"Cơ chế 4 và 3"
Hà Văn Thịnh Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá XI lần này sẽ giải quyết nhiều nội dung quan trọng, trong đó dành 7 ngày để giải quyết vấn đề nhân sự. Trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đề cập đến vấn đề mâu thuẫn trong tổ chức bộ máy của cơ quan hành pháp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc Chính phủ có 3 phó thủ tướng, trong khi cấp tỉnh có đến 4 phó chủ tịch - xin tạm gọi là "Cơ chế 4 và 3". Như vậy, vấn đề "xương sống" của bộ máy hành chính vẫn là chuyện liên quan đến năng lực và phẩm chất của người lãnh đạo.
Nhìn ra nước ngoài, có những quốc gia hùng mạnh nhưng cũng chỉ có một phó tổng thống mà thôi. Rõ ràng, trong một xã hội dân chủ, việc tập trung quyền lực vào tay cá nhân không có nghĩa là bao hàm luôn cả nguy cơ thao túng quyền lực. Cách "quản lý tập thể" với nhiều chức vụ làm bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, vừa không hiệu quả vừa lãng phí. Đã có không ít bài học về "trách nhiệm tập thể" khi có sai phạm. Sự đổ lỗi, nhùng nhằng, khó giải quyết có miếng đất cực tốt, đó là cơ chế phức tạp của bộ máy. Một nhà hiền triết đã từng nói rằng, chính phủ cai trị ít nhất là chính phủ tốt nhất. "Cơ chế 3 và 4" trên đây chưa phải là giới hạn "trần". Một bệnh viện ở Hà Nội mà có đến 5 phó GĐ thì thử hỏi người dân không buồn sao được? Ngay trong trường đại học, mỗi lớp có nào là ban chấp hành, ban cán sự. Những sinh viên tham gia các ban đó cũng có "bổng lộc" như ai: Được cộng thêm điểm khi xét học bổng. Vậy là, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ta đã tạo thói quen cho nếp nghĩ của các cán bộ tương lai rằng đã là cán bộ, dù to hay nhỏ đều có bổng lộc(!).
Vậy là "Cơ chế 4 và 3" từ lâu đã tạo nên rất nhiều sự phiền hà, lãng phí. Chúng ta không sợ sự lạm quyền nếu tổ chức Đảng cơ sở làm tròn chức năng của nó; nếu người dân được quyền giám sát và phản biện thực sự; nếu lựa chọn và đề bạt cán bộ không còn bóng dáng của những ô dù toả rợp trên cao; nếu hai chữ tâm - tài thực sự hữu ích, đúng người, đúng việc. Vậy thì, đã đến lúc phải mạnh dạn thay đổi cái "Cơ chế 4 và 3". Tại sao chúng ta không thấy rằng, Ngân hàng Nhật Bản quản lý nhiều ngàn tỉ USD mà cũng chỉ có một phó GĐ mà thôi?
Lãnh đạo càng nhiều, công việc càng liên quan đến lắm sự phức tạp. Càng có nhiều người "chung lưng" thì sai phạm càng dễ đổ lỗi, càng dễ vi phạm. Bởi vì đến khi cần "đấu cật", sẽ khó tìm thấy cái cật nào là chính, cái cật nào là phụ. Đất nước ta không thiếu người tài. Suy cho đến cùng, nếu ta không muốn có "Cơ chế 4 và 3" thì ngay cả "3 và 2" cũng đã là quá nhiều. |