Quặn đau lòng biển
Các Website khác - 25/08/2005

Màn đêm bao phủ suốt mặt biển, tràn cả vào ly rượu đế mà ngư dân Huỳnh Văn Xích đang cầm trên tay. Ông Xích ngửa cổ dốc cạn ly rượu, dốc cả bóng đêm vào miệng. Yết hầu nơi cổ chạy lên rồi ực một cái, ông nuốt “ly rượu đêm” vào trong: “Đời tụi có trên 40 năm đi biển. Cả tuổi trai trẻ đã cho biển hết. Tui có được nhiều thứ từ biển và biển cũng lấy đi của tui không ít...”.

Tôi ngửa cổ uống gọn một hớp ly rượu ông Xích đưa cho. Rượu thật chát và đắng. Đắng như câu chuyện đời những ngư dân kể làm người nghe trào cay nơi khóe mắt. Chúng tôi đã lang thang 4 ngày đêm trên nơi đầu sông, cửa biển các tỉnh Bến Tre, Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Giờ (TPHCM), sống với những ngư dân để hiểu hơn đời họ "bạc" tới mức nào và biển "nghèo" ra sao.

Có sống suốt những ngày với biển, chúng tôi mới hiểu ra rằng biển hôm nay không còn là bạc nữa. Biển không còn giàu như trước, không như người ta vẫn tưởng. Điều ấy cũng có nghĩa là nguồn sống của những ngư dân ngày càng nghèo đi. Khi ngư dân nghèo, họ tìm mọi cách khai thác biển để có thể tồn tại. Từ đó, biển vốn dĩ đã nghèo lại càng cạn kiệt nguồn thủy hải sản. Dân càng nghèo, biển càng nghèo? Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ như một dòng nước xoáy quấn lấy đời những ngư dân.

Những phận nghèo trên biển "bạc"

Ông Xích là người xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhưng giong tàu sang cửa biển huyện Cần Giờ để đánh bắt. Biển Cần Giờ đang vào mùa vụ cá cơm, nhưng hai vợ chồng ông đi te từ tờ mờ sáng đến nhá nhem tối mà chỉ được gần 30 kg cá. Giá cá cơm hiện thời được 3.000 - 3.200 đồng/kg. Trừ tiền xăng dầu ông lỗ mỗi ngày trên dưới 30.000 đồng. Vợ ông, bà Nguyễn Thi Nghiệp, tính toán: "Trước đây, tui mua dầu thiếu, cuối tháng trả tiền bị tính lời cũng chấp nhận được. Nay giá xăng dầu lên, chủ cây xăng không bán thiếu nữa, đành phải vay bạc hỏi (vay nặng lãi) để mua dầu cho tàu chạy. Cậu coi giá dầu tăng nhiều lần rồi, nhưng giá cá thì đã hơn 10 năm nay không tăng, mà còn giảm. Độ chừng cách đây 10 năm, trên vùng cửa biển Cần Giờ này những loài cá chìa vôi, mao ếch, mú, đối và tôm bạc, tôm hùm, lịch cú nhiều lắm nhưng nay còn rất ít. Ngay như cá cơm, trước đây một ngày đi te cũng bắt trên 200 kg, nay được độ 50 kg là thấy vui lắm rồi”.

Từ thời trẻ, ông đã trầm mình dưới biển nên nay chẳng biết làm nghề gì ngoài đánh cá. Đi biển rồi dần dần ông phải vay nợ, bán hết cả đất, giờ chỉ còn mỗi con tàu nhỏ cùng túm lưới làm phương tiện kiếm sống. “Nói thiệt chú đừng cưới, đã ba năm rồi tui tui không dám về quê vì sợ người ta đòi nợ”.

Nghe lão ngư Xích nói, tôi biết ông đang khóc ở trong lòng. Nhưng ông đâu biết rằng biển cũng đang quặn đau lòng biển. Ngày ngày biển đang phải oằn lưng bởi những cuộc lưới vét, xiệc điện, hóa chất và thâm chí cả bom mìn do con người quăng xuống mong "tận thu” từ biển. Tôi tin là biển rất muốn nuôi sống những ngư dân nghèo, nhưng biển không thể gom cá vào gần bờ cho họ được. Anh Quý ở ấp Rạch Cát, xã Long Hữu Đông, huyện Cần Đước, cũng đã có trên mười năm sống nghề sông nước, nhưng chỉ một lần gặp bão lớn, biển đã cướp đi của anh hầu hết tài sản. Anh Quý kể lại rằng, chiều ấy, mưa ập về, bão đến. Chiếc ghe của anh chao qua, đảo lại trong từng cơn gió giật. Mưa quất rát bỏng da mặt, gió mạnh và sóng to đánh chùm qua mũi ghe. Tôi cố kéo hết ga máy, cưỡi sóng đưa ghe vào gần bờ, nhưng khi còn cách bờ độ chừng vài trăm mét thì ghe bị bể mũi, nước vào xối xả. Tôi chỉ còn biết quờ quạng ôm vợ và con dìu vào bờ”. Sau cơn bão, anh Quý chỉ còn lại chiếc ghe bị bể mũi. Không còn đường nào khác, anh lại về vay bạc hỏi, sửa lại ghe và tiếp tục bám biển.

Trong chuyến đi, chúng tôi gặp bao ngư dân từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai và hầu hết đều có chung một ước mơ được lên bờ sinh sống. Hai chị em Huỳnh Thị Mai (19 tuổi) và Huỳnh Thị Mai Vàng (17 tuổi), quê Long An nằm co ro trên ca bin tàu ngắm mưa rơi. Khi thấy chúng tôi bước xuống tàu, hai chị em líu ríu ngồi sát vào nhau. Hỏi hai chị em theo tàu đánh cá lâu chưa. Mai cho biết từ khi học xong lớp năm. "Bao lâu hai chị em mới về quê?". “Lẹ thì hai tháng, còn thường hai hoặc bốn tháng". "ở trên ghe suốt như vầy có buồn không?". Hai chị em nhìn nhau cười tít: "Hết biết buồn là gì rồi, ngày ngày chỉ biết mần thôi. Mai Vàng cười, chỉ chị mình: "Chị ấy có bồ ở quê, đẹp trai lắm, nhưng nay ảnh bỏ rồi, vì chị em phải đi đánh cá miết hà". Hai chị em Mai ước mong được lên bờ sinh sống, đi làm công nhân, được xem ti vi, đi ăn chè, uống nước với hạn bè, nhưng họ không biết bao giờ cha mới bán được ghe để lên bờ nữa.

Theo DNSGCT