Tấn công tham nhũng không thể dàn trải
Các Website khác - 28/11/2005
Viện trưởng KSND tối cao Hà Mạnh Trí.

Để tấn công hiệu quả nạn tham nhũng đang xảy ra nhiều nơi, Viện trưởng Viện KSND tối cao Hà Mạnh Trí cho rằng, cần tập trung vào một số lĩnh vực, không thể đấu tranh dàn trải. Ông đã trao đổi với phóng viên.

- Luật phòng chống tham nhũng được Quốc hội thông qua có đề cập đến việc thành lập Ban chỉ đạo trung ương chống tham nhũng. Vậy theo ông, cần phải xây dựng cơ chế hoạt động ban này như thế nào để tránh tính hình thức?

- Theo tôi ít nhất Ban chỉ đạo phải có 3 nhiệm vụ. Tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung vào một số lĩnh vực, không thể làm dàn trải. Từ tin báo của nhân dân, Ban chỉ đạo sẽ tập trung điều phối các lực lượng Thanh tra, toà án trong một thời điểm cụ thể.

Nhiệm vụ thứ 2 là ban này phải phối hợp với các cơ quan tư pháp làm một số vụ án cụ thể. Chúng ta biết chủ thể tham nhũng vừa là đảng viên, vừa là cán bộ thì cùng lúc phải tập trung lực lượng để yêu cầu làm các thủ tục. Nếu liên quan đến đất đai thì phải thanh tra đất đai. Có những việc cụ thể liên quan đến quân đội thì Ban chỉ đạo phải đề nghị Bộ Quốc phòng vào cuộc.

Tại buổi góp ý cho dự thảo luật chống tham nhũng, nhiều đại biểu cũng có ý kiến là thông qua các vụ án tham nhũng các cơ quan phải kiến nghị biện pháp ngăn ngừa. Tức là tìm ra những sơ hở về mặt pháp luật, từ đó kiến nghị sửa đổi để bịt những sơ hở đó. Đây chính là nhiệm vụ thứ 3 của Ban chỉ đạo. Lâu nay, chúng ta vẫn tách rời 3 nhiệm vụ này.

- Thực tế là thời gian qua, đội ngũ chống tham nhũng của ta không phải là mỏng nhưng hiệu quả chưa cao. Theo ông, nguyên nhân là ở đâu?

- Phát biểu trước Quốc hội tôi cũng đã đề nghị phải có chính sách đãi ngộ thoả đáng hơn đối với những người trực tiếp điều tra, truy tố, xét xử tham nhũng. Nếu giao nhiệm vụ cho họ thì phải tăng cường biên chế, có chế độ riêng. Đấu tranh chống tham nhũng công việc nhiều, tiêu hao về mặt sức lực, quan hệ cũng bị hạn chế. Thời gian qua, tôi có dịp làm việc với Cục trưởng chống tham nhũng Malaysia. Ông ấy kể, không có bạn bè vì không ai chơi với những anh chống tham nhũng. Hằng ngày, ông ấy đi xe về nhà theo quy luật khác nhau vì luôn luôn sợ bị thủ tiêu. Nói vậy để thấy cuộc chiến chống tham nhũng rất gay go, người trong cuộc phải hy sinh rất nhiều.

- Mặc dù Chính phủ luôn bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng. Nhưng dưới góc độ của người đứng đầu cơ quan kiểm sát, ông nhận định thế nào về công tác truy tố loại tội phạm này?

- Gần đây chúng ta đã phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử những vụ tham nhũng lớn. Nhưng có thể nói rằng, trong tình hình tham nhũng hiện nay thì số vụ tham nhũng bị truy tố vừa qua chưa đáp ứng nhu cầu. Luật phòng chống tham nhũng được QH thông qua kỳ này có khá nhiều điểm mới. Đáng chú ý là việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống tham nhũng và quy định rõ lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống tham nhũng nằm trong các cơ quan thanh tra, viện kiểm sát, công an. Đây là cơ sở để công tác chống tham nhũng thời gian tới sẽ tốt hơn.

- Tham nhũng là tội phạm liên quan đến những người có chức có quyền, khi xử lý những vụ việc tham nhũng, ông gặp những khó khăn gì?

- Những người có chức, có quyền thường là những người có trình độ, nên không dễ phát hiện hành vi phạm tội. Thứ hai, những tội tham nhũng thường có sự móc ngoặc giữa người bên trong cơ quan nhà nước và người bên ngoài. Nhiều vụ án tham nhũng lớn chúng tôi vừa phát hiện có sự móc nối trên phạm vi rộng, nên việc điều tra rất khó khăn. Một khó khăn nữa là sự chống đối của lực lượng tham nhũng.

- Trong phiên khai mạc kỳ họp này, Thủ tướng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát với hoạt động tư pháp, tố tụng. Vậy có thể hiểu hoạt động của các cơ quan tư pháp còn có vấn đề?

- Tôi hiểu ý Thủ tướng là trong công tác điều tra, xét xử có những nơi làm chưa chặt chẽ. Cho nên Thủ tướng đặt vấn đề là phải có sự phối hợp giữa cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan tư pháp và Quốc hội để việc phát hiện, xét xử đạt kết quả cao hơn.

* Ý kiến của bạn?

Việt Anh thực hiện