Truyền thống đoàn kết yêu nước và ý chí dân tộc độc lập, Tổ quốc thống nhất đã được thể hiện trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam và đặc biệt vào những ngày nhân dân ta giành chính quyền và lập Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ðoàn kết, yêu nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam và đã được nhân lên gấp bội trong thời đại Hồ Chí Minh do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Truyền thống ấy gắn liền với ý chí dân tộc độc lập, Tổ quốc thống nhất như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một...".
Truyền thống đoàn kết yêu nước và ý chí dân tộc độc lập, Tổ quốc thống nhất đó đã được thể hiện trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam và đặc biệt vào những ngày nhân dân ta giành chính quyền và lập Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thực hiện Sắc lệnh số 14/SL ngày 8-9-1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 của nhân dân cả nước đã bầu Quốc hội, cơ quan quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp. Quốc hội Việt Nam là hình ảnh của khối đoàn kết dân tộc thống nhất của ba miền bắc, trung, nam, của các đảng phái dân chủ, các giới đồng bào, các nhân sĩ trí thức, các dân tộc thiểu số, các tôn giáo trong cả nước.
Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lập ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thông qua bản Hiến pháp (1946) là thành quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trong gần chín thập kỷ, đặc biệt là 15 năm đấu tranh dưới ngọn cờ độc lập tự do của Ðảng Cộng sản, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là hiện thực sinh động về thể chế Nhà nước cộng hòa dân chủ, một loại hình Nhà nước pháp quyền cách mạng ra đời ở một nước vốn là thuộc địa vừa mới tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Quốc hội ra đời là bước trưởng thành mới của Nhà nước cách mạng Việt Nam, làm tăng thêm uy tín nước cộng hòa trẻ tuổi ở trong nước và trên thế giới. Tổng tuyển cử thắng lợi làm tăng thêm niềm tin và phấn khởi của nhân dân ta hướng tới kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, để thành lập Chính phủ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chưa chịu thất bại, Việt quốc và Việt cách tiếp tục tìm mọi cách phá hoại thành quả cách mạng. Ở miền nam, cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp lan rộng. Ðảng và Chính phủ đã cố gắng hoàn tất mọi công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất Quốc hội một cách khẩn trương chu đáo, đồng thời tránh bất cứ một sơ hở nào để kẻ thù có thể lợi dụng xuyên tạc.
Ðứng trước tình hình khẩn trương căng thẳng, để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội và tạo không khí hòa hoãn, ngày 25-2-1946 sau nhiều lần thương lượng, hội nghị liên tịch bốn đảng phái chính trị (Việt Minh, Dân chủ, Việt quốc, Việt cách) đã ra nghị quyết thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Ngày 2-3-1946 Quốc hội họp, thảo luận và đã thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm 12 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch và các thành phần đại diện cho các đảng phái, các trí thức, nhân sĩ yêu nước.
Quốc hội quyết định thành lập Cố vấn đoàn do Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy đảm nhiệm. Kháng chiến ủy viên hội do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Vũ Hồng Khanh làm Phó Chủ tịch. Chính phủ liên hiệp kháng chiến có nhiệm vụ thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của quốc dân về phương diện quân sự, tuyên truyền cũng như về phương diện hành chính tư pháp, tổng động viên nhân lực và tài sản của quốc gia theo yêu cầu của đất nước, để đưa kháng chiến đến thắng lợi và nước nhà đến độc lập hoàn toàn.
Hoạt động của Quốc hội và Chính phủ liên hiệp kháng chiến từ tháng 3 đến cuối tháng 10-1946 đã đưa đất nước vượt qua được mọi hiểm nghèo. Chính quyền cách mạng được giữ vững. Khối liên hiệp quốc dân được củng cố và mở rộng. Cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên. Nhiệm vụ xây dựng nước nhà và bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc là vô cùng nặng nề trước âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Trong bối cảnh đó kỳ họp thứ hai của Quốc hội đã được triệu tập từ ngày 28-10 đến 9-11-1946, và vào ngày 3-11-1946, Quốc hội đã biểu quyết danh sách Chính phủ mới gồm 14 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ðây là một Chính phủ tỏ rõ "tinh thần liên hiệp", chú trọng thực tế và sự nỗ lực làm việc để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới. Từ ngày 19-12-1946 trở đi kháng chiến đã diễn ra trong toàn quốc. Thành phần của Chính phủ cũng đã có sự thay đổi cho phù hợp yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến. Một số nhân sĩ, trí thức đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ một số ghế trong Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện sự liên hiệp quốc dân rộng rãi hơn. Các ông: Hoàng Minh Giám giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phan Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tạ Quang Bửu giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ðặng Văn Hướng giữ chức Bộ trưởng không bộ... Trong tiến trình kháng chiến, bộ máy chính quyền các cấp dần dần được xây dựng, củng cố và kiện toàn.
Chính quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính quyền dân chủ, chính quyền của nhân dân, nghĩa là của công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc và các thân sĩ (địa chủ) yêu nước và tiến bộ... Chính quyền đó dựa vào Mặt trận dân tộc thống nhất, lấy liên minh công nhân, nông dân và trí thức làm nền tảng và do Ðảng Cộng sản lãnh đạo... Cơ quan chính quyền tối cao toàn quốc là Quốc hội và Hội đồng Chính phủ mang bản chất là một chính quyền nhân dân rộng rãi, phản ánh sự liên hiệp đại đoàn kết dân tộc của tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân ái quốc và dân chủ, chiến đấu vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất.
Kỳ họp thứ hai của Quốc hội cũng đã thông qua bản Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản hiến pháp đó đã nêu cao tinh thần đoàn kết chặt chẽ dân tộc và công bằng của các giai cấp. Hiến pháp đã quy định Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cơ quan hành chính cao nhất trong toàn quốc. Chính phủ gồm có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Nội các. Nội các có Thủ tướng. Chính phủ có quyền: thi hành các đạo luật; đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện; đề nghị những dự án sắc luật trước Ban Thường vụ, trong lúc Nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt; thi hành Luật động viên và mọi phương sách cần thiết để giữ gìn đất nước; lập dự án ngân sách hằng năm.
Quốc hội đã chuẩn y bản Quyết nghị ủy nhiệm cho Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ thi hành Hiến pháp.
Từ Quốc dân Ðại hội Tân Trào lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng đến Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6-1-1946) lập ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến (2-3-1946), thông qua bản Hiến pháp (9-11-1946) đã đánh dấu sự trưởng thành của nhà nước cách mạng, của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền trong toàn quốc do toàn dân bầu lên, hoàn toàn có đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại, một nhà nước hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được nhân dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến và kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chính quyền cách mạng được củng cố, xây dựng thống nhất và vững mạnh trong toàn quốc, là một nhân tố quyết định đưa nước nhà vượt qua tình thế vô cùng hiểm nghèo trong năm 1945 - 1946 dẫn đến kháng chiến và kiến quốc đến thành công.
Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận dân tộc thống nhất, các đoàn thể quần chúng, các đảng phái cách mạng và dân chủ - Ðảng Cộng sản, Ðảng Dân chủ, Ðảng Xã hội... là hệ thống chính trị của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hệ thống chính trị đó là sản phẩm khách quan của những điều kiện lịch sử, chính trị, của quá trình sàng lọc trong cuộc đấu tranh dân tộc quyết liệt của nhân dân ta tạo nên. Bản chất và đặc điểm của hệ thống chính trị đó đã loại trừ được phân ly, chia rẽ và đối lập giai cấp, đảng phái, tạo nên một khối đoàn kết thống nhất vững chắc, một sức mạnh cách mạng tập trung, sức mạnh dân tộc để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược lớn mạnh, đưa cuộc cách mạng và kháng chiến của dân tộc đến thắng lợi vẻ vang.
Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ khi ra đời đã thể hiện rõ là một bộ phận trong hệ thống chính trị thống nhất của nước ta, là một Quốc hội dân tộc thống nhất do Ðảng Cộng sản lãnh đạo, phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Như diễn văn bế mạc của cụ Tôn Ðức Thắng tại khóa họp thứ hai của Quốc hội, ngày 9-11-1946 đã nói: "Nếu có ai có thành kiến của giai cấp, của đảng phái, của tôn giáo thì đến trong phòng này... cũng đã để lòng nghe theo một tiếng gọi cao cả và thiêng liêng hơn cả bấy nhiêu tiếng gọi lúc thường: tiếng gọi của Tổ quốc. Cái không khí ấy đã hoàn toàn phản chiếu được tình trạng chung của đất nước..., tình trạng thống nhất ý chí và hành động...". Tổ quốc trên hết! Ðoàn kết, đại đoàn kết! Không phân biệt đảng phái! Ðó là ý chí cơ bản của Quốc hội theo ngọn cờ thống nhất quốc gia dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở vào thời điểm chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, trước những thử thách gay go và cấp bách, Ðảng ta đã quyết đoán việc "nhân nhượng", "thỏa hiệp", "hòa để tiến" là thể hiện sách lược mềm dẻo, linh hoạt trên cơ sở giữ vững nguyên tắc "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" đã góp phần thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến và bảo vệ chính quyền cách mạng. Ðây không những là thắng lợi to lớn về chính trị, phá tan âm mưu của địch hòng chia rẽ, phá hoại bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ, mà còn là thắng lợi của sự nghiệp đoàn kết thống nhất dân tộc.
LÊ TRUYỀN Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam
|