"Thi" để chọn cán bộ
Các Website khác - 20/05/2006
"Thi" để chọn cán bộ
Lê Thanh Phong

Tại diễn đàn Quốc hội, một đại biểu đã đưa ra một khái niệm rất mới: "Thi" để chọn cán bộ. Ông cho rằng, đã đến lúc việc chọn và bổ nhiệm cán bộ phải được thực hiện công khai, có đề án thi cử, có thời gian làm thử việc và được bỏ phiếu tín nhiệm. Đã là "thi" tất không phải chỉ định, không phải độc quyền mà nhiều người cùng tham gia, ai tài giỏi hơn thì thắng. Có đại biểu còn đặt thẳng vấn đề rằng, ngay trong kỳ họp Quốc hội này, về nhân sự phải để cho đại biểu Quốc hội lựa chọn theo quy trình thăm dò, thảo luận và bỏ phiếu bầu.

Có đại biểu nói rằng, về đề bạt nhân sự thì người có thẩm quyền đôi khi không biết rõ mà tiếp nhận qua hồ sơ hoặc qua cán bộ làm công tác tổ chức. Có không ít trường hợp, vai trò của tập thể bị hợp thức hoá bằng ý đồ của một số cá nhân. Để xoá bỏ cơ chế tuyển chọn theo ý chí của một nhóm người này, ngoài nguồn do cấp ủy Đảng giới thiệu, có nguồn tự ứng cử, giới thiệu của Mặt trận và các đoàn thể. Các ứng cử viên phải có chương trình hành động, có đối thoại tranh luận với các ứng cử viên khác, phải trả lời các câu hỏi trước khi các thành viên có trách nhiệm xem xét bầu, phê chuẩn, đề bạt, bổ nhiệm.

Tuyển chọn người hiền tài để lãnh đạo đất nước không phải là việc riêng của một ai, một nhóm người nào mà là việc của nước nhà, của nhân dân. Mà nhân dân đã có đại diện là các đại biểu Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Vì thế, nếu Quốc hội không làm được việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo có tài có đức thì Quốc hội không làm tròn trách nhiệm của nhân dân giao phó.

Mấy chục năm qua, nước ta gần như không có trường hợp người ứng cử chức vụ lãnh đạo đưa ra chương trình hành động, trình bày sách lược và tranh luận với ứng cử viên khác, qua đó các chủ thể khác đánh giá được tài năng, tư duy cũng như tấm lòng của từng ứng cử viên để tuyển chọn chính xác, công bằng và minh bạch. Nay, với sự đòi hỏi của thời cuộc, đã đến lúc phải thay đổi tiền lệ đó rồi.