Thêm một địa chỉ mang tên Gốm Nhung nữa có mặt tại 245 Lê Duẩn, Hà Nội, "Ðến bây giờ tôi vẫn chỉ làm mà chưa ăn... Vũ Hữu Nhung nói vậy, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc phải suy nghĩ thật nghiêm túc về việc xây dựng một thương hiệu Gốm Nhung, để gốm Phù Lãng có mặt nhiều hơn trên nhiều địa phương trong toàn quốc...".
Ý tưởng thì nhiều lắm, Nhung đặt nhiều kỳ vọng vào những sản phẩm gốm mới của mình, vào việc thay đổi mẫu mã sắp tới có thể là hằng năm. Thời trang cho gốm, đó là điều có thể, với mong muốn rút ra từ đất những hình hài mới, phủ lên đất những khao khát mới.
Nhung ước ao có một khu đất thật rộng để trưng bày gốm của mình, nơi này là đèn vườn, nơi kia là tranh gốm, nơi khác nữa là tượng, và tất nhiên ở rất nhiều nơi là bình, lọ, chum vại... cách điệu từ những sản phẩm Phù Lãng truyền thống.
Rút kinh nghiệm từ làng Gốm Bát Tràng, vay mượn mẫu mã của nhau và của những nơi khác, dẫn đến uy tín của làng nghề sa sút, Vũ Hữu Nhung, chàng thợ gốm 30 tuổi của Phù Lãng suy nghĩ về một con đường khác, một con đường tiến đến hội nhập thị trường khó khăn hơn, quyết liệt hơn, nhưng là tất yếu trong giai đoạn tới.
Mấu chốt của con đường này, như đã nói ở trên, là xây dựng thương hiệu, những gì Nhung đã có trong gần mười năm nay đủ để xây dựng cho Nhung một danh tiếng khá vững vàng trong làng gốm Việt Nam, nhưng để trở thành một thương hiệu, thì lại không phải chuyện của cá nhân Nhung.
Trong lĩnh vực của Nhung, giữa nghệ sĩ và thợ gốm, giữa giá trị sáng tạo và giá trị thực dụng của đồ vật, có một ranh giới khá rõ ràng, để xây dựng thương hiệu, cần phải vượt qua được thương hiệu ấy. Tuy nhiên, dám quả quyết một hướng đi đã là một điều quyết định để có được thành công sau này.
Tranh khắc của Lê Huy Tiếp.
Khi đã có một danh tiếng, một uy tín trong giới, phải biết cách tạo ra một thương hiệu, và như vậy có thể hoàn toàn chủ động trong cách chơi của mình, như trường hợp của họa sĩ Lê Thiết Cương. Mà cũng chỉ mới có Lê Thiết Cương trong năm vừa rồi tạo được những cuộc chơi có tầm cỡ như thế. Triển lãm "Gạo", triển lãm "Nude", một cuộc trưng bày tượng đáng kể trong đêm nhạc Phú Quang, làm bìa sách, viết báo... đầy ắp một năm những cuộc chơi công phu đúng nghĩa, huy động sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực. Danh tiếng và thương hiệu đi cùng với nhau. Ðiều này chưa mấy nghệ sĩ ở nước ta có được.
Nếu chỉ chuyên tâm làm nghệ thuật một cách thuần túy, sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vẫn có rất nhiều gallery mới mọc lên tại các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, bất chấp thị trường tranh nước ta bấp bênh trồi sụt.
Trường hợp gallery Huệ An (36 Trần Phú- Hà Nội) của nhà thơ Giáng Vân có thể xem như điển hình của một gallery thuần túy làm nghệ thuật. Gallerynhỏ xíu này trong mấy tháng qua kể từ ngày khai trương đã thu hút được khá nhiều tên tuổi họa sĩ rất nổi tiếng của mỹ thuật đương đại như Lê Huy Tiếp, Ðinh Ý Nhi, Hoàng Hồng Cẩm, hay của một số họa sĩ trẻ như Phương Vũ Mạnh, Trần Quang Minh, Ðặng Phương Việt... Ở đây, không thiếu tác phẩm đẹp. Phòng đồ họa đang trưng bày có thể xem như một triển lãm hiếm trong giai đoạn hiện nay. Một tên tuổi lớn như Lê Huy Tiếp trong giới đồ họa không dễ bày tranh ở những địa điểm dễ dãi, hoặc chỉ mang tính thương mại. Ông đồng ý để tranh ở một gallery nhỏ chắc chắn vì tính nghệ thuật trong sáng của cuộc trưng bày.
Nhưng những cố gắng của chủ nhân đưa gallery Huệ An vào con đường chuyên nghiệp quả thật không dễ dàng, bởi nền tảng duy nhất để gallery này hoạt động được chỉ là lòng yêu nghệ thuật cũng như khả năng cảm thụ nghệ thuật của chủ gallery, mục tiêu thương mại dù biết là cần thiết nhưng cũng khó đạt tới trong giai đoạn đầu.
So với các gallery nặng về việc bán tranh, sao chép tranh, coi tranh như một món hàng lưu niệm vừa phải giá cả để dành cho khách du lịch, thì việc cố gắng để có một gallery giới thiệu nghệ thuật đúng nghĩa là việc vô cùng đáng quý. Song chưa có được một thương hiệu cũng đồng nghĩa với việc thành công rất mong manh.
Sắp tới, sẽ lại có một gallery khác, gallery Hoàng Anh ở 178C Xuân Diệu khai trương với tuyên bố là xây dựng một gallery thật sự mang tính nghệ thuật của các họa sĩ đương đại, đối tượng mua tác phẩm có thể không nhiều nhưng sẽ là chọn lọc.
Những họa sĩ có tác phẩm trong đợt trưng bày khai trương có vẻ như một bảo đảm cho tuyên bố đó: cao niên như các họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, Văn Ða, đến lứa các họa sĩ trung niên như Văn Chiến, Hoàng Hồng Cẩm, Nguyễn Khánh Toàn, Ðinh Quân, và trẻ hơn nữa như Trần Ðông Nghĩa, Cao Long, Ðào Trọng Lưu... đây sẽ là một gallery đúng nghĩa, tạo được mối gắn bó giữa phòng trưng bày và họa sĩ, có thể làm bệ đỡ cho những họa sĩ trẻ được hay không? Ðiều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà yếu tố quan trọng nhất vẫn là gây dựng thương hiệu.
Mỹ thuật đương đại của chúng ta đã có những tên tuổi thành thương hiệu. Nhưng còn quá ít. Chưa có thị trường nghệ thuật nội địa thì câu chuyện thương hiệu vẫn còn là một câu chuyện xa xỉ với nhiều nghệ sĩ. Sang năm mới 2006 này nghĩ đến thương hiệu một cách nghiêm túc, điều ấy có thể tin chắc được, nên hy vọng của chúng ta vào nền mỹ thuật đương đại là một hy vọng hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, danh tiếng có thể chỉ dựa vào cá nhân nhưng thương hiệu lại phụ thuộc vào số đông. Ðiều cốt yếu nhất vẫn là gây dựng uy tín cá nhân thật vững vàng trước khi cho ra đời một thương hiệu. Nghệ thuật cũng cần chữ Tín, và thương hiệu nào cũng vậy.
|