SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Học sinh được quyền đối thoại Lê Thanh Phong Bộ GDĐT vừa ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học, thay thế quy định tạm thời về đánh giá, xếp loại học sinh lớp 1-2-3. Điểm nổi bật nhất của quy định này là tại khoản 2, điều 15 quy định rõ: "Không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ học sinh những điều chưa tốt của từng học sinh". Quy định này xuất phát từ quan điểm rằng ai cũng có những sai trái, vi phạm, nên các em học sinh có làm điều chưa tốt cũng là lẽ thường. Phê bình một học sinh công khai trước tập thể sẽ gây tổn thương sâu sắc đối với một đứa bé, và có thể mặc cảm bị sỉ nhục đó sẽ ám ảnh em suốt đời. Từ trước đến nay, trong các trường học, đã có rất nhiều trường hợp học sinh vi phạm bị nêu tên trước lớp, hoặc đưa ra trước toàn trường để phê bình là học sinh cá biệt, bêu riếu gương xấu. Nhưng chúng ta chưa thực sự cho đó là việc làm phản giáo dục. Một điểm quy định rất nhỏ đó, nhưng mang ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi nhận thức giáo dục con người. Bởi vì, quan điểm sử dụng biện pháp phê bình một cá nhân vi phạm trước tập thể tồn tại nặng nề trong xã hội, không chỉ trong môi trường giáo dục. Người bị phê bình chịu sức ép của cả một tập thể, đôi khi bị xúc phạm. Cách làm này thực sự phản tác dụng, vì người bị phê bình (dù có thực sự vi phạm) không thấy mình được thông cảm, chia sẻ, mà ngược lại, thấy mình bị tổn thương. Một người đã trưởng thành - trong trường hợp đó - còn bị tổn thương, thì ở lứa tuổi học sinh, sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Các em có thể nghĩ rằng những người chung quanh thiếu sự tha thứ, khoan dung; niềm tin của các em vào sự tốt đẹp của cuộc sống bị vơi dần. Điểm tiến bộ khác của quy định này là học sinh có quyền được giải thích về kết quả xếp loại của mình. Các em có quyền nêu ý kiến nếu như cho rằng sự đánh giá của giáo viên, của nhà trường không chính xác, thiếu công bằng đối với mình. Giáo viên, hiệu trưởng phải có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích trước những ý kiến thắc mắc của học sinh. Những người quan tâm đến giáo dục đánh giá cao về tư duy mới này đối với ngành giáo dục nước nhà. Hãy cho các em - dù ở lứa tuổi nhỏ - được quyền nói, được quyền trình bày. Thói quen suy nghĩ một chiều, tư duy xơ cứng và dễ dàng thoả hiệp trước những điều không phù hợp với nhận thức của mình có căn nguyên từ lối giáo dục thiếu "tính phản biện". Vì vậy, cho học sinh từ cấp tiểu học được quyền đối thoại là rèn luyện cho các em thói quen độc lập suy nghĩ, có chính kiến. Như vậy mới xây dựng được thế hệ tương lai của đất nước có khả năng sáng tạo trong công việc. Đó là điều cực kỳ cần thiết cho nước nhà. |
▪ Tăng trưởng phải có "lãi" (03/10/2005)
▪ Cử tri có nhiều hiến kế với Quốc hội, Nhà nước (03/10/2005)
▪ Tin Công đoàn (03/10/2005)
▪ Tiến độ tiêm vaccine phòng bệnh cho gia cầm cần nhanh hơn (03/10/2005)
▪ Thuốc Việt Nam trị u xơ tiền liệt tuyến (03/10/2005)
▪ Quên mình cứu người trong lũ (03/10/2005)
▪ Chung quanh việc xây dựng khu du lịch Bãi Cháy (03/10/2005)
▪ Bề dày lịch sử - văn hóa một thành phố trẻ (03/10/2005)
▪ Vì sao dân không chịu di dời? (03/10/2005)
▪ Hai chuyển hướng lớn (03/10/2005)