Nghe nhắc đến “công trạng” giúp đỡ người nghèo tỉnh Bến Tre, ông vội vàng xua tay: “Công cán gì đâu, tôi chỉ là một cây cầu dừa nhỏ để đưa tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm đến với bệnh nhân nghèo”. Vậy mà chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, qua “cây cầu dừa” của ông Năm Lê Huỳnh, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện quốc tế đã giúp người nghèo Bến Tre gần 6 tỉ đồng
Tôi gặp ông Năm Lê Huỳnh vào mùa nước nổi năm 1996, giữa ruột Đồng Tháp Mười nước ngập trắng trời. Lúc đó, tôi đi viết bài về đời sống cư dân mùa lụt, còn ông đương chức phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đang trên đường đi thăm dân nghèo ở vùng kinh tế mới Đồng Tháp Mười. Gặp nhau chỉ chào hỏi qua loa, nhưng hình ảnh ông phó chủ tịch tỉnh xắn quần lội nước xộn xộn đi thăm từng căn nhà rách nát giữa đồng khiến tôi ghi nhớ. Bẵng đi một thời gian, nghe tin ông lên chủ tịch tỉnh rồi nghỉ hưu. Sau đó một anh bạn ở Bến Tre cho biết: nguyên chủ tịch tỉnh Lê Huỳnh bây giờ suốt ngày xách bị “đi xin” khắp làng trên xóm dưới để... giúp người bệnh nghèo. Một ngày cuối tuần, tôi phóng xe về xứ tìm ông.
“Tôi là người đi ăn xin”
Ông Năm tiếp tôi trong ngôi nhà vườn xanh mát ở phường Phú Khương, thị xã Bến Tre. Ngày thứ bảy, ông quan đầu tỉnh ngày nào ung dung vận quần tây, áo thun ngồi nhâm nhi trà quạu bên chiếc bàn đá dưới gốc măng cụt. Ông vẫn cao lớn, phong độ như xưa nhưng tóc đã điểm bạc và gương mặt đã hằn dấu thời gian.
Rời ghế chủ tịch tỉnh năm 2001, có thời gian rảnh rỗi, ông Năm Huỳnh nghĩ ngay đến niềm đam mê chụp ảnh và viết sách, vui thú điền viên. Nhưng rồi, nhớ tới những công việc còn dang dở, những hoàn cảnh thương tâm đang cần những tấm lòng nhân ái cứu giúp, ông lại hì hục viết dự án mở phòng khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo. Chỉ sau ba tháng hoạt động hiệu quả, từ sự gợi ý của nhiều tổ chức, cá nhân, tháng 12-2003 Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo và Người tàn tật (BTBNN & NTT) Bến Tre ra đời với 35 thành viên là cán bộ hưu trí, các tổ chức tôn giáo, các nhà hảo tâm... Cho đến nay, hội đã có hơn 300 hội viên với 5 chi hội ở các huyện Mỏ Cày, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Chợ Lách và 1 chi hội thuộc Bệnh viện Y học Dân tộc tỉnh, 30 bác sĩ tình nguyện. Chưa đầy 2 năm hoạt động, ông Năm Huỳnh và Hội BTBNN & NTT Bến Tre đã làm được một khối lượng công việc đồ sộ, vượt ngoài sự mong đợi của nhiều người: hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh cho 40 trẻ em trong tỉnh với kinh phí gần 2 tỉ đồng, giúp 2.500 người nghèo phẫu thuật mắt, đặt thủy tinh thể nhân tạo chỉ với chi phí 500.000 đồng/ca, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí gần 30.000 lượt bệnh nhân nghèo, cấp 170 xe lăn cho người tàn tật... Tính chung, tổng số tiền mà ông Năm Huỳnh và Hội BTBNN & NTT Bến Tre giúp những hoàn cảnh thương tâm trong gần 2 năm qua lên đến gần 6 tỉ đồng. “Tất cả đều là tiền đi ăn xin”, Năm Huỳnh khẳng định như vậy. “Nghe nói anh là người ăn xin” nổi tiếng nhất Bến Tre?”, tôi hỏi. Ông Năm thản nhiên trả lời: “Chính xác 100%. Đi tới đâu, gặp ai có điều kiện kinh tế là tôi đưa những trường hợp cần cứu giúp mà tôi đã tìm về tận nơi tìm hiểu, chụp ảnh để kêu gọi lòng hảo tâm và... xin tiền giúp đỡ...
Còn sức khỏe, tôi còn đi “ăn xin”
Thật khó mà tin được, ở cái tuổi 65 nhưng nghe tin báo có một hoàn cảnh thương tâm cần được giúp đỡ là ông xăng xái đi đến tận nơi xem xét. Lương hưu 1,7 triệu đồng/tháng, chẳng đủ để ông làm lộ phí đến thẩm tra từng trường hợp. Từ những năm chiến tranh ác liệt đến những ngày sau hòa bình, lăn lộn ở nông thôn, ông Năm Huỳnh nhận ra một điều: bà con nông dân ngày xưa cưu mang, đùm bọc chở che cho mình đến nay vẫn còn nghèo quá, có bệnh cứ ôm mà chịu vì không có tiền chữa trị. Cho nên ông không ngại dùng uy tín, sự quen biết của mình để đi xin khắp nơi mà theo quan niệm của ông là “ăn xin của hiện tại để trả nợ quá khứ”. Cũng có người thắc mắc: “Sao ngày trước còn đương chức phó chủ tịch, chủ tịch tỉnh không lo cho dân nghèo mà bây giờ mới lo?” - ông Năm Huỳnh bình tĩnh lý giải: Hồi trước vẫn lo nhưng lúc đó công việc bộn bề; bây giờ về hưu mới có nhiều thời gian. Ông đưa ra những con số: toàn tỉnh còn hơn 50.000 người tàn tật do chiến tranh, hầu hết đều nghèo khó; gần 10.000 người bị ảnh hưởng chất độc da cam đang sống dở chết dở, rất cần những tấm lòng nhân ái. Rồi kết luận chắc nịch: “Hễ tôi còn sức khỏe, còn minh mẫn là còn tiếp tục đi “ăn xin” để giúp những bệnh nhân nghèo”. Nhưng cũng có những lúc ông phải đối diện với thực tế mà “lực bất tòng tâm”. Ông kể: “Nhiều lần thân nhân của những trẻ em bị tim bẩm sinh điện thoại cầu cứu giúp đỡ nhưng tôi không tìm đâu ra tiền để giúp, bởi lẽ mỗi ca phẫu thuật tim tốn vài ngàn đô la, phải có thời gian đi xin, vận động khắp nơi mới đủ. Hiện ở hội còn hơn 50 trường hợp như vậy nhưng chưa có tiền phẫu thuật mà tôi và hội cũng chưa biết tính sao”. Tiền ít, người cần cứu giúp trong tỉnh quá nhiều nên cho đến nay Hội BTBNN & NTT Bến Tre và ông Năm Huỳnh đành cắn răng từ chối lời khẩn cầu của bệnh nhân ngoài tỉnh.
Người có đông con cháu nhất tỉnh Bến Tre
Lúc tôi hỏi ông có nhớ hết những trường hợp đáng thương đã được giúp đỡ thành công, ông bật cười: “Làm sao nhớ cho xuể”. Nhưng ông không thể quên trường hợp bé Minh Quân ở huyện Mỏ Cày, sau khi được mổ tim khỏe mạnh đã lót tót mang tặng ông một trái bưởi và xin đóng góp 20.000 đồng tiền thưởng đoạt giải Hội thi Kể chuyện sách cấp huyện vào quỹ của hội để góp phần giúp đỡ những trẻ em khác. Hoặc trường hợp một cháu trai ở Thạnh Phước (huyện Bình Đại) được giúp đỡ mổ tim, sau khi lành bệnh đã nằng nặc đòi cha cõng lên gặp ông để tặng... hai con cua biển. Những món quà quê mộc mạc, đơn sơ của các cháu làm ông rất vui; nhưng vui nhất là đứa nào cũng vậy, sau khi lành bệnh là nằng nặc gọi ông là “ông nội, ông ngoại” khiến bạn bè nói đùa: “Ông là người đông con cháu nhất Bến Tre”.
Tôi chỉ là cây cầu dừa nhỏ
Có một điều ít người biết: Ông Năm Lê Huỳnh cũng chính là người gầy dựng nên Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bến Tre. Cho đến nay, trường nuôi dạy thường xuyên 200 trẻ khuyết tật. Giúp đời, giúp người như vậy nhưng mỗi khi có ai gọi ông là “người ăn xin tầm cỡ đất Bến Tre” ông lại lắc đầu xua tay: “Có gì đâu, tôi chỉ là cây cầu dừa nhỏ để nối tấm lòng nhân ái đến với bệnh nhân nghèo”. Và, ước mơ lớn nhất của “cây cầu dừa nhỏ” - ông Năm Lê Huỳnh - là có sức khỏe để tiếp tục làm “người ăn xin...”.
Hùng Anh
▪ Chân dung ông chủ kho báu (03/09/2005)
▪ 11 nghìn căn hộ cho người có thu nhập thấp ở TP Hồ Chí Minh (09/09/2005)
▪ "Việt Nam - con đường thức tỉnh tôi" (09/09/2005)
▪ Nghịch lý... đỗ xe (09/09/2005)
▪ Tăng bốn bậc, Việt Nam được xem là một thành công tiêu biểu (09/09/2005)
▪ Không pháo hoa (09/09/2005)
▪ Chuẩn bị khởi công dự án đường Kim Liên - Ô chợ Dừa (09/09/2005)
▪ Khởi công cầu dây văng Phú Mỹ lớn nhất VN (09/09/2005)
▪ Ông thợ cạo viết văn (09/09/2005)
▪ Sâu bọ gây hại bùng phát ở nhiều tỉnh (09/09/2005)