Ngày 26/2 tổng kiểm tra kinh doanh gia cầm tại TP HCM
Các Website khác - 23/02/2006

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, đợt làm việc này sẽ đi sâu kiểm tra hoạt động mua bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm trên địa bàn toàn thành phố.

Gần đây, do nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm ở TP HCM tăng, nên có hiện tượng tái kinh doanh gia cầm sống trái phép, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các khu vực chợ Trần Chánh Chiếu (quận 5), Bà Chiểu (Bình Thạnh), đường Chánh Hưng quận 5, cầu Tham Lương, khu vực phường 17 Gò Vấp.

Đặc biệt 2 điểm nóng kinh doanh gia cầm sống giáp ranh huyện Nhà Bè và Bình Chánh với tỉnh Long An là cầu Rạch Dơi (huyện Cần Giuộc) và chợ Mỹ Yên (huyện Bến Lức). Ước tính mỗi ngày có hàng chục nghìn gia cầm, thủy cầm trái phép theo 2 cửa ngõ trên đưa vào thành phố.

Gia cầm vẫn được mua bán, giết mổ tại cửa ngõ TP HCM, nơi tiếp giáp với huyện Cần Giuộc, Long An. Ảnh: V.H.

Trước tình hình này Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đã có văn bản số 161 gửi UBND dân các quận huyện về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tái phát. Chi Cục thú y TP HCM đã xử lý trên thị trường 360 vụ với 1.700 con gia cầm sống, 1.000 con và gần 1 tấn thịt gia cầm tươi, 40.000 quả trứng không rõ nguồn gốc.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm, hiện đã có hơn 10.000 quán ăn, nhà hàng lập bản cam kết đăng ký sử dụng nguồn thịt sạch, không sử dụng các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Tính từ 20/11/2005 đến nay, 3 cơ sở giết mổ của thành phố đã thu mua, giết mổ trên 2 triệu con gia cầm, trong đó có 1,8 triệu con từ các tỉnh đưa về.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho biết, hiện nay tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc kiểm soát và giám sát dịch bệnh, vì hầu hết các hộ đều không báo địa phương và lực lượng thú y nên không thể triển khai tiêm phòng.

Ngày 21/2, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 348 về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người.

Ban Chỉ đạo gồm 21 thành viên, trong đó Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến làm Trưởng ban. Theo quyết định trên, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người có các nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động, tổ chức thực hiện và đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch trong việc phòng, chống đại dịch cúm ở người.

Từ ngày 1-31/3, Bộ Y tế sẽ phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường tại một số tỉnh, thành phố đã xảy ra dịch cúm gia cầm trong thời gian qua. Tính đến nay, sau hơn 3 tháng, cả nước không phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm cúm gia cầm.

V.H.