Những bất cập trong chương trình kiên cố hóa trường học ở Quảng Ngãi
Các Website khác - 21/03/2006
Hiệu trưởng một số trường tiểu học, THCS cho biết: Công trình xây dựng chất lượng kém, tiến độ thi công chậm là do khâu xét chọn nhà thầu. Có nhà thầu gần như phá sản, nhưng chủ đầu tư vẫn giao công trình cho họ thi công.
Ðề án kiên cố hóa trường, lớp học ở Quảng Ngãi giai đoạn 2003-2006 được chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2003. Mục tiêu dự án là xây dựng các điểm trường từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông nhằm giải quyết tình trạng học ba ca và xóa các điểm học tạm thời, phòng học tranh tre, nứa lá trên địa bàn vào cuối năm 2006.

Dự án được đầu tư xây dựng mới 1.891 phòng học, với tổng kinh phí khoảng 188.970 triệu đồng. Trong giai đoạn một (2003-2004), được đầu tư xây dựng 861 phòng học, tổng kinh phí hơn 86 tỷ đồng (trong đó vốn T.Ư hỗ trợ 77 tỷ đồng, ngân sách địa phương năm tỷ đồng và nhân dân đóng góp gần 4,5 tỷ đồng). Giai đoạn II (2005-2006), xây dựng mới 1.030 phòng học, tổng mức đầu tư khoảng 103 tỷ đồng (đối với các xã miền núi, hải đảo và một số xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng được Nhà nước đầu tư 100% số vốn để xây dựng mới các điểm trường thay thế phòng học tạm)...

Qua gần ba năm triển khai thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng 773 phòng học (đưa vào sử dụng 705 phòng), 68 phòng đang thi công và 88 phòng chưa có mặt bằng, địa điểm xây dựng.

Có thể nói, chương trình kiên cố hóa trường học ở Quảng Ngãi có nhiều điểm bất cập, như việc bố trí vốn chưa hợp lý, phải điều chỉnh nhiều lần cả về danh mục và tổng mức đầu tư; công tác thăm dò địa chất chưa hợp lý; khả năng huy động vốn của từng cấp học, từng địa phương còn hạn chế. Nhiều nhà thầu xây dựng thực hiện không đúng hợp đồng ký kết, làm cho tiến độ thi công chậm, một số điểm trường chất lượng kém phải dừng thi công. Các điểm Trường THCS Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa), Trường tiểu học Mõ Cày, Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Ðức), Trường THPT số 1 Nghĩa Hành là những công trình thiếu vốn, tiến độ thi công chậm, làm ảnh hưởng hoạt động của nhà trường. Có công trình xây dựng gần bờ suối đang xói lở, trong khi thi công phải dịch chuyển vị trí cách năm mét so với khảo sát đã được phê duyệt.

Chúng tôi về một số điểm trường vừa xây dựng xong ở các xã Trà Xuân (huyện Trà Bồng); Thanh An, Long Mai (huyện Minh Long); Nghĩa Lâm, Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) đều thấy nhiều điểm trường chọn vị trí xây dựng chưa hợp lý. Có công trình mới đưa vào sử dụng đã bắt đầu xuống cấp. Hiệu trưởng một số trường tiểu học, THCS cho biết: Công trình xây dựng chất lượng kém, tiến độ thi công chậm là do khâu xét chọn nhà thầu. Có nhà thầu gần như phá sản, nhưng chủ đầu tư vẫn giao công trình cho họ thi công. Ðơn cử là Công ty cổ phần xây dựng 72 (đã bị ngân hàng phong tỏa tài sản), nhưng vẫn trúng thầu nhiều công trình. Hậu quả là đến nay nhiều điểm trường do công ty này đảm nhiệm vẫn đang thi công dở dang, trong khi đó học sinh thiếu phòng học.

Rõ ràng là, quá trình triển khai chương trình kiên cố hóa trường học ở Quảng Ngãi đã bộc lộ những yếu kém. Có chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai, bỏ qua các bước đấu thầu và thực hiện quản lý chất lượng công trình lỏng lẻo. Qua kiểm tra 37/56 điểm trường xây dựng đều có sai phạm về kích cỡ, chất lượng vật tư, vật liệu xây dựng không đúng theo thiết kế được duyệt. Nhiều điểm trường thuộc các huyện miền núi sau khi kiểm tra đều phát hiện sử dụng gạch không đúng quy cách, vật tư, vật liệu xây dựng không đạt yêu cầu. Có những phòng học sau khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã phát hiện nứt, bong tường, nền lát gạch kém chất lượng phải phá bỏ thay gạch mới.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi chung quanh vấn đề này, ông Lê Văn Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Quảng Ngãi, cho biết: Sở dĩ có tình trạng nêu trên là sau khi thực hiện phân cấp quản lý, nhiều huyện đã làm chủ đầu tư, huy động nguồn vốn và tự chọn nhà thầu thi công công trình. Do đó, việc chọn địa điểm, tăng mức đầu tư cho công trình và thuê tư vấn, giám sát thi công, quản lý chất lượng công trình là quyền quyết định của chủ tịch UBND huyện. Ðối với những công trình giáo dục, dường như các chủ đầu tư chỉ định thầu là chính. Có nhà thầu năng lực tài chính yếu vẫn nhận công trình thông qua hình thức "bán kèm" công trình mục tiêu để đấu thầu thi công. Ðứng về góc độ của ngành, chúng tôi có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và giám sát các vấn đề liên quan đến chuyên môn giáo dục. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, đầu tư ngành cũng không tránh khỏi những sai sót trong quá trình chỉ đạo xây dựng các công trình thuộc chương trình kiên cố hóa trường học...

Hiện nay, UBND tỉnh đã có quyết định đầu tư vốn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các điểm trường ở các xã miền núi, bảo đảm xây dựng, hoàn thành 88 phòng học còn lại đúng tiến độ. Phấn đấu đến tháng 6-2006 hoàn thành đưa vào sử dụng 861 phòng học (giai đoạn 1), góp phần xóa tình trạng học ba ca và phòng học tranh tre, nứa lá trên địa bàn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

MINH TRÍ