Phú quý giật lùi!
Các Website khác - 19/05/2006

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Phú quý giật lùi!


Đình Chúc
Một bước lùi", "phi thực tế", "chuyện bi hài", "vô tâm, vô cảm"... Đó là những phản ứng tuy gay gắt nhưng chính đáng của dư luận trong mấy ngày nay, khi dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân dự kiến đưa mức thu nhập khởi điểm chịu thuế từ 5 triệu đồng/tháng (đã áp dụng từ 3 năm trước) xuống 3 triệu đồng/tháng (dự kiến áp dụng sau 2 năm nữa). Không cần lý luận cao siêu, chỉ cần nhìn vào hai con số (con số cao thực thi ở thời quá khứ và con số thấp áp dụng ở thời tương lai) đủ biết "phú quý giật lùi" đến mức nào!

Nhưng các nhà làm luật thì phản ứng: Luật trước là thuế thu nhập cao, còn luật này là thu nhập cá nhân, hai luật khác nhau về bản chất. Đúng là như vậy, nhưng các nhà phân tích lại có thể chỉ ra ngay sự vô lý từ chính cái tên gọi này. Nếu đã là thuế thu nhập cá nhân (theo như luật tây) thì bất cứ ai và bất cứ phát sinh nguồn thu nhập nào, dù chỉ là một xu cũng phải chịu thuế. Vậy mà tại sao "luật ta" lại chỉ quy định từ 3 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế? Như thế chả phải thực chất của cái luật này vẫn là đánh vào người có thu nhập... cao đó sao? Vô lý này kéo theo cái vô lý thứ hai.

Cách đây 3 năm, 5 triệu đồng mới được coi là mức khởi điểm của thu nhập cao. Vậy mà sau 3 năm, sau khi trượt giá tiêu dùng khoảng hơn 20%, khi mà xăng dầu, sắt thép, vàng bạc... đều tăng lên gấp đôi, gấp ba, một mặt bằng giá mới được hình thành thì người ta lại dự kiến hạ cái ngưỡng "cao" kia xuống mức 3 triệu đồng.

Nhưng chưa hết, mức 3 triệu đồng này không để áp dụng cho ngay năm 2006 này, mà theo lộ trình thì phải đến đầu năm 2008 mới áp dụng. Một bộ luật ban hành cho 5- 10 năm sau mà đưa ra một xuất phát điểm chịu thuế thu nhập cao có chưa đầy 200USD/tháng, thử hỏi tầm nhìn của các nhà làm luật như thế nào? Ấy là chưa kể, với đà trượt giá vào cỡ 8-9%/năm, sức chi trả các dịch vụ, sinh hoạt ngày càng tăng, càng cao thì mức 3 triệu đồng/tháng vào năm 2008 sẽ còn bao nhiêu sức mua thực tế?

Hoàn toàn đồng ý là khi hội nhập, những thông lệ quốc tế sẽ phải dần đưa vào thực hiện. Và tinh thần cơ bản của Luật Thuế thu nhập cá nhân thể hiện xu thế đó. Song, cần nhớ rằng, trong tất cả các diễn đàn đàm phán quốc tế, chúng ta luôn lưu ý đến một thực tế: VN đang là nước nghèo, rất cần lộ trình cần thiết để phát triển. Bởi vậy, một chính sách ban hành phải phù hợp với thực tế, càng phải tính đến một lộ trình phù hợp.

Nếu chúng ta có một hệ thống luật pháp minh bạch cũng như tất cả mọi công dân đều tuân thủ nó một cách nghiêm minh? Nếu như nguồn thu nhập của cả 83 triệu dân được kiểm soát một cách minh bạch, chính xác? Và nếu như mức sống của dân ta tương đối khấm khá (có thể bằng các nước phát triển trong ASEAN)?..., thì việc áp dụng một thứ thuế gọi là thu nhập cá nhân hoàn toàn cần thiết. Tiếc thay, cả 3 cái "nếu" trên đều chưa là hiện thực. Bởi thế, việc vội vã soạn thảo ra một luật thuế như trên được người dân coi là "phi thực tế" là hoàn toàn dễ hiểu!