Phá dỡ 7 nhà gỗ đặc biệt nguy hiểm để xây mới
Các Website khác - 22/03/2006
Khu 17 nhà gỗ nguy hiểm ngoài đê sông Hồng:
Phá dỡ 7 nhà gỗ đặc biệt nguy hiểm để xây mới

Xuân Thu
Ngày 21.3, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Quý Đôn khẳng định, việc xử lý 7 nhà gỗ đặc biệt nguy hiểm ngoài đê sông Hồng tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm là không thể chậm trễ thêm được nữa.


Những căn nhà gỗ này đã được
xây dựng trên 50 năm.
Bố trí nhà tạm cư trước tháng 6.2006
Về phương án tái định cư, ông Lê Quý Đôn cho biết, để đảm bảo an toàn, toàn bộ các hộ dân sẽ được tạm cư tại nơi ở mới để dự án có thể được triển khai. Sau đó, người dân hoàn toàn có quyền chọn lựa 1 trong 3 phương án: Tái định cư tại nơi ở mới; quay trở lại nơi ở cũ (sau khi đã xây mới) hoặc thành phố đền bù bằng tiền để các hộ dân tự lo chỗ ở.

Theo Phó Chủ tịch Lê Quý Đôn, trước mắt, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cải tạo 7 nhà gỗ đặc biệt nguy hiểm, hơn 200 hộ dân sẽ được bố trí nhà tạm cư trước mùa mưa lũ (tháng 6.2006). "Dù phương án nào được chọn đi chăng nữa, người dân cũng phải được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm sớm chừng nào tốt chừng ấy" - Phó Chủ tịch nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất, trong giai đoạn đầu, quỹ nhà tạm cư cho dự án này có thể lấy tại các khu B3, B4, B5 Cầu Diễn, Xuân La và Xuân Đỉnh. Tổng số căn hộ tại các khu này khoảng 200 căn với diện tích từ 45 đến 60m2, phù hợp cho 204 hộ dân tại 7 nhà gỗ nguy hiểm tạm cư.

Phá dỡ 7 nhà gỗ nguy hiểm để xây mới
Ngày 17.3, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng theo quy hoạch khu 17 nhà gỗ tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Theo đó, Hà Nội xin Thủ tướng Chính phủ cho phép lập và phê duyệt quy hoạch 1/500 khu vực 17 nhà gỗ nguy hiểm nói trên.

Trên cơ sở đó, Hà Nội sẽ lập dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng mà trước mắt là 7 ngôi nhà đặc biệt nguy hiểm theo hướng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội văn minh, hiện đại, giải quyết tái định cư tại chỗ cho các hộ gia đình, bổ sung quỹ nhà cho thành phố để bù đắp một phần chi phí đầu tư (quỹ nhà dôi ra sử dụng để làm quỹ nhà tái định cư khi thực hiện các dự án ngoài bãi sông).

Khi lập quy hoạch và triển khai dự án xây dựng, UBND thành phố sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện, bảo đảm các nguyên tắc: Mật độ xây dựng thấp hơn mật độ xây dựng hiện trạng, dành diện tích tối đa cho công trình hạ tầng xã hội, cây xanh công cộng; công trình xây dựng theo hướng thuận dòng chảy; toàn bộ diện tích tầng 1 sử dụng phục vụ công cộng, không bố trí nhà ở; bảo đảm quy định về quản lý đê điều, bãi sông và thoát lũ.

Theo đánh giá của UBND TP.Hà Nội, phương án này thực chất là cải tạo một khu dân cư cũ ngoài bãi sông, không mở rộng mặt bằng, mật độ xây dựng, sẽ tốt hơn cho việc thoát lũ so với hiện tại. Đây là phương án toàn diện với khu vực 17 căn nhà gỗ, bảo đảm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, mang lại hiệu quả kinh tế.

Cũng theo văn bản này, trường hợp do quy định của Pháp lệnh Đê điều không thể triển khai được theo phương án trên, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng lại 7 ngôi nhà gỗ 2 tầng đặc biệt nguy hiểm (đã có quyết định phá dỡ) theo hướng xây dựng nhà 3 tầng đúng theo vị trí cũ, tầng 1 bố trí làm nơi công cộng, tầng 2 và 3 để tái định cư cho các hộ dân.

Ngày 17.1.2006, UBND thành phố đã có Quyết định 300/QĐ-UB thu hồi 7.915m2 đất của 7 ngôi nhà gỗ, giao cho Ban quản lý dự án thuộc nguồn vốn ngân sách (thuộc Sở TN-MT & NĐ) thực hiện việc di chuyển, đầu tư xây dựng công trình nhà ở để tái định cư cho các hộ dân, bổ sung quỹ nhà ở trên khu đất của 7 ngôi nhà gỗ nói trên.