Theo hướng cờ bay
Các Website khác - 09/10/2005

Theo hướng cờ bay

Trần Chinh Đức
Gió heo may đã về. Hà Nội tươi tắn bước vào ngày hội 51 năm giải phóng Thủ đô, càng rạo rực hơn với Thăng Long 995 tuổi. Để làm phim, chụp ảnh Hà Nội bây giờ, các ống kính phải lia từ trên máy bay một vòng rất rộng mới bao quát được hết "Thành phố vì hoà bình" duy nhất của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương này.

Có những người ở xa về, nhất là từ phương Tây, đặt chân xuống Hà Nội thường ngạc nhiên, có người còn khó chịu, vì một Hà Nội chen chúc, đôi khi ùn tắc, bụi bặm. Nhưng chỉ cần dạo quanh phố phường Hà Nội, phạm vi vành đai một thôi, sẽ thay đổi ngay cảm xúc và cái nhìn ban đầu. Bên cạnh cái nhộn nhịp của một đô thị ba bốn triệu dân là một Hà Nội thâm trầm, cổ kính với thành quách, đình chùa, khu phố cổ, với sông hồ, cổ thụ và làn gió mát từ con sông Hồng mênh mông, lúc nào cũng đỏ nặng phù sa. Nếu đi rộng ra tới các vành đai hai, ba... sẽ cảm nhận được một Hà Nội đang hiện đại hoá, vừa vươn cao, vừa khoáng đạt.

Không phải ngẫu nhiên mà trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị của Đảng về xây dựng và phát triển Hà Nội 2010-2020 đã đề ra mục tiêu: "Hà Nội là trái tim cả nước, đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế".
Điều đầu tiên, "trái tim cả nước" đã nói lên tất cả, Hà Nội là nơi để chúng ta hướng về với một niềm tin yêu, hy vọng, thương nhớ từ nghìn năm nay và mãi mãi. Quả thật, Hà Nội đang ngày một xứng đáng với niềm tin yêu ấy.

Xin dẫn vài số liệu những năm gần đây. Trong 15 năm, từ 1990 đến 2005, GDP Hà Nội tăng 5,1 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 90 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 4 lần. Chỉ tính trong 5 năm (2000-2005) đã có 2,6 tỉ USD đầu tư vào Hà Nội...

Dĩ nhiên, Hà Nội còn phải làm nhiều hơn nữa, phấn đấu vượt bậc để đạt được các mục tiêu của NQ15-BCT. Phấn đấu làm ra những cái mới đã có đà, có cơ sở. Nhưng để bảo tồn và phát huy cái vốn nghìn năm cũng là cả hành trình gian lao. Di sản văn hoá, truyền thống Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội không giống như những hiện vật đã sưu tầm được, bày trong bảo tàng để mọi người chiêm ngưỡng. Để di tích Hoàng thành Thăng Long hay rộng hơn là thành phố nghìn năm trở thành di sản thế giới như ta đang có mong ước phải đạt được những tiêu chí của UNESCO đề ra.

Đó là, như người ta vẫn nói, phải có được "tính toàn vẹn", "tính độc đáo", "tính gắn kết" và "tính quần thể" của di tích, di sản. Chừng nào chúng ta chưa bỏ công sức, tiền của ra thực hiện được các tiêu chí đó, tất nhiên là chưa có những danh hiệu đó. Qua nghìn năm biến thiên, binh lửa, Thăng Long-Hà Nội không có được những cái may mắn như Huế, Hội An, Mỹ Sơn... Nhưng chúng ta tin chắc rằng sẽ vừa xây dựng một Hà Nội hiện đại, vừa phục dựng được thành phố nghìn năm tuổi, trái tim của Việt Nam.

Khi phát hiện di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà sử học hay nói đến "trục hoàng đạo" của kinh thành, từ cửa Bắc tới Cột cờ Hà Nội. Có một quan niệm, các bậc đế vương xưa thường nhìn về hướng Nam để nghe việc thiên hạ. Nay ta nhìn về hướng Nam, theo trục Hoàng đạo là Cột cờ đang phấp phới bay lá cờ đỏ sao vàng. Ngọn cờ ra đời trong cách mạng giải phóng dân tộc và phải đổ bao máu xương suốt 75 năm qua mới gìn giữ được toàn vẹn như ngày nay. Từ trái tim tổ quốc hồng hào và đang đập rất khoẻ ta nhìn theo hướng cờ ấy, tiêu điểm ấy sẽ vững vàng bước tới tương lai!