
* Việc xử phạt các vi phạm VSATTP như hiện nay có quá nhẹ không, thưa ông?
- Theo tôi, các quy định mới về xử phạt rất nặng, số tiền phạt cao nhất lên đến 20 triệu đồng, những vi phạm nhỏ cũng từ 100.000 đồng trở lên. Một số địa phương phản ánh mức phạt mới này quá nặng, cần xem xét lại.
* Để cải thiện tình hình này, chúng ta đã có những cải cách gì mới?
- Bộ Y tế đã thành lập riêng tổ thanh tra liên ngành về thực phẩm nằm trong thanh tra bộ. Các phòng xét nghiệm được nâng cấp và công nhận ISO. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang xây dựng lộ trình bắt buộc các cơ sở thực phẩm phải áp dụng GMP, HACCAP vào năm 2010... Hy vọng năm năm nữa, vấn đề quản lý thực phẩm sẽ bước sang bước mới.
Trong thời điểm giáp Tết, nên cẩn trọng khi mua: Thực phẩm tươi sống, rượu, bánh chưng, sôcôla, các loại hạt điều, đậu phộng. Đối với tất cả các loại rau củ quả, thịt, điều quan trọng là mua ở những địa chỉ tin cậy. Gia cầm, gia súc phải có kiểm dịch thú y. Đối với các loại bánh kẹo và đồ hộp, sản phẩm đóng gói sẵn, chỉ nên sử dụng những sản phẩm trên nhãn bao bì ghi rõ tên nhà sản xuất, địa chỉ, số công bố chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn sử dụng. Khi có vấn đề, cần phản ánh hoặc giải đáp, người tiêu dùng có thể điện thoại: 04.8463702 (Văn phòng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) hoặc: 0913563250 (ông Nguyễn Thanh Phong - Trưởng phòng truyền thông và chỉ đạo tuyến).
|
|