Ngày 1/2, nâng lương tối thiểu trong doanh nghiệp FDI
Các Website khác - 06/01/2006

Trong bối cảnh hàng loạt cuộc đình công diễn ra căng thẳng ở phía Nam, ngày 6/1, Chính phủ quyết định nâng lương. Theo đó, từ 1/2, lương tối thiểu của lao động Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ được nâng với mức cao nhất là 870.000 đồng một người một tháng, tăng 244.000 đồng so với hiện nay.

Ngoài ra, mức 556.000 đồng và 487.000 đồng hiện nay cũng được điều chỉnh tăng tương ứng là 790.000 và 710.000 đồng. Theo nghị định 03, mức 870.000 đồng áp dụng đối với lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI đóng tại các quận của Hà Nội, TP HCM. Mức 790.000 đồng áp dụng đối với doanh nghiệp FDI đóng tại các huyện của Hà Nội, TP HCM, các quận của Hải Phòng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Mức 710.000 đồng dành cho lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI đóng trên các địa bàn còn lại.

Nhằm hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng dùng mức lương tối thiểu để trả cho lao động đã qua học nghề, Chính phủ quy định: mức lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả do doanh nghiệp tự dạy) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu nói trên. Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp trả lương tối thiểu cao hơn quy định tại nghị định này.

Như vậy, trong 2 phương án Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình, Chính phủ đã chọn phương án 1 với mức chi trả cao hơn và có điều chỉnh một chút về phạm vi áp dụng. Ví dụ mức lương 870.000 đồng sẽ chỉ áp dụng đối với lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI đóng tại các quận nội thành, thay vì đóng tại TP HCM, Hà Nội (gồm cả nội thành và ngoại thành), Đồng Nai, Bình Dương như phương án trình.

Theo ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Tiền lương và Tiền công, phương án này phù hợp với mức tiền công của các doanh nghiệp đang trả và mặt bằng tiền công trên thị trường. Nhược điểm của nó là sẽ làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp do phải trả thêm quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Một số ngành sẽ gặp khó khăn như dệt may, da giầy, chế biến gỗ do sử dụng nhiều lao động phổ thông, giá gia công thấp. Mặt khác, áp dụng lương này sẽ kéo dài khoảng cách giữa lương tối thiểu của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

"Lộ trình là 2008 sẽ thống nhất một mức lương tối thiểu, nhưng với cách tăng hiện nay thì rất khó. Vì trong nước lương tối thiểu của lao động phổ thông hiện mới 350.000 đồng một người một tháng, tích cực lắm 2006 thì được 420.000 đồng, sang 2007 cố gắng nữa thì được 500.000 đồng. Trong khi đó, lương tối thiểu của doanh nghiệp FDI thấp nhất đã là 710.000 đồng", ông Huân lo lắng.

Việc áp dụng phương án 1, tức là tăng lương so với hiện hành từ 28 đến 38%, vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Trước đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ nâng lương tối thiểu trong doanh nghiệp FDI lên 40%. Tuy nhiên, theo khẳng định của lãnh đạo công đoàn Bình Dương và TP HCM, quy định mới này được thực hiện sẽ làm hạ nhiệt đình công.

Hiện khối doanh nghiệp FDI sử dụng khoảng 900.000 lao động.

Như Trang

Theo dòng sự kiện:
'Không kiểm soát nổi tư tưởng người lao động' (05/01)
Tuần tới sẽ có nghị định để 'hạ nhiệt' đình công (05/01)
Thêm 13 doanh nghiệp ở TP HCM và Bình Dương đình công (04/01)
Công nhân ồ ạt đình công đòi tăng lương (03/01)
Chưa chỉnh lương tối thiểu trong doanh nghiệp FDI từ 1/1 (26/12/2005)
Xem tiếp»