Ngủ vỉa hè kiếm tết
Các Website khác - 17/01/2009

Đêm Sài Gòn, những ngày giáp tết, cái lạnh run người. Với chiếc áo len to đùng mà vẫn lẩy bẩy, mới giật mình khi thấy những người dân nhập cư nằm ngủ chập chờn trên vỉa hè sau một ngày lao động cực nhọc, nhiều người không một tấm mền.


Giữa trời lạnh lẽo, những cư dân hè phố này không một tấm mền đắp thân

Kiếm tết

Một giờ đêm, đường Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1, hai chị em Trần Thị Hảo (16 tuổi) và Trần Quốc Dũng (14 tuổi) nằm ngủ trên vỉa hè. Đứa em nằm ngủ co ro, cô chị vừa ngủ ngồi vừa trông em trong tư thế gật gù, nghe tiếng xe máy hoặc xe ô tô vụt qua là cô tỉnh giấc. Hảo kể: cha mất sớm, mẹ bị tâm thần, ở nhà còn một đứa em nhỏ phải gửi bà ngoại trông. Hai chị em cô từ Long An lên thành phố kiếm việc để có tiền về quê tiêu tết. Không quen ai, thuê nhà thì không có tiền, hai chị em làm thuê cho một quán ăn nhỏ. Chị rửa chén, em bưng bê, mỗi ngày hai chị em kiếm được 30 ngàn đồng. Ngủ ở đây vậy mà thỉnh thoảng có người đến thu tiền và nói phải trả tiền vùng.

Ngay ngã tư Điện Biên Phủ – Bà Huyện Thanh Quan, vợ chồng anh Nguyễn Phúc Tín, quê ở Vĩnh Long bày bán một dãy đồ gốm cả ngày lẫn đêm. Hơn một giờ đêm, anh Tín lấy tấm bạt che hàng, giao nhiệm vụ "bảo vệ" lại cho chú chó nhỏ mang từ quê lên, chuẩn bị cho việc ngủ ngay bên cạnh. Vợ anh đã tranh thủ lúc vắng khách, nằm trên một chiếc ghế nhỏ dưới gốc cây gần đó. Anh Tín nói năm nào anh cũng bán gốm ở đây để kiếm tiền tiêu tết. Nhà anh không sản xuất mà anh tự đi lấy hàng ở các kho dưới Vĩnh Long rồi thuê một chuyến xe chở lên. Bán ở đây, mỗi ngày thu được 40 – 50 ngàn đồng. Sống ở vỉa hè, mọi sinh hoạt đều khó khăn và không vệ sinh lắm. Mỗi ngày, anh chị phải thay nhau đi nhà vệ sinh công cộng, một lần tắm giặt mất 2 – 3 ngàn đồng, giặt quần áo sơ sài rồi vắt lên chỗ nào có góc khuất.

Vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10, bà Đinh Thị Mão, quê ở Long Khánh, Đồng Nai, ngủ bên cạnh những bịch củ cải, cà rốt, khoai tây, hành… Bà kể để kiếm tiền tiêu tết, bà đi thu mua rau củ ở các nhà vườn đem xuống trung tâm thành phố bán. Sống ở vỉa hè, cuộc sống của bà rất đơn giản, tắm rửa trong nhà vệ sinh của chợ, buổi trưa ăn cơm hộp cho chắc bụng, tối ăn một cái bánh mì.

... không tết

Khuya, đi dọc đường Hai Bà Trưng đối diện công viên Lê Văn Tám, một người đàn ông nằm ngủ vắt vẻo trên chiếc xe xích lô, cũng không một tấm mền. Đó là ông Trương Minh Hải, 53 tuổi, quê ở Bình Định, người đã có thâm niên ngủ vỉa hè gần 15 năm. Ông Hải cho biết cha mẹ ông mất sớm. Không lập gia đình vì nghèo khổ, ông vào TP.HCM, chọn nghề đạp xích lô để sống qua ngày. “Nghề đạp xích lô bây giờ có mấy người đi đâu, chạy cả ngày lẫn đêm cũng không đủ ăn, bữa đói, bữa no nói gì đến thuê phòng để ở”. Nhiều năm rồi, giáp tết ông đều ước từ giờ đến tết kiếm được vài trăm ngàn để có tiền xe về quê ăn tết nhưng cho tới giờ, điều ấy vẫn quá xa xôi.

Gần chân cầu Bông và cầu Bùi Hữu Nghĩa, thường là chỗ ngủ tập trung của những người dân lao động nhập cư. Vài người đàn ông, phụ nữ nằm la liệt trên những vỉa hè dưới chân cầu. 4h30 phút sáng ngày 14.1.2009, chị Nguyễn Thị Đinh, 47 tuổi, quê ở Quảng Ngãi thức dậy cầm chai nước súc miệng rồi mở bếp ga mini nấu vội gói mì tôm khi người chồng gầy ốm của mình vẫn còn nằm co ro trên chiếc chiếu nhỏ. Chị Đinh tâm sự trong nước mắt: ở quê nghèo khổ lắm, đất làm nông nghiệp ít, không đủ ăn. Ba đứa con thì hai đứa nhỏ đang đi học, hai vợ chồng phải vào đây đi bán hủ tiếu gõ để có đồng ra đồng vào. Mỗi ngày, anh chị kiếm được 50 ngàn, mỗi tháng gửi cho ba đứa nhỏ 800 ngàn nộp tiền học và ăn uống. Năm nay, đứa con gái thứ hai sẽ tốt nghiệp cấp hai, anh chị cố gắng làm lụng chắt chiu từng đồng gửi về, mong con ăn học để đổi đời. Nửa năm vào TP.HCM anh chị toàn ngủ ngoài đường, vì thuê nhà ít nhất phải mất 400 ngàn, tiền đâu đủ để ăn tiêu nữa. Anh chị có ráng lắm cũng chỉ lo được tết cho con chứ mình thì... đường về xa vạn dặm.

Theo SGTT