Ngành y tế chuẩn bị diễn tập phòng, chống đại dịch cúm
Các Website khác - 15/11/2005
Trước nguy cơ đại dịch cúm ngày càng đến gần, cùng với sự chuẩn bị về mọi mặt  thuốc men, trang thiết bị, nhân lực. PGS, TS Trịnh Quân Huấn  - Thứ trưởng Y tế cho biết về nội dung chuẩn bị cho kế hoạch diễn tập để phòng, chống đại dịch.
Hỏi: Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai diễn tập phòng, chống đại dịch cúm ở người như thế nào và ý nghĩa của cuộc diễn tập này?

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn: Trước nguy cơ xảy ra đại dịch, các quốc gia trên thế giới đều xây dựng kế hoạch phòng, chống đại dịch và kế hoạch này phải được thực hành, phát hiện những "khiếm khuyết" trong các hoạt động thường ngày, từ đó rút kinh nghiệm, hoàn thiện kế hoạch. Trên cơ sở kế hoạch quốc gia phòng, chống đại dịch cúm của ngành y tế, để sẵn sàng tác chiến khi có đại dịch xảy ra, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải triển khai diễn tập phòng, chống đại dịch cúm ở người tại ba miền. Cuộc diễn tập đầu tiên sẽ được tổ chức tại TP Hà Nội trong tháng 11-2005, tiếp đến Thừa Thiên - Huế và TP Hồ Chí Minh cũng sẽ diễn tập trong tháng 12-2005. Sau các đợt diễn tập này sẽ phổ biến rộng rãi đến các tỉnh, thành phố, các huyện, thị xã tham gia diễn tập tại địa phương mình.

Việc diễn tập này có ý nghĩa rất quan trọng là tìm được phương án xử trí tốt nhất, ra quyết định đúng nhất, phối hợp nhịp nhàng và kịp thời khi có đại dịch xảy ra.

Hỏi: Cuộc tổng diễn tập sẽ bao gồm những nội dung gì? Những tình huống nào sẽ được đặt ra trong quá trình diễn tập? Cách xử trí của ngành y tế trong các tình huống này, thưa Thứ trưởng?

Ông Trịnh Quân Huấn: Cuộc diễn tập có ba nội dung chính nằm trong kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống dịch, cả về cơ chế điều hành cũng như về y tế dự phòng và điều trị. Một là, diễn tập cơ chế điều hành nhằm nâng cao năng lực tổ chức, điều hành, xử trí của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm các cấp từ trung ương đến địa phương. Hai là, diễn tập thu dung cấp cứu điều trị người bệnh nhằm nâng cao việc chỉ đạo điều hành của cơ sở điều trị, sự phối hợp chặt chẽ quân dân y, kể cả việc thành lập các bệnh viện dã chiến phòng trường hợp quá tải của các cơ sở điều trị trên địa bàn. Ba là, diễn tập giám sát, khoanh vùng xử lý ổ dịch, xử lý môi trường nhằm nâng cao kỹ thuật thực hành xử lý dịch không để dịch lan rộng ra cộng đồng. Diễn tập đưa ra những tình huống xấu nhất là xảy ra đại dịch trên toàn cầu, virus cúm lây lan nhanh trong cộng đồng với hàng trăm trường hợp mắc, với tỷ lệ tử vong cao, sự chi viện từ Trung ương cũng như các tỉnh lân cận gặp khó khăn, mất thông tin liên lạc. Trong điều kiện như vậy, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm ở người tổ chức thực hành tác chiến, phối hợp các đơn vị quân đội, lực lượng học sinh, sinh viên trên địa bàn triển khai các biện pháp dập dịch theo kế hoạch hành động của địa phương mình, từ đó rút kinh nghiệm để có kế hoạch hành động tốt nhất, phù hợp nhất, phản ứng nhanh nhất khi có đại dịch xảy ra, không để dịch lan rộng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Hỏi: Thưa Thứ trưởng, trên thế giới đã từng có những cuộc diễn tập nào có quy mô như cuộc diễn tập này? Sự khác biệt của cuộc diễn tập tại Việt Nam so với những cuộc diễn tập khác trên thế giới?

Ông Trịnh Quân Huấn: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, xây dựng mô hình diễn tập là một trong những chiến lược để hoàn thiện kế hoạch chuẩn bị phòng, chống đại dịch quốc gia, kinh nghiệm diễn tập của mỗi quốc gia là bài học cho các nước khác. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức diễn tập với những nội dung chính khác nhau, có nước chỉ diễn tập ở nội dung cơ chế điều hành. Tại Việt Nam, tổ chức tổng diễn tập với sự tham gia của tất cả các đơn vị liên quan gồm ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngoại giao, giao thông vận tải, quân đội, công an, lực lượng học sinh, sinh viên. Ngoài ra, Bộ Y tế thành lập Ban chỉ huy diễn tập gồm các bộ, ngành, các chuyên gia về dự phòng và điều trị để theo dõi, đánh giá tổng hợp qua các đợt diễn tập là bài học kinh nghiệm không chỉ cho phòng, chống cúm hay bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch mà còn có thể áp dụng trong các tình trạng khẩn cấp như thiên tai, thảm họa.

Hỏi: Ông có thể cho biết ngoài việc chuẩn bị diễn tập phòng, chống đại dịch, ngành y tế có những biện pháp gì để ngăn ngừa đại dịch xảy ra?

Ông Trịnh Quân Huấn: Với phương châm không để xảy ra dịch cúm, ngành y tế đã chủ động triển khai giám sát, phát hiện sớm ngay trường hợp mắc cúm gia cầm, cúm ở người đầu tiên tại cộng đồng, thiết lập hệ thống giám sát tuyến cơ sở có hiệu quả , phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các bộ, ngành khác, đặc biệt ở tuyến xã, phường. Bộ Y tế đã trang bị phòng xét nghiệm an toàn sinh học, trang thiết bị xử nghiệm để phát hiện sớm ngay các trường hợp mắc đầu tiên hoặc xâm nhập; trang bị các xe đặc chủng chống dịch cho các viện trong hệ thống y tế dự phòng, xe cứu thương cho các đơn vị điều trị, các trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế để xử lý kịp thời ổ dịch khi có tình huống, không để dịch lan rộng. Bộ cũng đã phân công cụ thể 14 viện trong hệ thống y tế dự phòng cả về giám sát, xử lý môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường hệ thống giám sát trực dịch 24/24 giờ; mở đường dây nóng của Bộ Y tế; tập huấn cho cán bộ điều trị và y tế dự phòng; tổ chức diễn tập chống dịch từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh huyện; tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch. Về điều trị, các bệnh viện được phân công sẵn sàng tiếp nhận người bệnh trong khu vực phụ trách. Trong trường hợp dịch lan rộng, Bộ Y tế phân công thêm các bệnh viện đa khoa trung tâm của tỉnh, mỗi bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly điều trị tại khoa truyền nhiễm. Về nhân lực, trang thiết bị có thể huy động từ khoa hồi sức cấp cứu, khoa nhi để tăng cường. Mỗi bệnh viện sẽ bố trí 10 - 20 giường cách ly để tiếp nhận và điều trị người bệnh. Ban chỉ đạo quốc gia sẽ huy động các bộ, ngành kết hợp quân dân y để tăng cường lực lượng, bác sĩ điều trị cho các bệnh viện. Về nghiên cứu khoa học, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur phối hợp Tổ chức Y tế thế giới nghiên cứu vaccine phòng bệnh, tác nhân gây bệnh cũng như cơ chế lây truyền để có biện pháp phòng, chống hiệu quả, làm việc với công ty sản xuất thuốc kháng virus (tamiflu) để dự trữ, đáp ứng kịp thời khi có dịch xảy ra. Yếu tố quyết định trong việc khống chế, không để xảy ra đại dịch là ý thức của người dân, phối hợp chính quyền địa phương trong việc phát hiện sớm trường hợp mắc đầu tiên ở gia cầm cũng như ở người, không để dịch lây lan.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.