Heo từ vùng dịch Mỏ Cày - Bến Tre được tập kết ở Bình Khánh Tây để đưa đi tiêu thụ |
Cò Chệt móc điện thoại nói lớn: “Tía đang ở đâu? Khách mới có 8 con. Tía đợi con ra lấy giấy liền nhé!”. Xong, cò Chệt giục tôi chở đi tìm cán bộ thú y để lấy giấy xác nhận “heo sạch"
Dịch heo tai xanh đang bùng phát ở tỉnh Bến Tre. Mới đây nhất là hai ổ dịch bùng phát ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày và có khả năng lây lan sang một số huyện lân cận. Song, hiện mỗi ngày có hàng trăm con heo vượt trạm một cách dễ dàng nhờ giấy kiểm dịch lậu.
Cán bộ thú y bao giấy
Đến xã Cẩm Sơn ngày 21-8, tôi được thương lái giới thiệu tìm nhà ông Năm Chệt, cò chuyên mua bán heo ở chợ Đình. Khi biết tôi gặp khó khăn trong việc vận chuyển heo trong vùng dịch, cò Chệt khoe: “Mày tìm đúng chỗ rồi. Ở đây bán heo cho mày bao luôn giấy tờ đàng hoàng, không sợ ai bắt bớ gì hết!”. Tôi thắc mắc: “Xã đang cấm, làm sao đi được?”. Cò Chệt lên giọng: “Được! Tao đưa heo qua xã Ngãi Đăng bằng đường sông rồi làm giấy cho mày đi vì bên đó không phải là vùng dịch”.
Để tạo lòng tin, cò Chệt móc điện thoại, nói lớn: “Tía đang ở đâu? Khách mới có 8 con. Tía đợi con ra lấy giấy liền nhé!”. Nói xong, cò Chệt giục tôi chở đi tìm cán bộ thú y để lấy giấy biên nhận “heo sạch” về giao cho một thương lái để vận chuyển 8 con heo được mua từ xã Cẩm Sơn đi bằng đường sông về Ngãi Đăng để đưa đi tiêu thụ.
Tìm hiểu thêm, tôi được biết sau khi mua heo từ những xã có dịch hoặc vùng đang bị uy hiếp, đầu nậu tìm cách vận chuyển an toàn đến một xã khác trong huyện để làm thủ tục xuất tỉnh. Tất cả các công đoạn đều thông qua cò Chệt. Khi biết lượng heo được các đầu nậu thu mua, cò Chệt “nối mạng” với ông NguyễnVăn Minh, Trưởng Ban Thú y xã Ngãi Đăng, để được cấp giấy xác nhận “heo sạch”.
Cùng ngày, cò Chệt đưa tôi đến nhà bà N. ở ấp Bình Sơn, xã Ngãi Đăng, để gặp ông Minh. Khi tôi đến, ông Minh đang viết giấy xác nhận cho bà N. bán 9 con “heo sạch”. Tôi đặt vấn đề muốn có một giấy xác nhận “heo sạch” để mua heo từ xã Cẩm Sơn về Tiền Giang. Không ngần ngại, ông Minh lấy một xấp giấy được in sẵn theo mẫu và hỏi: “Mấy con, mày?”. Tôi đáp: “Tám con”. Ông Minh liền viết vào giấy xác nhận: “Hộ anh Nguyễn Văn Toàn (con bà N.- PV) có bán 8 con heo sạch bệnh, đề nghị các anh chị cho đi”. Sau đó, ông Minh quay sang anh Toàn: “Sẵn lên xã, mày gặp Loan kêu nó đóng dấu hai giấy luôn”. Anh Toàn nghi ngờ: “Sao nhà tôi chỉ bán có 9 con mà phải lên xã xác nhận đến 17 con?”. Cò Chệt trấn an: “Quan trọng là ổng (ông Minh-PV)”. thôi. Ổng ký là được rồi! Của mày 9 con, còn 8 con kia là ngoài vùng chuột khoét (tức vùng dịch-PV)”. Cò Chệt rút hai tờ giấy bạc loại 50.000 đồng đưa cho ông Minh.
Khi rời khỏi nhà bà N., cò Chệt cho biết mỗi lần xin giấy xác nhận “heo sạch” phải bồi dưỡng cho ông Minh từ 100.000-200.000 đồng.
Có trời mới biết!
Để kiểm soát chặt việc vận chuyển heo từ vùng dịch ra ngoài, UBND xã Cẩm Sơn đã lập hai chốt dân phòng ở hai đầu đường liên xã, chốt chặn 24/24 giờ. Tuy nhiên, nhiều thương lái vẫn mua bán heo ì xèo. Ban ngày, các đầu nậu thường tung cò vào tận hộ chăn nuôi để thương lượng giá cả, đến nửa đêm thuê các loại phương tiện vận chuyển ra khỏi vùng dịch về xã Ngãi Đăng và ra Quốc lộ 57. Tại đây, heo được đưa về tập kết ở một điểm thuộc xã Bình Khánh Tây, sau đó được cán bộ thú y huyện Mỏ Cày kiểm dịch và làm thủ tục xuất bến. Sau khi hợp thức hóa, số heo này được đưa đi các tỉnh để tiêu thụ.
Dọc Quốc lộ 57, tôi gặp nhiều chiếc xe tải loại lớn nằm bên vệ đường để chờ đầu nậu vận chuyển heo từ vùng dịch đến đưa lên xe và tuồn về các tỉnh lân cận. Tại một trạm trung chuyển ở xã Bình Khánh Tây, một tài xế cho biết họ thường cho xe nằm núp ở một số đường xã, đợi đến khi thu mua đủ số lượng thì tập kết đến một điểm đã hẹn trước và cho heo lên xe, nhanh chóng phóng đến phà Cổ Chiên. Tại đây, vé phà đã được đầu nậu mua trước, tài xế chỉ việc chạy thẳng qua địa bàn lân cận. Sau khi qua phà về huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, đầu nậu nhờ cán bộ thú y bảo chứng heo thu mua từ huyện này và làm thủ tục xuất bến an toàn. Đến khi được đưa vào các lò giết mổ thì chỉ có... trời mới biết heo này được thu mua từ vùng dịch Mỏ Cày!
Sợ gì mấy trạm thú y dọc đường! Buổi chiều, tôi đến một điểm tập kết heo trên Quốc lộ 57. Một cán bộ thú y mang giấy, viết đến, hỏi có bao nhiêu con, sẽ đi qua những trạm thú y nào, rồi điền vào mẫu giấy kiểm dịch tại chỗ và đưa cho tài xế. Từng xe một nối đuôi phóng ra đường. Một đầu nậu hất mặt, bảo tôi: “Mày thấy chưa, sợ gì mấy trạm thú y dọc đường!”. Tranh thủ lúc chiếc xe khác lên hàng, tôi hỏi một cán bộ thú y: “Kiểm kiểu này có chắc ăn không?”. Anh ta nói: “Chỉ kiểm bằng mắt thường, nếu không thấy triệu chứng lâm sàng thì cấp giấy cho đi. Hơn nữa, xã này không phải là vùng đang bị uy hiếp”. Anh ta không hề hay biết số heo vừa được phép xuất bến được vận chuyển từ vùng dịch ra ngoài. |
▪ Nga dọa cắt hoàn toàn quan hệ với NATO (26/08/2008)
▪ Bắt vợ kiếm tiền để nuôi... vợ bé! (26/08/2008)
▪ Cơn lốc khuyến mãi tháng 9 ở hệ thống siêu thị Co.op (26/08/2008)
▪ Phòng, chống tham nhũng phải xoay quanh 3 “trục” (26/08/2008)
▪ Thí điểm dân bầu chủ tịch xã rồi mới sửa luật (23/08/2008)
▪ An ninh lương thực: Duy trì 4 triệu ha đất trồng lúa (23/08/2008)
▪ Cướp… cô hồn (23/08/2008)
▪ Tháng 8, lạm phát được ghìm cương (23/08/2008)
▪ Cổ phần hóa - nhiều kẽ hở để trục lợi cá nhân (22/08/2008)
▪ Dân phát mệt vì những dự án… “rùa bò” (22/08/2008)