Quan hệ giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước tiến vững chắc được đánh dấu bằng chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Washington vừa qua. Sáng 30-6, tại văn phòng Bộ phận Tái định cư nhân đạo, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ đã diễn ra cuộc hội thảo Việt - Mỹ về tiến trình tái định cư. Đại diện Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (XNC) - Bộ Công an đồng chủ trì.
TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÔNG DÂN THỰC HIỆN QUYỀN TỰ DO, DÂN CHỦ Phát biểu tại hội thảo, đại tá Lê Xuân Viên - Phó cục trưởng Cục Quản lý XNC - khẳng định: Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và tạo mọi điều kiện để công dân thực hiện quyền tự do, dân chủ, trong đó có quyền xuất cảnh, nhập cảnh. Quyền XNC của công dân được quy định tại Điều 68 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”. Quyền XNC của công dân được Chính phủ cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy, ban hành trong từng thời kỳ khác nhau. Năm 1979, mặc dù phải tập trung nhân lực giải quyết những hậu quả của chiến tranh nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn luôn tôn trọng quyền xuất cảnh của công dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam được định cư ở nước ngoài. Ngày 19-3-1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 121/CP cho phép công dân Việt Nam ra nước ngoài đoàn tụ gia đình và làm ăn sinh sống. Tinh thần chính của quyết định này là tất cả những công dân ở trong nước có nguyện vọng ra nước ngoài đoàn tụ gia đình hoặc làm ăn sinh sống, nếu được phía nước ngoài chấp nhận cho định cư, thì được Nhà nước Việt Nam giải quyết cho xuất cảnh một cách có trật tự. Đây chính là cơ sở pháp lý để Chính phủ Việt Nam hợp tác với HCR giải quyết cho hàng trăm ngàn người xuất cảnh theo chương trình ra đi có trật tự. Năm 1988, khi thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, Chính phủ Việt Nam tiếp tục ban hành Quyết định 48/CP cho phép công dân Việt Nam ra nước ngoài giải quyết việc riêng, trong đó mở rộng diện đoàn tụ gia đình và đặc biệt quy định công dân Việt Nam, mặc dù không có thân nhân ở nước ngoài cũng được xem xét giải quyết cho ra nước ngoài định cư nếu được phía nước ngoài cho nhập cảnh. Điều này đã tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn sĩ quan, quân nhân và các viên chức chế độ cũ cùng thân nhân của họ xuất cảnh ra nước ngoài, trong đó có Mỹ, là cơ sở pháp lý cho sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là Mỹ trong quá trình giải quyết cho công dân Việt Nam xuất cảnh theo các diện HO, AC, ROVR, U1.1...
VÌ MỤC ĐÍCH NHÂN ĐẠO Với quan điểm giải quyết cho công dân xuất cảnh định cư là vì mục đích nhân đạo, tạo điều kiện cho họ đoàn tụ gia đình, làm ăn sinh sống, không gắn vấn đề xuất cảnh định cư với vấn đề chính trị, Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nước để đáp ứng nguyện vọng ra nước ngoài định cư của một bộ phận dân cư.
Năm 1989, khi số lượng người Việt Nam vượt biên ở trong các trại tạm cư các nước Đông Nam Á ngày càng đông, trước đề nghị của các nước và với chính sách nhân đạo, Chính phủ Việt Nam một lần nữa lại hợp tác với HCR để giải quyết vấn đề này. Việt Nam đã ký với UNHCR thỏa thuận về “Chương trình hành động toàn diện về vấn đề người tỵ nạn Đông Dương” (CPA) bao gồm việc tiếp nhận trở lại những người Việt Nam vượt biên đến các trại tạm cư các nước trong khu vực Đông Nam Á, không được nước thứ ba cho cư trú và đẩy mạnh chương trình xuất cảnh định cư cho người Việt Nam ở trong nước. Thỏa thuận này một lần nữa chứng tỏ Việt Nam mong muốn sẵn sàng hợp tác với Liên hợp quốc và các nước giải quyết vấn đề di dân sau chiến tranh trên tinh thần nhân đạo, tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào nội bộ của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Việt Nam, trong 11 năm, từ 1989 đến 1999, Việt Nam đã phối hợp với HCR và các nước tiếp nhận 112.110 người Việt Nam hồi hương từ các trại tạm cư ở các nước. Thực tế đã cho thấy những người này sau khi hồi hương đều không bị phân biệt đối xử, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội vượt biên, phần lớn họ đã hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, có công ăn việc làm ổn định; nhiều người đã vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước, trong các tổ chức kinh tế. Một bộ phận sau khi trở về, có nguyện vọng đi định cư ở nước ngoài đã được Nhà nước giải quyết cho đi đoàn tụ hoặc theo đề nghị của các nước. Từ năm 1986 đến nay, phía Việt Nam đã và đang hợp tác với các nước như Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Nhật, Anh, Đức, Bỉ... để giải quyết cho công dân Việt Nam xuất cảnh định cư theo đề nghị của các nước này. Từ năm 1986 đến 2007, Việt Nam đã cấp phép cho 1.217.543 người xuất cảnh định cư, trong đó có 884.915 người đã xuất cảnh. Riêng đối với Mỹ, từ năm 1989 đến 2007 đã có 518.016 người xuất cảnh định cư đến nước này theo các chương trình như HO, AC, U1.1, V1.1, ROVR và gần đây là chương trình xuất cảnh diện HR. Chính sách của Nhà nước Việt Nam không có sự phân biệt đối xử giữa các dân tộc, tôn giáo, thành phần, giai cấp trong việc giải quyết cho công dân xuất cảnh, nhập cảnh. | ||||||
Nhóm P.V |
▪ Tháng 7-2008: Lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (01/07/2008)
▪ Nghèo tiền bạc nhưng giàu hạnh phúc (30/06/2008)
▪ Cán bộ thủ đô phải về tận “điểm nóng”! (28/06/2008)
▪ Quảng Ngãi: diễu hành cổ động Ngày quốc tế phòng chống ma túy (27/06/2008)
▪ Thủ tướng chỉ đạo kiềm chế lạm phát 6 tháng cuối năm (26/06/2008)
▪ Cải cách hành chính để phòng, chống tham nhũng (26/06/2008)
▪ Chính giới Mỹ lạc quan về nền kinh tế VN (25/06/2008)
▪ Điều tra về nguồn chi phí cho các hoạt động dân số và HIV/AIDS (24/06/2008)
▪ Mai Hạ - "điểm đen" AIDS! (24/06/2008)
▪ Nhà cho người thu nhập thấp: Sẽ được thuê mua? (23/06/2008)