Gần 100.000 cây vàng cho một km đường
Tháng 10-2005, dự án đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (còn gọi là đường vành đai I) được khởi công. Dự án được thực hiện sau hàng chục năm thai nghén khiến người dân vô cùng sửng sốt trước mức đầu tư khổng lồ - 773 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp 1.080 m đường chỉ hết 100 tỷ đồng thì số tiền giải phóng mặt bằng (GPMB) lên đến 600 tỷ đồng. Như vậy, để có hơn một cây số đường, nhà nước phải chi 45 triệu đô-la (hay gần 100.000 cây vàng!). Theo một số chuyên gia, mức đầu tư này cao hơn mức đầu tư xây dựng đường tàu điện ngầm (khoảng 34 triệu đô-la/km).
Vào năm 2002, việc Hà Nội chi 113 tỷ đồng cho 550m đường đoạn Voi Phục - Cầu Giấy đã trở thành sự kiện gây chấn động. Giá xây lắp hơn nửa cây số đường này chỉ hết gần 1 triệu đô-la (khoảng 13 tỷ đồng). Trong khi đó giá đền bù GPMB của dự án hết 7 triệu đô-la (100 tỷ đồng). Lần đầu tiên giá đất GPMB của dự án đường Voi Phục - Cầu Giấy được đền bù mức kỷ lục từ trước cho đến thời điểm năm 2002, là 14,8 triệu đồng/m2.
Trước SEA Games 22 (năm 2003), Hà Nội kéo dài khoảng 800 m đường Liễu Giai nối lên đường Hoàng Hoa Thám. Chi phí cho việc kéo dài con đường đã ngốn khoảng 100 tỷ đồng.
Cùng từ Liễu Giai, một con đường được kéo lên đê Bưởi - đường Đào Tấn. “Đơn giá” của công trình này cũng vào khoảng 10 triệu đô-la/km. So sánh với mặt bằng chung của nhiều quốc gia, thì đây là những đoạn đường đắt nhất thế giới.
Cũng phải nói thêm rằng, để giải quyết những bức xúc về giao thông đô thị, trong vài năm lại đây TP Hà Nội đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông, nhưng với “giá” của những con đường quá đắt nên việc cải thiện giao thông xem ra chỉ như muối bỏ bể.
Chỉ điểm vài dự án đã thấy chi phí GPMB ngốn 2.500 tỷ đồng (tương đương 150 triệu đô-la). Việc cải tạo, mở rộng những con đường trong nội thành đang là bài toán nan giải của Hà Nội.
Hậu quả: Những con đường cụt!
Tiền xây lắp con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa chỉ hết 100 tỷ đồng nhưng số tiền GPMB lên đến 600 tỷ đồng.
Nhiều người đã ví những con đường mới được chỉnh trang như những chiếc cúc ngọc đơm trên chiếc áo vải. Nó chỉ lóe sáng mà không thể làm rực sáng bức tranh giao thông Hà Nội. Cũng vì chi phí quá đắt nên hầu như các dự án đều hết sức manh mún và chưa thể phát huy hiệu quả cao.
Ví như, việc xây dựng đoạn Voi Phục- Cầu Giấy khá đồng bộ với nhiều làn xe. Vậy nhưng, do đoạn đường quá ngắn (550 m) lại bị “thắt” lại khi nối với đường La Thành. Vậy là, đoạn đường hoành tráng này thừa ra một chiều đường không biết dùng vào việc gì. Gần đây, đoạn đường “thừa” này được dành làm điểm trung chuyển cho xe buýt.
Tương tự, đoạn Liễu Giai kéo dài nối vào đường Hoàng Hoa Thám, không kéo dài được đến đường Thụy Khuê như quy hoạch. Con đường rộng 40-50m khi nối với đường Hoàng Hoa Thám rộng khoảng 10m đã tạo thành một “cổ chai” nên ùn tắc xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng.
Cũng phải kể đến đoạn đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa vừa được khởi công. Trước đó, đường Đào Duy Anh (ngã tư Đại Cồ Việt-Kim Liên) đã được xây dựng rất quy mô. Thế nhưng có một chiều đường đã bị “bỏ hoang” ngay sau khi công trình hoàn thành cho đến nay. Chiều đường chỉ phục vụ đỗ xe, làm nơi bán hàng, rửa xe.
Việc khởi công đoạn Kim Liên-Ô Chợ Dừa giúp đoạn đường “hoang” này phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đoạn đường mới có mặt cắt 50 m đấu nối ra Ô Chợ Dừa liệu có phát huy hiệu quả khi mà đường Đê La Thành lại trở thành điểm thắt nút quá hẹp?
Hà Nội hiện còn tồn tại rất nhiều con đường “cụt” và chưa thể phát huy hiệu quả cao như: đường Nguyên Hồng; đường trên đê Yên Phụ (hiện làm điểm đỗ xe buýt)…
Nguồn vốn đầu tư từng dự án quá lớn, song cách thức đầu tư còn dàn trải và chắp vá nên hiệu quả đầu tư chẳng hề tương xứng với mức đầu tư.
|