Phòng, chống tham nhũng phải xoay quanh 3 “trục”
Các Website khác - 26/08/2008

 

Tiền lương đảm bảo sẽ là một "động lực" PCTN (ảnh minh họa: An ninh Thủ đô).

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định như vậy khi nói về Dự thảo Chiến lược phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thực tiễn của Việt Nam. Người đứng đầu ngành Thanh tra cũng khẳng định các giải pháp chống tham nhũng cần phải mang tính hệ thống, trình tự trước, sau cho phù hợp.

Dự thảo chiến lược PCTN có đưa giải pháp tổng rà soát, sửa đổi pháp luật bí mật nhà nước theo hướng thu hẹp phạm vi bí mật nhà nước ở mức cần thiết. Điều đó cũng đồng nghĩa các “vùng cấm” sẽ ngày càng bị siết chặt lại, thưa ông?

Đúng vậy! Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ sắp tới phải quy định lại những tài liệu nào của Nhà nước ban hành thì phải công bố, chỉ trừ những loại tài liệu đặc biệt về an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia thì mới là “mật”. Còn không phải thể loại nào cũng “mật” để muốn cung cấp thì cung cấp, muốn không thì không!

Sắp tới, Chính phủ sẽ có những quy định cụ thể hơn với tinh thần giảm bớt những văn bản “khóa” lại, không công bố. Do quy định của mình hiện nay chưa chặt, nên có nơi hiểu bản kết luận thanh tra là tài liệu “mật”, cứ đóng dấu mật.

Thật ra, tài liệu mật phải được giao cho Bộ Công an, Bộ Nội vụ xem xét, quy định. Thực tế, có ngành, có địa phương sợ bên ngoài biết nên cứ đưa vào “mật” để không phải công bố. Điều này vi phạm ngay cả pháp luật hiện hành!

Như vậy, có thể nói, chữ “mật” đang bị lạm dụng tùy tiện và lỗi này là từ đâu thưa ông?

  

Tổng Thanh tra Chính phủ
Trần Văn Truyền.

Việc tùy tiện chữ "mật" này cũng do quy định hiện nay chưa chặt. Thủ tướng đã có chủ trương là phải tiến hành chủ động thông tin cho xã hội, các cơ quan công luận, giờ tất cả mọi việc không có vấn đề gì phải giấu giếm. Làm đến đâu, làm việc này tốt xấu ra sao phải chủ động thông báo cho người dân, cho báo chí... biết.

Giải pháp mạnh nhất sẽ áp dụng ngay trong thời gian tới để PCTN là gì, thưa ông?

Công khai minh bạch được xem là vấn đề quan trọng và sắp tới phải được tăng cường hơn nữa. Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ sắp tới phải quy định rõ hơn về vấn đề này.

Theo khuyến cáo của các nhà tư vấn nước ngoài thì để chống tham nhũng có hiệu quả, điều cần phải làm đầu tiên là phải công khai minh bạch.

Sự công khai minh bạch muốn được thực thi đúng nghĩa thì phải đi vào cơ chế, chính sách và những quy định của Nhà nước trong việc quản lý, điều hành xã hội. Nếu không thực hiện được việc này thì người dân sẽ khó có điều kiện được thực thi quyền giám sát.

Vậy công khai minh bạch sẽ là chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa thành công cho “cuộc chiến” PCTN ở Việt Nam?

Điểm mấu chốt, xương sống của Chiến lược PCTN là xây dựng sự công khai minh bạch. Đây là một vấn đề lớn, không phải chỉ làm trước mắt mà phải làm rất kiên trì, lâu dài và phải có nhiều giải pháp mới làm được.

Trong Chiến lược này, cần tính đến việc phát huy vai trò của các tổ chức xã hội bởi PCTN là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Do đó, không thể chỉ dựa vào một mình bộ máy Nhà nước mà phải có sự đồng thuận của toàn xã hội.

Tiếp đó là phải đẩy mạnh cải cách hành chính. Vấn đề này có quan hệ mật thiết đến công tác PCTN. Nói cho cùng, công chức Nhà nước phải có một đời sống tương đối ổn định để yên tâm làm việc, không vướng phải những khuyết điểm.

Với chế độ tiền lương như hiện nay, đời sống của cán bộ công chức rất khó khăn. Chúng ta không có tham vọng dùng tiền lương để giải quyết mọi thứ nhưng tiền lương sẽ là một động lực để động viên cán bộ công chức cống hiến nhiều hơn, làm việc tốt hơn và giữ mình hơn.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Ông Hà Ngọc Trạc, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TPHCM:

“Muốn làm tốt công tác PCTN phải thực hiện “3 nghiêm”: Pháp luật nghiêm, thực hiện nghiêm và xử lý nghiêm. Cũng do pháp luật chưa đồng bộ, còn sơ hở nên tình trạng tham nhũng, vi phạm về đất đai xảy ra rất nghiêm trọng như vụ án EPCO - Minh Phụng, sai phạm của Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn…

Dự thảo Chiến lược PCTN đến năm 2020 có đưa ra 40 giải pháp, do đó, cần sớm hoàn chỉnh cơ chế, chính sách pháp luật và muốn thực hiện nghiêm thì phải công khai, minh bạch”.

Lê Châu (thực hiện)