Khu bảo tồn có diện tích 1.041 ha, bảo tồn nhiều nguồn gen quý, hiếm, tuyệt chủng và hàng chục loài cây dược liệu dùng sản xuất thuốc, có 21 loài thực vật bậc cao, gần như đầy đủ hệ động vật đặc trưng của Ðồng Tháp Mười xưa kia như cò, diệc, giang sen, cồng cộc, sếu... nơi thiên nhiên ban tặng loài người nguồn thuốc quý giá và là khu rừng tràm tự nhiên sót lại của châu Á. Hiện nay, vùng đất này đang được đề nghị công nhận là khu rừng sinh thái hữu cơ (ít tác động của con người, hơn 20 năm không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...).
Trước đây, khu bảo tồn là vùng đất hoang, không có người sinh sống. Nguồn tài nguyên được biết tới chỉ có dầu tràm. Ðây là giống tràm gió đặc trưng của đất ngập nước, khác với giống tràm ở rừng U Minh.
Sau nhiều năm khai thác, trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên này, để bảo tồn hệ thực vật quý, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Ðồng Tháp Mười (Bộ Y tế) đã được ra đời. Ðây là mô hình Trung tâm bảo tồn không sử dụng nguồn ngân sách quốc gia, hoạt động theo luật doanh nghiệp. Chính vì vậy, trung tâm luôn chủ động gắn kết khoa học với sản xuất. Doanh thu hằng năm 4 - 5 tỷ đồng được tái đầu tư vào nghiên cứu, nhà xưởng, nguồn nhân lực.
Giám đốc trung tâm, Dược sĩ Nguyễn Văn Bé cho biết: Bên cạnh bảo tồn toàn vẹn, trung tâm còn nghiên cứu, phát triển các nguồn gen quý. Ðến nay khu bảo tồn đã đủ khả năng khai thác trở lại và đang cung cấp nguyên liệu, sản xuất thuốc theo đơn đặt hàng. Từ nguồn cây thuốc tại khu rừng này, có hơn 20 sản phẩm thuốc có mặt trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện trung tâm có 120 công nhân là con em gia đình nghèo làm kinh tế mới trong vùng (có bệnh dùng thuốc của trung tâm).
Nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ thực hiện tại khu bảo tồn. Ngoài ra, trung tâm "mở cửa" đón khách du lịch với khoảng 1.000 khách mỗi năm. Ðây cũng là một địa chỉ để các học sinh, sinh viên tham quan, nghiên cứu.
|