Thi đua trở thành động lực tinh thần to lớn góp phần xây dựng Tổ quốc
Các Website khác - 04/10/2005
Nhân dịp khai mạc Ðại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đã trả lời phỏng vấn cho biết những nét mới của Đại hội lần này.

PV:
Thưa đồng chí Phó Chủ tịch nước, Ðại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII hôm nay khai mạc tại thủ đô Hà Nội - sự kiện chính trị lớn được cả nước quan tâm. Xin đồng chí cho biết, Ðại hội lần này có gì mới so với Ðại hội lần trước?

Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Thực hiện Chỉ thị 39-CT/T.Ư của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 203/TÐKT của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư, từ đầu năm 2005, các đơn vị cơ sở trong cả nước đã tiến hành Hội nghị điển hình tiên tiến, trên cơ sở đó các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư đã tổ chức Ðại hội Thi đua yêu nước. Ðại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII là kết tinh của các phong trào thi đua đầy sáng tạo từ cơ sở trong 5 năm qua. Ðại hội lần này có nhiệm vụ đánh giá kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2001-2005; tôn vinh và biểu dương những tấm gương tiêu biểu nhất trong phong trào thi đua của nhân dân cả nước; rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng lên một tầm cao mới, góp phần quan trọng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trong giai đoạn 2006-2010.

Ðại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI là đại hội biểu dương sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc qua các phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới đất nước; Ðại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII là đại hội mở đầu thiên niên kỷ mới - thời kỳ mà toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nỗ lực phấn đấu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", sánh ngang với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ðại hội lần này quyết tâm tạo ra thế mới, đà mới, tư duy mới và phong trào hành động mới - thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. So với đại hội lần trước, đại hội lần này diễn ra trong điều kiện thuận lợi hơn: sau tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/T.Ư, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 39-CT/T.Ư chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Luật Thi đua - Khen thưởng lần đầu được Quốc hội thông qua và từng bước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi đưa công tác thi đua - khen thưởng phát triển lên một tầm cao mới. Thành phần đại biểu tham dự đại hội lần này đa dạng hơn, bao quát hết các lĩnh vực, các vùng, miền, các dân tộc, tôn giáo, các giới và các giai tầng trong xã hội; số lượng đại biểu cũng nhiều hơn, tỷ lệ đại biểu trong khối kinh tế ngoài quốc doanh, đại biểu là những tập thể nhỏ và người trực tiếp lao động sản xuất cao hơn; với 70% số đại biểu là cá nhân, 30% số đại biểu là đại diện tập thể, đã khẳng định đại hội lần này tập trung tôn vinh giá trị lao động của đông đảo những người lao động. Công tác chuẩn bị cho đại hội được tiến hành chu đáo cả về tổ chức và nội dung, đặc biệt công tác tuyên truyền được quan tâm hơn trước; vì thế, đại hội lần này sẽ diễn ra trang trọng hơn nhưng vẫn bảo đảm tiết kiệm.

PV: Thưa đồng chí Phó Chủ tịch nước, đề nghị đồng chí đánh giá về vai trò của thi đua và công tác khen thưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Thi đua yêu nước là bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN, là một phương thức vận động cách mạng rất thiết thực và hiệu quả, nhằm phát huy đến mức cao nhất năng lực và trí tuệ của mỗi người dân để tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mạnh mẽ vươn lên trong mọi giai đoạn cách mạng. Thực tiễn đã minh chứng vai trò, vị trí và tác dụng đặc biệt quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, công tác thi đua - khen thưởng có tác dụng tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra động lực tinh thần to lớn, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thực tiễn cho thấy, qua các phong trào thi đua yêu nước đầy sáng tạo của quần chúng nhân dân, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều mô hình, cách nghĩ, cách làm mới có hiệu quả kinh tế - xã hội cao trong mọi lĩnh vực. Trong đó tiêu biểu nhất là những tập thể Anh hùng, những Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến vinh dự tham gia Ðại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII.

Trong 60 năm qua, thi đua đã thật sự trở thành động lực tinh thần to lớn, góp phần quan trọng làm nên những kỳ tích vĩ đại của dân tộc ta qua các thời kỳ. Trong 5 năm tới, các phong trào thi đua sẽ tiếp tục cổ vũ, động viên toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn 2006-2010, đó là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; huy động và sử dụng mọi nguồn lực, đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh hơn. Ðến năm 2010: tổng sản phẩm trong nước GDP tăng gấp 2,1 lần so với năm 2000; mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5%-8%/năm, đồng thời nỗ lực phấn đấu cao nhất để có thể đạt trên 8%/năm".

PV: Thưa đồng chí, chúng ta cần phải làm gì để các phong trào thi đua đạt hiệu quả cao và thiết thực hơn nữa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?

Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhận thức rõ vai trò quan trọng của phong trào thi đua yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ðảng và Nhà nước ta luôn rất quan tâm đến thi đua yêu nước. Chúng ta vui mừng, phấn khởi về kết quả quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, nhưng cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, phong trào thi đua vẫn còn một số thiếu sót, khuyết điểm cần phải sớm được khắc phục. Nội dung của các phong trào thi đua trong thời gian tới được xác định là phải tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu sau: Thi đua phát triển kinh tế nhanh và bền vững; thi đua xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; thi đua giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng vững mạnh; thi đua xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng Ðảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh; thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện.

Ðể nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả thực tiễn của phong trào thi đua yêu nước, chúng ta cần phải làm tốt một số giải pháp sau đây:

- Ngay sau khi Ðại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII kết thúc, các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể phải tập trung tuyên truyền, quán triệt kết quả đại hội đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mà trước hết là đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên; đồng thời phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của đại hội. Tiếp tục tổ chức học tập, nghiên cứu, tuyên truyền sâu rộng tư tưởng Hồ Chí Minh, Chỉ thị 35-CT/T.Ư, Chỉ thị 39-CT/T.Ư của Bộ Chính trị và Luật Thi đua - Khen thưởng.

- Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể khẩn trương xây dựng và kiện toàn bộ máy chuyên trách làm công tác thi đua - khen thưởng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Trong đó cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua - khen thưởng bảo đảm ngang tầm nhiệm vụ được giao. Xây dựng bộ máy làm công tác thi đua - khen thưởng thật sự trở thành một cơ quan nghiên cứu, tham mưu đắc lực, giúp cấp ủy, chính quyền trong công tác này.

- Khẩn trương ban hành và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Thi đua - Khen thưởng để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị triển khai công tác thi đua - khen thưởng trong thời gian tới. Tăng cường phối kết hợp giữa chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong công tác thi đua - khen thưởng. Tăng cường nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về công tác thi đua - khen thưởng, đặc biệt là thi đua, khen thưởng trong cơ chế thị trường, định hướng XHCN và trong điều kiện hội nhập quốc tế.

- Trước mắt, cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua theo tinh thần Chỉ thị 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm kết thúc thắng lợi việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005) do Ðại hội Ðảng lần thứ IX đề ra, tạo thế và lực mới cho đất nước để bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010).

Chúng ta tin tưởng đồng bào, đồng chí trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài sẽ phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng, triệu người như một, nêu cao ý chí, năng động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo lời Bác Hồ kính yêu đã dạy "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất", quyết tâm đổi mới toàn diện, mạnh mẽ theo định hướng XHCN, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2006-2010), đưa nước ta vững bước tiến lên trên con đường CNH, HÐH, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch nước.

KHÔI NGUYÊN