VTC News xin gửi đến bạn đọc loạt phóng sự hấp dẫn về những tục lễ diễm tình cổ xưa của đồng bào miền núi…
Kỳ 1: Nhập hội cướp vợ
Bản MỸ Á (xã Thu Cúc, Tân Sơn, Phú Thọ) nào cũng chìm trong sương mờ, mây núi. MỸ Á như ốc đảo giữa đại ngàn quanh năm đói nghèo, lạc hậu. Thế nhưng, nơi đây còn lưu giữ một tục lệ cổ sơ rất đẹp, đó là tục “cướp vợ”.
Ốc đảo giữa rừng sâu
Bản MỸ Á chiếm 1/2 diện tích xã Thu Cúc, diện tích xã Thu Cúc bằng cả huyện Lâm Thao.
Bản MỸ Á nằm sau những dãy núi khổng lồ, sừng sững giữa trời, giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La. Người ta nói: “Một tiếng gà gáy trên đỉnh Cổng Cò cả ba tỉnh cùng nghe”.
![]() |
Chi người Mông mới có tục cướp vợ cổ xưa. |
Vượt 20 cây số đường rừng từ trung tâm xã, tôi tìm đến bản MỸ Á . 6 giờ chiều, mặt trời đã lặn xuống phía bên kia ngọn núi từ lâu, bóng tối sầm sập đến.
Có lẽ mưa to ở phía thượng nguồn nên dòng Tà Sua bỗng nhiên lồng lên dữ dội. Chú ngựa sắt chuyên leo núi của tôi cũng khó có thể “nhảy” qua được dòng nước xiết đó. Vậy là phải qua đêm ở bản. Vài ngôi nhà lèo tèo. Không quán xá, không chợ búa, không điện thắp. Thứ âm thanh duy nhất là tiếng suối chảy.
“Nhà trưởng bản ở đâu?”, chỉ có những cái lắc đầu, những nụ cười làm duyên của các cô gái, vài cái nhìn sợ sệt rồi chạy mất hút của lũ trẻ.
Khó khăn lắm tôi mới tìm được một người nói bập bõm tiếng phổ thông. Anh ta chỉ tay lên phía sườn núi Cổng Cò, ngọn núi cao gần 2 ngàn mét sừng sững giữa địa danh 3 tỉnh.
Nhà trưởng bản Sùng A Cau chơ vơ một mình bên sườn núi. Ngôi nhà làm bằng gỗ lim đã mấy chục năm vẫn còn vững chãi như thách thức với thời gian. Trưởng bản Cau mời tôi ở lại qua đêm, anh nói tiếng kinh khá sõi.
Bản Mỹ Á có 54 hộ với 400 cư dân sống rải rác trên sườn núi. 100% là người Mông, sống như một thế giới biệt lập, tự cung tự cấp, hầu như không giao lưu, buôn bán với bên ngoài. Trong số 400 cư dân chỉ có Cau và một vài cán bộ bản biết nói tiếng kinh.
Nhà trưởng bản rộng thênh thang nhưng đồ đạc thì bừa bãi khắp nơi, bếp lửa cháy bập bùng giữa nhà. Trưởng bản mới 34 tuổi, vợ là Giàng Thị Dua 33 tuổi mà đã có 8 đứa con, dâu rể đủ cả.
Con trai và con dâu sống trong một căn buồng nhỏ được ngăn ra bởi những tấm gỗ mỏng. Sùng A Làng mới 16 tuổi, song đã lấy vợ được 3 năm. Vợ là Hờ Thị Nhà, hơn Làng 4 tuổi.
Nhà trưởng bản Cau tại bản Mỹ Á. Bản Mỹ Á vẫn còn giữ được nhiều phong tục cổ do ánh sáng văn minh chưa mon men đến. |
Sau bữa cơm tối đạm bạc chỉ có cá khô, ít bí xào và chai rượu ngô to vật vã, tôi ngồi trò chuyện với Làng qua sự phiên dịch của A Cau.
“Sao lấy vợ sớm thế?”- tôi hỏi Làng. “Chi mông cở đỡ dúa pù” (không đi học thì lấy vợ thôi). “Lấy vợ sớm có thích không?”, “Dúa pù dũ thì chỏ nhẻ” (lấy vợ sớm thì khổ lắm). “Biết là khổ sao vẫn lấy sớm?”, “Mông y lò ô lê, chì pâu va chè. Nhả cả đớ là trỏ nhẻ” (Phong tục nó thế rồi, chẳng làm sao được. Thích đi học lắm nhưng nhà nghèo không có tiền).
Cái lý do nhà nghèo, không có tiền đi học là chính đáng với tất cả những cô bé, cậu bé nơi đây. Cuộc đời chúng chỉ nằm trong vòng luẩn quẩn sinh ra – lấy vợ, lấy chồng – “sản xuất” con cái. Nghèo đói, dốt nát và hủ tục như cái vòng kim cô muôn đời muôn kiếp, mãi là đám mây mờ trên bầu trời chẳng bao giờ tan hết, cũng như người dân MỸ Á chẳng bao giờ thoát ra được cái thung lũng tối tăm, đói khát ấy.
Cuộc trò chuyện còn dang dở thì Làng xin phép được đi chơi. Cau bảo rằng nó đi “quân sư” cho thằng Vàng A Chứ để “cướp vợ” ấy mà.
Lúc đó tôi mới ngỡ ngàng, tưởng rằng tục “cướp vợ” chỉ còn trong truyền thuyết của người Mông, ấy thế mà nó vẫn còn tồn tại nguyên vẹn ở nơi đây. Tôi nhờ Cau nói với Làng rằng cho tôi đi “cướp vợ” với. Làng băn khoăn một lát rồi gật đầu đồng ý.
Tôi quả phục sát đất chàng trai có cái tên Sùng A Làng, con ông trưởng bản ở Mỹ Á. Cả bản Mỹ Á này đều phục Làng, bởi vì mới 13 tuổi mà đã cướp được cô gái 17 tuổi xinh nhất bản về làm vợ.
Tôi đi cùng với Làng mà chẳng biết nói gì, hỏi gì, bởi một chữ phổ thông bẻ đôi Làng cũng không biết.
Làng dẫn tôi vào ngôi trường điểm xập xệ bên con suối Tà Sua gặp thầy Thủy, thầy Chung là người kinh lên đây dạy học cho bọn trẻ từ mấy năm nay.
![]() |
Những thiếu nữ Mông này có thể bị đám thanh niên cướp về làm vợ bất cứ lúc nào. |
Thầy Thủy đồng ý ngay, thầy bảo rằng tục cướp vợ vẫn được bảo lưu rất nguyên vẹn ở đây. Người Mông ở Mỹ Á di cư từ Yên Bái xuống đây từ hồi chiến tranh biên giới, đã mấy chục năm nay mà văn minh vẫn chưa về đến, nên cái tục lạ này cũng chưa bị ánh sáng văn minh xóa mất.
Cả bản xưa nay không ai được học cấp hai. Bọn trẻ không nói được tiếng kinh, hai thầy đành phải học tiếng Mông mới dạy được chúng. Đang giờ học chúng cũng bỏ lên nương tỉa bắp. Ngày thi, thầy phải lên nương tìm học trò chứ chẳng có bài thi để chấm. Tốt nghiệp tiểu học thì bọn trẻ nghỉ cả, bởi trường cấp 2 cách bản 20 cây số thì làm sao đi học được.
Cuốc bộ chừng nửa tiếng thì chúng tôi tìm đến nhà A Chứ. Lúc này đã có mấy cậu độ 15, 16 tuổi đứng ở ven đường để chờ Làng. Làng là người đã có vợ nên chắc chắn là có kinh nghiệm nhiều lắm rồi.
Mấy cậu trao đổi với nhau bằng tiếng Mông. Thầy Thuỷ cũng trò chuyện bằng tiếng Mông với đám thanh niên như chính thầy là người Mông vậy.
Thầy giải thích rằng, bọn chúng đang bàn xem cướp cái Hờ Thị Mỷ trước hay cướp cái Hờ Thị So. Nhà cái So ở đầu bản, đi bộ cũng mất tới gần 20 phút, còn nhà cái Mỷ thì ở mãi bên kia sườn núi, đi nhanh cũng phải 40 phút. Bàn một lát rồi cả đám thống nhất đến nhà cái So.
Còn nữa...
Quỳnh Linh
▪ Cận cảnh xì tin ăn mặc kiểu "chuyển giới" (01/12/2008)
▪ Nhiệt độ Sa Pa xuống còn 1 độ C (29/11/2008)
▪ Những "cư xử đặc biệt" của Tổng thống Venezuela với đoàn VN (29/11/2008)
▪ 33 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ (29/11/2008)
▪ Chống tham nhũng: "Cá bé bị bắt, cá to lại lọt lưới"? (29/11/2008)
▪ Đình chỉ trường mầm non đánh chửi trẻ (29/11/2008)
▪ QH "đòi" kết quả tiêu huỷ sữa "bẩn" cuối tuần sau (29/11/2008)
▪ Sát thủ áo trắng (29/11/2008)
▪ Nghe Quốc ca VN ở Venezuela, chuyện giờ mới kể (28/11/2008)
▪ Hà Nội: Cháy cây xăng dầu Quân đội (28/11/2008)