Các bác sĩ ở BV Nhiệt đới TPHCM thừa nhận họ tìm thấy thêm chứng cứ về việc virus H5N1 có thể biến đổi nhanh thành dạng đủ để kháng lại Tamiflu.
Kết luận trên được đưa ra trên cơ sở tìm hiểu 4 trong số 8 ca bệnh nhân tử vong do virus H5N1 dù được dùng Tamiflu. Các thí nghiệm được các bác sỹ Việt Nam ở Phòng Nghiên cứu Lâm sàng của HCMHTD kết hợp với các chuyên gia nước ngoài tiến hành.
Theo BS Menno de Jong (Đại học Oxford, Anh), thành viên trong nhóm nghiên cứu quốc tế, ít nhất hai trong số bệnh nhân dùng thuốc Tamiflu cho kết quả kháng thuốc rõ rệt cho dù hai bệnh nhân được điều trị kịp thời với liều lượng và thời gian phù hợp với phác đồ mà Bộ Y tế Việt Nam ban hành (chủ yếu dựa trên cơ sở phác đồ của Tổ chức Y tế Thế giới).
Trước đó, một bé gái 14 tuổi người Việt Nam cũng cho thấy dấu hiệu kháng thuốc Tamiflu mặc dù bệnh nhi này không tử vong. Xét nghiệm virus H5N1 còn trong cơ thể bệnh nhi, người ta thấy chúng tỏ ra nhờn thực sự với Tamiflu.
Tuy nhiên, một bài đăng trên tạp chí khoa học New England Journal of Medicine mới đây và được các hãng tin BBC, CNN, và Reuters trích thuật, lại cho rằng cần có nghiên cứu thêm nữa bởi cỡ mẫu còn quá nhỏ. Trong số 138 người nhiễm virus H5N1 trên toàn thế giới từ năm 2003 đến nay với 71 người tử vong, tổng cộng mới có 31 người được điều trị bằng Tamiflu.
Bất chấp con số quá nhỏ, BS Anne Moscona, chuyên gia về các bệnh virus nhi, Đại học Cornell, New York, Mỹ, vẫn cảnh báo: “Ngày càng rõ ràng rằng, để điều trị cúm gà bằng các chất ức chế neuraminidase như Tamiflu, chúng ta cần phải tăng thêm liều và kéo dài ngày điều trị”.
Sóc Trăng: Một giáo viên chết nghi nhiễm H5N1 |
Thầy giáo H.T.U dạy tại trường tiểu học Vĩnh Qưới 1, thuộc xã Vĩnh Qưới (Ngã Năm, Sóc Trăng) tử vong vào chiều ngày 21/12. Trường hợp này đã được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu dự đoán nhiễm cúm gia cầm. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng thì bệnh nhân này vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu ngày 19/12, nhưng sau 3 ngày điều trị đã suy hô hấp quá nặng và chết trên đường chuyển lên tuyến trên. Điều tra ban đầu cho thấy nhà nạn nhân có nuôi rất nhiều gà chọi. (Thiên Phước) |
Không rõ có phải lo ngại nguy cơ khan hiếm Tamiflu hay còn có lý do nào khác mà, thời gian gần đây, ngày càng nhiều ý kiến đánh giá cao tác dụng của Relenza gần như không thua kém Tamiflu. “Relenza có tác dụng kháng virus H5N1 tốt không kém Tamiflu”, một bác sỹ ở Bệnh viện Nhiệt đới Hà Nội nói mặc dù ông thừa nhận dùng Relenza khó hơn so với Tamiflu vốn chỉ uống cái là xong.
Relenza được đưa vào cơ thể bệnh nhân theo đường thở, hít hoặc xông thuốc. Cách đó gây trở ngại nhiều cho bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp như hen chẳng hạn. Hơn nữa, người ta cũng không chắc Relenza có thể “quá cảnh” qua phổi một cách nhanh chóng để kịp đến các nội tạng khác trong cơ thể hay không.
Sản xuất Tamiflu ở Việt Nam không dễ dàng
Các quốc gia trong đó có Việt Nam ưa Tamiflu hơn Relenza với lý do đơn giản là loại thứ nhất hiệu quả hơn loại thứ hai. Bởi thế, các kho dự trữ chủ yếu loại thứ nhất. Roche đang khẩn trương cấp phép sản xuất Tamiflu cho một số nước để đảm bảo số liều ra lò đến năm 2007 vào khoảng 600 triệu.
Tại Việt Nam, sau khi ký được thỏa thuận về nguyên tắc với đại diện Roche ở Việt Nam, Bộ Y tế gần như dốc toàn lực ngành dược để bắt tay vào khâu chuẩn bị. Nhiều việc liên quan đến thủ tục đã được giải quyết sớm song trở ngại lớn nhất là công nghệ và nguyên liệu. Cả hai yếu tố này chúng ta có nguy cơ chậm trễ và thiếu chủ động.
Về nguyên tắc, một trong số các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế của ta sau khi được chuyên gia Roche trực tiếp kiểm tra sẽ được ủy quyền sản xuất thuốc. Song điều đó không có nghĩa là có thể bắt tay vào sản xuất ngay được mà phải cần bổ sung một số thiết bị đắt tiền phục vụ cho khâu bào chế cực kỳ phức tạp.
Về nguyên liệu, chúng ta cũng chưa chắc chủ động được dù biết, nếu mua, giá sẽ rất đắt, 200-250 USD/gram acid shikimic. Thứ acid này được chế từ nguyên liệu vốn rất sẵn có ở Việt Nam là hồi.
Đáng tiếc, cơ sở dược liệu hùng hậu nhất của Bộ y tế và Viện Dược liệu Trung ương đến nay cũng mới dừng ở quy mô phòng thí nghiệm với lượng làm ra vẻn vẹn vài chục gram. Trong khi đó, một đơn vị khác bên Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam (VAST) sản xuất ra acid shikimic với số lượng lớn hơn lại chưa hề nhận được lời mời hợp tác.
Mà nói đến hợp tác ở Việt Nam, xưa nay bao giờ cũng là quả núi khó vượt, một quan chức VAST than phiền...
QD (Tiền Phong)
▪ Những bác sĩ vì đôi mắt những người nghèo Việt Nam (24/12/2005)
▪ Nhà thờ Gỗ ở Kon Tum (24/12/2005)
▪ Một cuộc chiến khác còn tiếp tục... (24/12/2005)
▪ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm Morocco (24/12/2005)
▪ Uỷ ban T.Ư MTTQVN chúc mừng giáo dân nhân dịp Noel (24/12/2005)
▪ Nghị sĩ của nhân dân (25/12/2005)
▪ NGƯỜI & VIỆC (25/12/2005)
▪ Những kiểu xử lý kỷ luật lao động lạ đời (24/12/2005)
▪ 'Mạng nhện' giữa trời không có hồi kết (24/12/2005)
▪ Sẽ có khoảng 150.000 kiều bào về quê ăn Tết (24/12/2005)