Quan điểm về xây dựng chiến lược công nghiệp
Các Website khác - 07/03/2006
Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần chú ý thể hiện rõ ràng phương hướng chiến lược thông qua các quy hoạch tổng thể để tăng thêm tự tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mục tiêu của nước ta được nêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị là đến năm 2020 "cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Trong lịch sử kinh tế, công nghiệp hóa thường được xác định là quá trình thỏa mãn những điều kiện sau đây:

- Khả năng duy trì - các ngành sản xuất tăng trưởng liên tục với tốc độ cao (thường ở mức hai con số trong nhiều thập kỷ).

- Mức đóng góp cho tăng trưởng chung - các ngành sản xuất là những nhân tố đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP.

- Sự thay đổi về cơ cấu - cấu thành của các ngành công nghiệp sản xuất dịch chuyển đều đặn từ quá trình đơn giản sang quá trình phức tạp hơn, đáp ứng những đòi hỏi về công nghệ cao.

"Các ngành công nghiệp chủ đạo đòi hỏi sự phát triển song song của các ngành công nghiệp phụ trợ. Các ngành công nghiệp phụ trợ dưới đây sẽ được hỗ trợ nhằm bảo đảm quá trình công nghiệp hóa lành mạnh và trôi chảy:

+ Các ngành cứng (nguyên vật liệu và linh kiện);

+ Các ngành mềm (thiết kế sản phẩm, mua sắm và marketing quốc tế, viễn thông, vận tải, năng lượng, cấp nước, v.v.);

+ Các ngành phục vụ nhu cầu nội địa (thép, hóa chất, nhựa, giấy, xi-măng, v.v. Những ngành này cần đầu tư một phần chứ không phải 100% nội địa và cần được đánh giá kỹ lưỡng về chi phí và khả năng cạnh tranh)".

Trong quá khứ, các nước đang phát triển đã sử dụng thuế cao, lệnh cấm nhập khẩu và quota, phân biệt đối xử về thuế, yêu cầu về nội địa hóa và các biện pháp phân biệt khác để thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhưng theo các chế định WTO và khu vực mậu dịch tự do, các biện pháp này không còn được phép áp dụng. Việt Nam phải sử dụng những biện pháp nhất quán với (hoặc ít ra là chấp nhận được trong điều kiện phải thực hiện) các cam kết quốc tế.

Vì vậy, theo tôi, đầu tư công cộng nên hướng vào việc hỗ trợ gián tiếp các ngành công nghiệp, hỗ trợ thông qua xây dựng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Ngay cả một nền kinh tế đang phát triển thực hiện mở cửa tích cực, cũng có rất nhiều nhiệm vụ mà Chính phủ phải thực hiện. Thực tế là, trong nền kinh tế thị trường ở những nước kém phát triển, công nghiệp hóa không thể tiến hành thuận lợi nếu các nhiệm vụ đó không được thực hiện. Ở đây, chúng tôi xin đề nghị Chính phủ chú ý những nhiệm vụ sau:

a) Thể hiện rõ ràng phương hướng chiến lược thông qua các quy hoạch tổng thể để tăng thêm tự tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

b) Tạo ra mối quan hệ mới giữa Chính phủ và doanh nghiệp phù hợp với nền kinh tế thị trường. Mối quan hệ đó phải dựa trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi hơn là báo cáo có tính hình thức. Tuy nhiên, mối quan hệ đó cũng không nên biến thành quan hệ câu kết.

c) Ðưa ra một chiến dịch quảng bá đất nước hữu hiệu để thu hút một khối lượng FDI lớn. Chiến dịch này cần được thực hiện cùng với những nỗ lực nghiêm túc để giảm chi phí kinh doanh tại Việt Nam.

Việt Nam phải đẩy mạnh những ngành công nghiệp có lợi thế so sánh động. Theo tôi, năm ngành công nghiệp hứa hẹn là những ngành công nghiệp mũi nhọn có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong vòng năm đến mười năm tới là: Ðiện tử, may mặc, giày dép, chế biến thực phẩm và phần mềm. Ðây là những ngành công nghiệp hướng tới xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động có tay nghề cao đã đạt được một mức cạnh tranh quốc tế nhất định. Tuy nhiên, quản lý sản xuất, ma-két-tinh hay kết hợp sản phẩm trong các ngành này còn quá xa tiềm năng. Những ngành này phải được phát triển hơn và phát triển đến mức hoàn thiện để đạt được chất lượng cao nhất và trở thành nguồn cung cấp đáng tin cậy cho thị trường thế giới.

Trong số các yếu tố đầu vào công nghiệp, các nguyên liệu cơ bản như thép, các sản phẩm hóa dầu (bao gồm cả nhựa PVC và phân bón), sợi dệt, xi-măng, giấy và những nguyên liệu tương tự nên được phân tích tách biệt với các phụ tùng và quy trình sử dụng trong sản xuất theo kiểu lắp ráp. Ðây là những ngành công nghiệp nguyên liệu đòi hỏi nhiều vốn, thuộc loại thay thế nhập khẩu mà việc khuyến khích phát triển đòi hỏi phải tính toán thận trọng. Không nên khước từ việc khuyến khích phát triển các ngành này nữa, quan điểm cho rằng cần có các ngành công nghiệp nặng để tăng chiều sâu của cơ cấu công nghiệp và giải tỏa áp lực cán cân thanh toán khi thu nhập tiếp tục tăng nhanh ngày càng có lý. Tuy nhiên, các ngành này nên được phát triển một cách có chọn lọc và tùy theo điều kiện, thay vì phát triển theo chiều rộng, bằng mọi giá, do có nhiều rủi ro tiềm tàng.

Việc thu hút đầu tư không nên dàn đều. Nếu các công viên công nghiệp được chỉ định ở các vùng sâu, vùng xa, thì sẽ ít công ty sản xuất đến đó. Các vùng sâu, vùng xa nên được hỗ trợ thỏa đáng theo cách khác, hiệu quả hơn.

PGS, TS NGUYỄN ÐỨC KHIỂN