Các ngành chức năng chậm giải quyết, người dân phải sống trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Sau hơn 3 năm đưa vào sử dụng, từ năm 2002, những sai phạm ở công trình cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn chưa được xử lý tới nơi tới chốn.
Phập phồng những ngôi nhà nghiêng
Các hộ dân đã phát hiện nhà mình bị nghiêng từ đầu năm 2002 khi công trình vừa hoàn thành. Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn đã “nhập cuộc” kiểm định các căn hộ 34C, 18A1, 17A/1, 17A/2 Phú Mỹ, phường 22, quận Bình Thạnh, phát hiện các căn hộ này bị nứt và nghiêng vượt quá quy định. Tháng 10-2002, UBND TP đã có ý kiến chỉ đạo UBND quận Bình Thạnh, Công ty Sản xuất kinh doanh thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Thanh niên Xung phong - chủ đầu tư công trình - tiến hành đền bù, di dời các hộ dân tại đây. Thế nhưng mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ, chỉ duy nhất căn nhà 17A/1 đã được chủ đầu tư hỗ trợ di dời và tháo dỡ vì nghiêng đến 0,5 mét!
Mới nhất, quý I/2005, Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn đã trở lại khu vực này để tái kiểm định. Kết quả, các căn hộ 18A1, 17A/2 Phú Mỹ độ nghiêng lệch cột diễn ra nghiêm trọng hơn so với kết quả năm 2002, vượt quá giới hạn cho phép. Căn hộ 18A1 nghiêng lệch cột từ 100÷125 mm, nhà 17A/2 nghiêng 340÷720 mm về phía cầu Văn Thánh 2 và đường Nguyễn Hữu Cảnh. Một lần nữa, công ty kiến nghị với ngành chức năng di dời gấp 2 hộ dân trên.
Đường lún là tại dân!
Trong khi nhà dân đang tiếp tục nghiêng gây bối rối cho phía TP thì kết luận kiểm tra mới nhất của Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông (GĐ & QLCL CTGT) tiếp tục báo động: Nền đường của toàn tuyến Nguyễn Hữu Cảnh đang tiếp tục lún. Cụ thể, nền đường sau mố cầu Văn Thánh, phía Thị Nghè lún 20-30 cm, phía cầu vượt lún nặng hơn, 30-50 cm. Đầu cầu vượt nút giao tải chân cầu Sài Gòn có nơi lún đến 40 cm. Ngoài lý do chủ yếu thời gian gia tải, chờ lún trên nhiều đoạn đường không bảo đảm đúng quy định vì “chạy lễ”, Cục GĐ & QLCL CTGT còn cho rằng “công tác san nền, xây dựng nhà cửa hai bên sau khi tuyến đường hình thành” đã làm giảm hiệu quả của phương pháp xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm gây lún cho công trình.
Một người dân tại khu vực đã bức xúc trước lý do của đoàn kiểm tra đưa ra: “Chẳng lẽ tư vấn thiết kế không lường trước chuyện sẽ có nhà dân mọc lên hai bên đường để tính toán xử lý cho công trình của mình?”. Tiếp sau đó, Cục GĐ& QLCL CTGT lại bổ sung thêm lý do giải thích những tồn tại của đường Nguyễn Hữu Cảnh là “hạn chế về kinh nghiệm và nhận thức đối với phương pháp xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm”. Để xử lý với sự yếu kém này, Cục GĐ & QLCL CTGT chỉ yêu cầu “rút kinh nghiệm sâu sắc” khi áp dụng phương pháp này tại khu vực phía Nam. Trong khi đó những nguyên nhân khác như nhà dân gây lún lại được đưa vào nguyên nhân khách quan, không do đơn vị thi công hay thiết kế gây ra để TP bỏ tiền ngân sách ra sửa chữa.
Bao giờ dân mới được an cư?
Ngay từ đầu, phía UBND quận Bình Thạnh lại khẳng định, nhà dân bị lún nứt chắc chắn có bị ảnh hưởng bởi việc thi công cầu Văn Thánh 2 thuộc công trình cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh. Theo Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, để trả lời câu hỏi tại ai? Thì cần phải có sự khảo sát và kết luận của cơ quan chuyên môn. Đã hơn 3 năm, mọi vấn đề vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Dân cứ phải đi trên con đường không đạt chất lượng, cứ phải sống trong căn nhà nghiêng mặc cho nguy hiểm. Nhiều hộ được hỗ trợ tạm cư nhưng thấy lâu quá vẫn chưa được giải quyết nên quay trở về để giữ nhà.
UBND quận Bình Thạnh đã yêu cầu 2 hộ 18A1, 17A/2 Phú Mỹ thực hiện ngay các biện pháp di dời. Nhưng quận chỉ nói chung chung: “Toàn bộ thiệt hại và chi phí cho việc khắc phục sự cố do tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình chịu trách nhiệm bồi thường”. Ai sẽ bồi thường, trong khi nguyên nhân vẫn chưa được chính thức kết luận. Nhưng có một điều chắc chắn là người dân vẫn phải sống trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” bởi sự giải quyết chậm trễ của ngành chức năng.
Lập Tổ kiểm tra chuyên ngành UBND TP vừa chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra chuyên ngành do lãnh đạo Sở Xây dựng làm tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ kiểm tra, làm rõ hồ sơ pháp lý đất đai, giấy phép xây dựng, xem việc xây dựng có đúng giấy phép không; đồng thời đánh giá tình trạng và nguyên nhân gây hư hỏng lún, nứt nhà dân. Sau đó, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể và báo cáo kết quả cho UBND TP. T.T.Hòa |
Bài và ảnh: Đoàn Phú
▪ Những Ngày văn hóa Việt Nam tại Hunggari (21/08/2005)
▪ Tàu Cần Giờ đã nhổ neo về nước (22/08/2005)
▪ Toàn văn Sách trắng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam (21/08/2005)
▪ Thương nhớ vô cùng đồng chí Phạm Văn Xô (20/08/2005)
▪ Hai ông già và những đứa trẻ tật nguyền (20/08/2005)
▪ Ngoại giao Việt Nam nắm bắt đúng thời cơ, hóa giải nhanh thách thức (20/08/2005)
▪ Bác Hồ với miền nam (20/08/2005)
▪ Tạo điều kiện cho những người hồi hương ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng (20/08/2005)
▪ Bản người Mông trên đất Tây Nguyên (21/08/2005)
▪ Chuyển hướng sang Việt Nam (20/08/2005)