Y tế nhiều thách thức
Ở Việt Nam, trong những năm qua, nhất là sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa VII) về một số vấn đề cấp bách trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Mạng lưới y tế, nhất là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và hoàn thiện với gần 70% số xã trong cả nước có bác sĩ công tác, trong đó có 15% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; hơn 80% số thôn, bản có nhân viên y tế cộng đồng. Công tác y học dự phòng được đầu tư theo hướng dự phòng tích cực; đồng thời đầu tư phát triển ba trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và TP Hồ Chí Minh... vì vậy, đến nay chúng ta đã khống chế, đẩy lùi được các dịch bệnh nguy hiểm, bệnh mới xuất hiện như SARS, cúm A (H5N1)... nhiều kỹ thuật tiên tiến được nghiên cứu, ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị các loại bệnh nặng phức tạp. Công tác khám, chữa bệnh cho đối tượng chính sách, người dân vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn ngày càng tốt hơn. Vì vậy phần lớn các chỉ tiêu tổng quan về sức khỏe và tuổi thọ của người dân được nâng lên rõ rệt, cao hơn so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Trước những yêu cầu đổi mới của sự phát triển đất nước, hệ thống y tế Việt Nam đang bộc lộ nhiều yếu kém và thách thức. Tác động của cơ chế thị trường làm cho công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng không được quan tâm thường xuyên như trước đây và ngày càng nhiều thách thức khi thực hiện mục tiêu đầy tính nhân văn đó. Mạng lưới y tế cơ sở tuy đã từng bước được tăng cường, nhưng tại những vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất trang thiết bị đến đội ngũ cán bộ có chuyên môn thiếu trầm trọng. Tại các bệnh viện tuyến sau, áp lực, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao, lợi dụng "cung", "cầu" mất cân đối, dẫn đến ở nơi này, nơi khác vẫn còn những thầy thuốc vòi vĩnh, gây phiền hà cho người bệnh. Ðiều đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, thầy thuốc không chỉ tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn mà còn phải nâng cao y đức, tinh thần phục vụ người bệnh, thương người bệnh như thể thương thân. Thực trạng này đã được Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới chỉ rõ: Hệ thống y tế chậm đổi mới, chưa thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thay đổi cơ cấu bệnh tật; chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân; điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...
Quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế còn nhiều bất cập, một số chính sách về y tế không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi hoặc bổ sung; đầu tư của nhà nước cho y tế còn thấp, phân bổ và sử dụng nguồn lực chưa hợp lý, kém hiệu quả. Ðội ngũ cán bộ y tế còn thiếu và yếu, cơ cấu bất hợp lý. Nhiều vấn đề xã hội mới phát sinh đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân và đặt ra những thách thức lớn về bảo đảm công bằng trong khám, chữa bệnh; nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng, trong khi đó khả năng đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế; chi phí cho chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn trong khi về cơ bản nước ta vẫn là một nước nghèo; toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế bên cạnh việc đem lại những cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng đặt nước ta trước những nguy cơ lây truyền các bệnh dịch nguy hiểm và những thách thức trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong y tế.
Công bằng, hiệu quả bắt đầu từ đâu
Nền kinh tế nước ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Trước tình hình đó, hệ thống y tế cũng cần phải đổi mới theo, không bảo thủ duy trì theo cơ chế bao cấp như trước đây, nhưng cũng không thể hoàn toàn bị chi phối bởi cơ chế thị trường.
Tính công bằng của hệ thống y tế cần phải được hiểu một cách đúng đắn, chính xác và đầy đủ. Trước đây, công bằng là mọi người đều được hưởng các dịch vụ y tế miễn phí, nhưng đến nay lại có quan niệm: Người dân được sử dụng dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng phù hợp khả năng kinh tế và trình độ phát triển của đất nước. Và một số chuyên gia nhận định cho 10 - 15 năm tới: Công bằng là ai có nhu cầu nhiều hơn thì được nhiều hơn, không phụ thuộc vào khả năng chi trả. Làm được điều đó phải có những chính sách phù hợp để từng bước đổi mới và hoàn thiện cả hệ thống y tế. Nghị quyết 46 cũng chỉ rõ cần đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Ðây là quan điểm chỉ đạo và đường lối phát triển của ngành y tế trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong những năm tới mà chúng ta cần tập trung nhiều nỗ lực để cụ thể hóa và tìm ra các giải pháp để từng bước thực hiện.
Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến nhấn mạnh: Nói đến hệ thống y tế là nói đến tổng hòa các thiết chế, nguồn lực cùng các chính sách lớn và cơ chế vận hành để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các khâu cơ bản có ý nghĩa chi phối nhiều nhất đến hệ thống y tế nước ta hiện nay là: Tài chính y tế, nguồn nhân lực, hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và quản lý trong lĩnh vực y tế. Và tính công bằng, hiệu quả và phát triển của hệ thống y tế cũng thể hiện chủ yếu ở các lĩnh vực kể trên. Sự lựa chọn này là hợp lý trong điều kiện nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, xử lý những vấn đề đó ở nước ta hiện nay như thế nào? Tài chính y tế đóng vai trò "xương sống" trong hoạt động của hệ thống y tế, quyết định tính công bằng và hiệu quả trong việc thực hiện chức năng cơ bản của y tế đó là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Một hệ thống y tế công bằng và hiệu quả không thể thiếu một chính sách tài chính mạnh. Vấn đề này ở nước ta còn thấp so với chuẩn quốc tế, thấp hơn mức trung bình ở các quốc gia Ðông Á, chỉ bằng hơn một nửa mức trung bình của nhóm các nước có thu nhập thấp và vừa, ngân sách Nhà nước chi cho y tế tính theo bình quân đầu người mới đạt 6 USD/người/năm, trong tổng chi tiêu cho y tế là 21 USD/người/năm.
Nguồn nhân lực y tế hiện nay thiếu và yếu, trong khi xác định đây là yếu tố thiết yếu nhất cho phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phát triển nguồn nhân lực y tế phải đi trước nhu cầu xã hội dựa trên những dự báo về nhu cầu cũng như khả năng tài chính và kỹ thuật trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hệ thống cung ứng dịch vụ y tế ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và còn nhiều bất hợp lý, tỷ lệ sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở (trạm y tế xã, bệnh viện huyện) còn thấp, trong khi đó các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương luôn trong tình trạng quá tải không cần thiết, nhiều trường hợp khám, chữa bệnh ở tuyến T.Ư có thể điều trị hiệu quả ngay từ tuyến dưới... Cho nên cần điều chỉnh để đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, nhất là người nghèo, người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.
BS Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho rằng: Thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân phải có những đầu tư thích đáng cho những tỉnh vùng cao. Ngân sách nhà nước chi hằng năm tính trung bình người bệnh, giường bệnh ở các tỉnh miền núi phải cao hơn hai, ba lần so với đồng bằng. Phải có chính sách, chế độ đào tạo, sử dụng cán bộ ở các tỉnh vùng cao, nếu cứ duy trì như hiện nay thì khu vực này sẽ rất ít cán bộ có trình độ chuyên môn. Ðầu tư nhiều hơn nữa các trang thiết bị, nhất là những trang thiết bị cần thiết, tuy sử dụng không thường xuyên nhưng hiệu quả lại rất lớn.
Thực tế đó, ngành y tế tập trung tiến hành các nghiên cứu cần thiết để đề xuất các chính sách dài hạn ở tầm vi mô cho cả hệ thống y tế cho những năm sắp tới. Có một hệ thống y tế vững vàng là điều kiện quan trọng để bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Bảy nhiệm vụ về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới 1- Phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân; 2- Ðổi mới chính sách tài chính y tế; 3- Phát triển nguồn nhân lực; 4- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền; 5- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; 6- Ðẩy mạnh xã hội hóa; 7- Nâng cao hiệu quả thông tin - giáo dục - truyền thông. Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị Ðầu tư cho y tế không thể nhỏ giọt Trước mắt, cần tập trung giải quyết ngay tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Ðể giải quyết được việc này cần có sự bố trí, quy hoạch lại mạng lưới y tế, không nên phân chia theo địa giới hành chính mà cần phân chia theo số dân, theo vùng tập trung đông dân cư. Quan trọng hơn nữa là cần rà soát tất cả những bệnh viện hiện nay đang triển khai xây dựng để đề nghị tăng cường đầu tư. Vì qua giám sát, chúng tôi thấy có những cơ sở y tế vốn đầu tư là 300 tỷ đồng nhưng mỗi năm chỉ được cấp có ba tỷ đồng thì bao giờ mới làm xong? Như vậy cần tập trung vốn đầu tư, chứ không thể nhỏ giọt nhằm giải quyết được tình trạng quá tải để làm sao cho mọi người dân cho dù người đó rất nghèo đi nữa cũng được hưởng những dịch vụ y tế kỹ thuật cao. NGUYỄN THỊ HOÀI THU Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
|
|