Ngừng xả nước, sông Hồng trơ đáy kỷ lục
Các Website khác - 21/02/2006

(VietNamNet) - Cục Đường sông Bộ GTVT đã buộc phải cảnh báo tàu thuyền về nguy cơ mắc cạn Mực nước sau khi mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ còn 1m36 (19h ngày 20/2) và 1m42 vào 7h sáng nay.

Soạn: AM 711261 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nước sông Hồng tại Hà Nội cạn làm tàu thuyền mắc kẹt. Ảnh Lê Anh Dũng.

Ông Nguyễn Ái Quốc, Trưởng phòng Tưới tiêu Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, thông thường, thời điểm mực nước sông Hồng tại Hà Nội thấp nhất trong năm thường rơi vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 chứ không sớm như hiện nay. Mực nước này còn thấp hơn so với mức kỷ lục của ngày 5/2 là 1m46.

"Thật đáng lo ngại là nước cạn đồng nghĩa với việc không có dòng chảy sinh thái, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến nước sinh hoạt, mặn lấn sâu hơn vào đất liền... và những hiểm họa về môi trường. Mực nước này còn thấp hơn cả nước ở một số hệ thống thủy nông và kênh mương nội đồng - điều chưa từng có trong nhiều năm qua", ông Quốc nói.

Nguyên nhân khiến mực nước sông Hồng lại xuống thấp là do từ 20/2 đến nay, Tổng công ty Điện lực (EVN) đã chỉ đạo giảm hẳn lượng nước xả từ hồ Hòa Bình chỉ còn 300-400 m3/s, thậm chí ngày 19/2 chỉ đạt xấp xỉ 300 m3/s. Do chưa cân đối được lượng xả giữa giờ khuya và giờ cao điểm nên EVN không chạy bằng tourbin phát điện từ 10h đêm đến 7h sáng hôm sau và 12-13h các ngày.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thì đến nay, 98% ha lúa đông xuân đã được gieo cấy. Song, ông Nguyễn Ái Quốc tỏ ra lo ngại về mực nước trên và tình hình thời tiết hiện nay (không có mưa và nắng sắp lên), nguồn nước tưới dưỡng lúa sẽ lại khan hiếm. Nếu nhu cầu nước để cấy vào khoảng 2.000-2.700 m3/ha thì nhu cầu tưới dưỡng cũng chừng đó, với trên 10 lần tưới dưỡng, mỗi lần 300-500 m3/ha.

Trước tình trạng này, Cục Thủy lợi đã khuyến cáo các địa phương nếu có mưa trên 700mm/trận trên diện rộng mới được tiêu nước trong ruộng; nếu nước tràn khỏi kênh thì phải đắp bờ cao, tránh để nước trong hệ thống kênh mương lại chảy ra sông Hồng.

Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Đình Ninh cũng vừa ký Công điện 02 chỉ đạo Giám đốc các Sở NN-PTNT các tỉnh ĐB Bắc Bộ, Giám đốc Công ty Khai thác công tình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà, Bắc Đuống, Sông Nhuệ huy động mọi phương tiện, nhân lực có các biện pháp bổ sung nước dưỡng cho lúa mới cấy.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi chặt diễn biến nguồn nước, huy động và tận dụng mọi phương tiện để lấy nước trữ tối đa vào các hệ thống kênh, những vùng trũng.... đảm bảo có đù nước tưới dưỡng trong những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3/2006. Đối với những vùng đất thực sự khó khăn về nguồn nước, phải chuẩn bị triển khai ngay các phương án cấp nước khi thiếu nước xảy ra.

Ngoài ra, để đảm bảo tàu thuyền không mắc kẹt trên sông, Cục đường sông Bộ GTVT hôm qua cũng đã có văn bản cảnh báo tàu thuyền về mực nước này và kiến nghị thường xuyên đảm bảo nước tối thiểu cho tàu 500 tấn có thể đi lại được.

Tuy nhiên, cũng theo ông Quốc, tình hình khô hạn năm nay sẽ không đến nỗi nghiêm trọng bằng các mùa khô trước, bởi mực nước hồ Hòa Bình ngày 16/2 (khi đã gần như hoàn thành việc xả nước cấy lúa) còn ở mức 112,1m, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 8m (là 104,82m) và cao hơn mực nước ngày 1/1/2005 (thời điểm chưa xả nước cấy lúa) 1m (111,04m). Ngoài ra, dự báo từ 22-23/2 sẽ có đợt triều cường và mực nước sông Hồng hy vọng lên trở lại.

  • Hà Yên