Ý kiến nên bỏ dùng từ “tệ nạn xã hội”
Một số ý kiến đề xuất nên bỏ từ “tệ nạn xã hội” (TNXH) hay “tệ nạn mại dâm”, “tệ nạn ma túy” đối với nhóm người bán dâm, nghiện ma túy hoặc rộng hơn là với chương trình phòng chống ma túy, mại dâm. Các ý kiến này thường kèm theo việc cổ súy cho việc công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp; với nghiện ma túy là muốn bãi bỏ hoàn toàn cai nghiện bắt buộc.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Lý lẽ đưa ra là, từ “TNXH” thể hiện sự phân biệt, kỳ thị, khiến cho người bán dâm, người nghiện khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và khó hòa nhập xã hội; nhận thức mới về người bán dâm, nghiện ma túy là “nhóm người yếu thế”,“nhóm người dễ bị tổn thương”.Cả hai nhóm cần được hỗ trợ, chữa bệnh bằng các biện pháp y tế, tâm lý, xã hội, đảm bảo quyền công dân hơn là trừng phạt. Bỏ từ “TNXH” sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa con người với con người, từ đó, giúp họ tự tin vươn lên, không còn sự mặc cảm để làm chủ bản thân.
Lại nữa, từ “tệ nạn” (Evils) ở nhiều nước được coi là rất nặng nề, có khi còn hơn cả tội hình sự vì để chỉ những cái xấu, cái Ác liên quan đến cả vấn đề tâm linh, đến Ác quỷ (quỷ Sa tăng là quỷ Chúa trong Kinh thánh có sức khỏe phi thường, có nhiều âm mưu xảo quyệt).
Bỏ từ “tệ nạn xã hội” sẽ không chỉ đúng bản chất của sự việc
Mặc dù có các ý kiến như vậy, cần cân nhắc, suy xét thấu đáo vấn đề này trên nhiều góc cạnh.
Những năm gần đây, nhận thức và chính sách của nước ta đối với người nghiện ma túy, người bán dâm đúng là có nhiều sự thay đổi. Nhìn nhận nghiện ma túy là bệnh lý rối loạn não bộ, công tác cai nghiện từ chữa bệnh, giáo dục, quản lý là chính tập trung sang các biện pháp y tế, tâm lý, xã hội và tăng cường cai nghiện tự nguyện. Biện pháp giảm tác hại với những người nghiện nhóm opiat cũng được chỉ đạo mạnh mẽ điều trị thay thế bằng Methadone (đến nay là gần 50.000 người, gấp 7 lần nước có số người điều trị cao thứ 2 trong khối ASEAN là Myanmar).
Với người bán dâm, chấm dứt giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách trong các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục- Lao động xã hội sang các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ sinh kế tại cộng đồng, bao gồm cả các biện pháp giảm tác hại như phòng ngừa bị bóc lột, chà đạp, bạo hành, mua bán, phòng chống lây nhiễm các bệnh xã hội, nghiện ma túy…
Những chính sách mới được thực thi đã góp phần huy động cộng đồng giúp đỡ những “nạn nhân” của tệ nạn ma túy, mại dâm từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội mặc dù còn rất nhiều khó khăn.
Theo khái niệm ở nước ta, TNXH là các hiện tượng xã hội bao gồm những hành vi sai lệch với chuẩn mực xã hội,vi phạm đạo đức và pháp luật, diễn ra trong phạm vi rộng, nhiều người tham gia gây hậu quả xấu về mọi mặt đối với đời sống xã hội, là một trong những nguyên nhân chính phát sinh tội phạm.Có nhiều TNXH như ma túy, mại dâm, tham nhũng, cờ bạc, mê tín, say rượu bê tha… Tệ nạn xã hội ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần và đạo đức con người, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, rối loạn trật tự xã hội, suy thoái giống nòi.Các TNXH có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ma túy mại dâm dắt tay nhau song hành, liên quan đến các tệ nạn khác, là con đường ngắn nhất làm lây truyền HIV/AIDS.
Như vậy, TNXH là những hành vi lệch chuẩn xã hội, là những “thói hư tật xấu” của xã hội. Đặc biệt, quan niệm về vấn đề TNXH ở nước ta không liên quan gì đến đến tâm linh và “ác quỷ” như quan niệm của một số nước. Đối chiếu với khái niệm về TNXH của ta thì rõ ràng ma túy, mại dâm là các TNXH điển hình.
Mặt khác, mặc dù chúng ta đã coi nghiện ma túy là một bệnh lý về não bộ. Chính sách, giải pháp đối với người nghiện, người bán dâm đã có nhiều thay đổi nhưng 2 đối tượng này vẫn là một trong những thành phần, tác nhân chính của tệ nạn ma túy, mại dâm với các “thói hư tật xấu” khá phổ biến (với người bán dâm là lối sống đua đòi, hưởng lạc, lười lao động, bỏ qua đạo đức phụ nữ truyền thống,nghiện ma túy và tiếp tay cho mua bán ma túy…Với người nghiện là rủ rê, đua đòi, cờ bạc, mua bán dâm, mua bán ma túy, nhiều hành vi ảnh hưởng đến trật tự xã hội…).
Ma túy, mại dâm là hai TNXH nghiêm trọng ở nước ta. Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 1/3/1994 của Ban Bí thư Trung ương về lãnh đạo phòng chống tệ nạn xã hội xác định: “Phòng, chống, khắc phục có hiệu quả các tệ nạn xã hội, trước hết là nạn mại dâm, nghiện ma túy, là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay mà Đảng và Nhà nước ta phải kiên quyết lãnh đạo thực hiện để có bước tiến bộ rõ rệt ngay từ năm 1994”. Những năm qua, Đảng và nhà nước đã kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, thu được nhiều kết quả quan trọng nhưng đến nay hai TNXH này vẫn diễn biến phức tạp.
Trong các văn bản chỉ đạo, các phát biểu của lãnh đạo Đảng và Chính phủ gần đây đều nhấn mạnh: huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Bởi vì, giải quyết vấn đề xã hội này là hết sức cấp bách và khó khăn. Muốn giải quyết có hiệu quả, phải đặt nhiệm vụ này dưới sự lãnh đạo của các ủy Đảng, đến từng chi bộ, phát động được phong trào quần chúng lớn mạnh, tăng cường quản lý nhà nước của từng cấp chính quyền, phát huy được vai trò của các đoàn thể xã hội, đề cao trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách.
Muốn thực hiện bất kỳmột chương trình kinh tế-xã hội nào, cần phải gọi đúng tên, đúng nội hàm của nó, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, đối tượng,nhiệm vụ, giải pháp thì mới thực hiện được. Giúp người bán dâm, nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ của chương trình phòng chống mại dâm, ma túy.Chúng ta không lo ngại cứ tiếp tục dùng từ “tệ nạn” là biểu thị sự kỳ thị, phan biệt, từ đó ảnh hưởng đến việc giúp đỡ họ mà ngược lại. Gọi đúng bản chất của sự việc mới là khoa học và từ đó mới huy động được xã hội chung tay giúp họ.
Từ những phân tích trên, từ bản chất của sự việc và yêu cầu của cuộc đấu tranh cam go phòng chống ma túy, mại dâm thì mại dâm, ma túy không thể không là…TNXH.
▪ Ngăn ngừa bạo lực học đường (31/03/2017)
▪ Rơi nước mắt ở bản mồ côi miền Tây xứ Nghệ (25/03/2017)
▪ Không được chủ quan, lơ là trong phòng chống ma túy, mại dâm (25/03/2017)
▪ Những chiến sĩ trẻ mưu trí, quả cảm (25/03/2017)
▪ TP.HCM: Kiện toàn các cơ sở cai nghiện (24/03/2017)
▪ Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai Đề án 'Điều trị ma túy tự nguyện không thu phí' (20/03/2017)
▪ Thanh niên trộm bạc tỉ đi bao gái, ăn chơi như đại gia (16/03/2017)
▪ Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng ‘ngáo đá’ (15/03/2017)
▪ Đổi mới công tác cai nghiện tại Nam Định (15/03/2017)
▪ Việt Nam-Lào tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người (13/03/2017)