![]() |
Sau cái chết của những phu vàng là nỗi đau và khó nhọc của vợ con họ |
Nhiều phận người khi trở về quê chỉ là những cái xác bất toàn thây. Những đứa trẻ thì bị quỵt tiền, bóc lột sức lao động và đối xử như nô lệ. Nhiều đứa trốn khỏi đám mặt người dạ thú được rồi, trở về quê được rồi thì đối mặt với cạm bẫy ma túy trên chính quê hương mình, bản làng mình. Tương lai của những phận người ấy cứ tăm tối hệt như những hầm vàng mà chúng vừa mới liều cả mạng sống của mình để thoát ra...
Ba anh em ruột cùng chết sau một tiếng nổ
Xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Bản Xao Va nghèo hiu hắt. Ông Cụt Phò Quyên ngoài 70 tuổi, bố của 3 nạn nhân đã chết trong cùng một hầm vàng cứ đứng ở đầu nhà sàn vuốt nước mắt. Vợ chồng ông Quyên có 8 người con, 5 trai thì 1 anh nghiện ma túy lấy vợ ở xã bên, không chịu làm việc, 4 anh bị dụ dỗ đi vào hầm vàng làm thuê với “lời hứa” vừa có ma túy hút lại vừa có tiền về tiêu. Xã Bảo Thắng hầu hết bà con là người dân tộc Khơ Mú. Trừ những đứa trẻ 12-13 tuổi bị dụ đi kiếm cơm thì hầu hết thanh niên - đã đi làm vàng là nghiện ma túy.
Ông Quyên vừa thấy khách đã khóc, nói như lẩn thẩn: “Chúng nó bảo đi hầm vàng mang tiền về cho bố mẹ, mua sữa cho con. Ai ngờ chúng nó chết luôn, để lại 10 đứa con thế này, lấy gì mà nuôi!”.
Trước những lời đường mật của các nhóm “săn người” cho những bãi vàng thổ phỉ, 4 đứa con ông Quyên lên đường vào Quảng Nam. Cụt Văn Sơn, Cụt Văn Dung, Cụt Văn Hiệu, Cụt Văn Nam tham gia đào vàng thổ phỉ ở thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Cả cái bãi vàng tự phát đó chỉ có 7 người làm vàng, trong đó 6 người quê ở Kỳ Sơn, Nghệ An, hầu hết là người Khơ Mú. Ngày 12/4/2016, họ được các ông chủ cho ăn cơm cá mắm từ mờ sớm rồi lùa vào hầm vàng đặt mìn, kích nổ, chống cọc, vác đất đá ra đãi tìm. Đến 17h cùng ngày, họ tiếp tục nổ mìn, 7 phu vàng lại rúc ráy vào trong lòng núi. Vì mìn nổ quá lớn, ôxy trong lòng núi bị tiêu hết, lại thêm đất đá đổ sập nên 5 người đã bị ngạt rồi nằm luôn bên trong. 2 người xông vào cứu: 1 người suýt tử vong vì ngạt khí, 1 người chạy về khu vực thôn Dung cầu cứu. Vì đường sá xa xôi, hiểm trở nên lực lượng chức năng rất lâu sau mới có thể vào được đến góc rừng thổ phỉ ấy. 4 người chết thì có 3 anh em ruột là Sơn, Hiệu, Nam; 1 người may mắn chỉ bị trọng thương là Cụt Văn Dung. 2 người may mắn thoát chết là Và Bà Nhia và Cụt Văn Hoành. Tất cả họ đều là lao động chính của các gia đình cực nghèo, đông con, cùng là người thiểu số ở miền Tây xứ Nghệ.
Ba anh em trai ruột cùng chết sau một tiếng nổ, cùng một thời khắc ở cùng một hầm vàng giữa hoang vu. Ba cái xác được đưa về quê, đường đất trơn trượt, xe máy không đi được, ôtô thì càng chịu. Thế là từ đầu Ủy ban xã, 3 thi thể chết đã khá lâu rồi phải bó chiếu, đặt lên xe máy, dăm bảy người túm vào đẩy vượt núi, chỗ nào đường chênh vênh quá thì buộc gậy tre đực vào khiêng. Cụt Văn Hồng - em trai của 3 nạn nhân nghiện ma túy đứng tần ngần, mắt vằn lên trong cơn đói heroin. Cụt Thị Nguyệt - em gái của nạn nhân thì chờ mộ 3 người anh lún phún cỏ là cất bước tự bán mình sang Trung Quốc. Ngót chục đứa con của 3 phu vàng xấu số cứ trần truồng vầy nước ngoài suối, mũi dãi xanh lè.
Tận cùng nỗi đau là khi chúng tôi cuốc bộ vượt núi vào bản thì dọc đường thấy con gái của nạn nhân sập bãi vàng kia đang tìm đường ra thị trấn. Cháu son phấn, áo mới, xăm xăm băng lối “đi tìm tương lai”. Nàng sơn nữ 16 tuổi ấy đã nghe lời nhà báo, nghe lời luật sư đang vào kêu cầu đòi công bằng cho cái chết của bố và 2 ông chú ruột của cháu. Cháu gọi điện cho “Mã Giám Sinh” rằng hoãn chuyến đi xa. Về lại bản, cháu đem ảnh bố ra cho chúng tôi xem. Nhưng cả chúng tôi, cả ông nội cháu và các công an viên của xã Bảo Thắng có mặt, ai cũng thở dài: Chắc chắn ngày mai cháu lại ra đi. Bản này, xã này nhiều vụ như thế lắm, ai bịa ra được cái cơ sự thất nhân tâm ấy làm gì...
Trốn khỏi địa ngục, về lại bản thì chắc chắn nghiện
Nhà Hùng Văn Cầu ở bản Tạt Thoong, xã Chiêu Lưu, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Năm ngoái (2015), Cầu 14 tuổi, “được” rủ đi làm bãi vàng, mức lương hứa hẹn là 6 triệu đồng mỗi tháng. Theo lời khai của Cầu với cơ quan công an và chính quyền địa phương, người lừa Cầu cùng 6 cậu bé miền Tây xứ Nghệ khác tên là Mạo, cũng người Khơ Mú ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Bãi vàng mà Mạo bán Cầu vào làm việc ở rất xa trong rừng xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, đám trẻ được ông chủ cho vay 500 nghìn đồng mỗi đứa, gọi là ứng tiền lương.
Thế rồi suốt gần 1 năm ròng Cầu và đám trẻ lao động cật lực mà các chủ lán không trả thêm một đồng nào nữa. Bọn trẻ còn bị chủ cho ăn uống kham khổ, chỉ có cá khô với cơm hẩm, thỉnh thoảng mới có ít rau xanh và tuyệt đối không có thịt.
“Cháu cầm đuôi con cá, nướng chín cái đầu nó trên than. Vừa ăn cơm nguội vừa cắn chỗ cá nướng chín, lúc ăn hết phần đầu cá, lại cầm thân cá, nướng cái đuôi cho chín rồi cắn tiếp...”, Cầu kể. Hàng ngày, 5h sáng các cậu bé phải dậy, ăn cơm nguội, sau đó, mỗi đứa trẻ cầm một thỏi chứa kíp mìn to bằng cổ tay, dài như bắp ngô leo núi khoảng 1 tiếng từ lán vào rừng “bòn vàng”. 12h về, tự nấu cơm, ăn xong lại vào hang tiếp. Cuộc đời chuột chũi và bị đối xử tàn độc như nô lệ đó đã khiến 5 cậu bé người xã đồng rừng Bảo Thắng (huyện Kỳ Sơn) bỏ trốn.
Cầu cũng muốn trốn, nhưng mấy đứa trẻ trốn thoát kia đã khiến các chủ bãi vàng đề phòng sao sát, chúng còn nọc hai đứa còn lại ra đánh để dập tắt ý định chạy trốn của bọn trẻ. Cụt Văn Toại 17 tuổi, ở rể trong bản Chiêu Lưu với Cầu cũng rất khôn, Toại trốn một lần nhưng bị bắt lại và đánh đến thân tàn ma dại. Toại căm thù ông chủ, Cầu cũng thế. Hai đứa đồng hương kết nghĩa anh em rồi vờ chịu thương chịu khó để chờ thời.
Ngày 6/7/2016, rình được lúc các ông chủ lán vừa say rượu vừa say ma túy, hai đứa quyết định trốn. Cầu và Toại đi theo đường dây điện bắc ngoài đường ôtô rất xa vào lán, chúng chạy suốt 2 ngày đêm, trừ vài chục phút thiếp đi giữa rừng già. Đến khi gặp đường lớn, thấy một người đi buôn gỗ keo xuất hiện, thì cả hai sụp lạy và khóc xin cứu mạng. Hai đứa không biết rằng, chúng đã chạy đến tận xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Anh Hồ Văn Hồng, 41 tuổi, cũng là dân Quảng Nam (người thôn Ngọc Lâm, xã Bình Lâm) lên đồng rừng kiếm ăn, thấy hai thằng bé tóc tai rũ rượi, tóc dài ngang vai và rối bù như tổ quạ, Toại thì rách tơi tả, Cầu thì còn mỗi cái quần cộc te tua. Bàn chân cháu đầy máu khô, máu tươi.
Ông Lê Tấn Quán, Chủ tịch UBND xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam xác nhận: Cụt Văn Toại và Hùng Văn Cầu chạy thoát ra đến xã đều trong tình trạng hoảng loạn, đói khát và kiệt sức rất đáng thương.
Anh Hồng trò chuyện với chúng tôi, chua xót tiết lộ, anh cũng từng suýt chết khi đi làm phu vàng thế này, nên anh rất hiểu. Anh phải giấu hai đứa trẻ trong lán của mình 2 ngày, đề phòng tay chân của chủ lán đi truy lùng bắt “nô lệ” trở về. Anh gọi thêm bà con trong xã đến làm nhân chứng, rồi bà con mỗi người góp ít tiền, ít quà làm phúc. Sau đó anh đưa hai đứa ra công an địa phương trình báo. Công an đưa bọn trẻ vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Nam. Cơ quan chức năng vận động được hơn 2 triệu đồng làm quà, đưa các cháu về Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An, đóng ở huyện Đô Lương. Người của Trung tâm liên lạc với gia đình đề nghị xuống đón người thân bị bán buôn và trốn thoát trở về. Nhưng câu trả lời từ gia đình Hùng Văn Cầu là: không có tiền, và không biết cách đi đón. Thế là chúng tôi (nhà báo) cùng các luật sư, cán bộ của Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh vào Nghệ An, đưa Cầu từ Trung tâm Bảo trợ tỉnh vượt núi về nhà.
Bản Tạt Thoong đón chúng tôi bằng những nỗi buồn tê tái. Nhà Cầu tuềnh toàng như cái lều vịt, đó vừa là nhà, vừa là bếp. Trong nhà hầu như không có đồ đạc gì ngoài cái giường gỗ gãy hết thang, mặt giường hổng hoác, không chiếu, không chăn. Bà Mong Thị Lợi - mẹ Cầu mới 57 tuổi mà đã nhớ nhớ quên quên... Mà chẳng riêng gì nhà Cầu, các nóc nhà khác trong bản Tạt Thoong cũng nghèo xơ nghèo xác. Bọn trẻ như Cầu được bố mẹ sinh ra và phó mặc cho trời, cũng chẳng khác gì cái cây, ngọn cỏ.
Bố Cầu tên là Hùng Văn Chuồn, nghiện ma túy, say rượu triền miên, ông Chuồn chết đã 6 năm. Mấy người anh trai của Cầu, hầu hết đều nghiện ma túy hoặc bỏ nhà đi phát vãng trong các bãi vàng thổ phỉ, tuyệt đối không liên lạc gì về nhà. Cầu chỉ biết các anh trai đều dùng ma túy và cũng đi đào vàng trong hang núi ở tỉnh Quảng Nam như Cầu, nhưng không có số điện thoại và cả ba bốn anh em ruột thịt đó cũng chưa bao giờ có ý định tìm gặp nhau. Chị gái Cầu là Hùng Thị Tư, SN 1994 cũng biệt tăm ở bên kia biên giới. “Suốt 5 năm nay không một ai có tung tích về số phận, về sự sống chết của chị ấy”, Cầu kể. Cả nhà Cầu, cả bản, cả xã đều biết rõ những điều đó. Họ cứ đều đều, cứ thản nhiên kể về những phận người lưu lạc trong cái gia đình tan hoang, tan tác ấy.
Lời của Trưởng công an xã - ông Lê Thanh Bình cứ đeo bám mãi cùng những bước đường về xuôi: “Bố hắn chết rồi. Nhà báo nên xin cho hắn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội sống, chứ về bản lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc. Không khéo lại nghiện ma túy như bố và các anh hắn thôi...”.
Ông Lê Thanh Bình, Trưởng Công an xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, nhà Hùng Văn Cầu có ba anh em cùng đi làm vàng. Cả khi đi khỏi địa phương và khi trở về họ đều không báo cáo với chính quyền địa phương. Đối tượng Mão dẫn họ đi cũng là người Khơ Mú, có họ hàng quen biết với nhau nên có bản Mão đưa 60-70 người đi làm vàng. Ở Chiêu Lưu, trẻ lớn lên là theo các đường dây bí mật và biến mất. Hầu hết đi khỏi địa phương mà ngay cả gia đình cũng không biết đi đâu, làm gì thì cán bộ càng khó có thể biết được.
Ngay như gia đình ông Bình cũng có người cháu họ chỉ nói là đi làm ăn và đã đi suốt ba năm nay mà không có bất cứ một thông tin, liên lạc nào về với gia đình. Ông Bình trăn trở: "Nếu chúng ta có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc đi khỏi địa phương của người sở tại (ví dụ người miền Tây Nghệ An cung cấp lao động cho các hầm vàng) và bắt buộc phải khai báo tạm trú tạm vắng cũng như kiểm soát được sự hoạt động coi trời bằng vung ở các bãi vàng, thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa các bi kịch kể trên".
▪ Nữ trinh sát vùng cao (12/04/2017)
▪ Những phận đời đớn đau vì ma túy (12/04/2017)
▪ Thí điểm mô hình 'Tòa ma túy' (11/04/2017)
▪ SV nhẹ dạ và cái bẫy của tội phạm vận chuyển ma túy xuyên quốc gia (10/04/2017)
▪ Bộ Y tế đề nghị siết chặt quản lý với rượu thủ công (04/04/2017)
▪ Ma túy, mại dâm có còn là tệ nạn xã hội? (31/03/2017)
▪ Ngăn ngừa bạo lực học đường (31/03/2017)
▪ Rơi nước mắt ở bản mồ côi miền Tây xứ Nghệ (25/03/2017)
▪ Không được chủ quan, lơ là trong phòng chống ma túy, mại dâm (25/03/2017)
▪ Những chiến sĩ trẻ mưu trí, quả cảm (25/03/2017)