Lại thêm một lần đau lòng
Các Website khác - 16/08/2005

Lại thêm một lần đau lòng
Đình Chúc

Vụ bắt nóng Phan Đăng Dũng (thư ký Toà dân sự TAND TPHCM) trưa 13.8 về hành vi nhận tiền chạy án, lại thêm một lần làm đau lòng. Một cử nhân luật chưa đầy 30 tuổi, mới mon men cái chân "thư ký" giúp việc cho một thẩm phán mà đã ngang nhiên đòi "cưa đôi" giá trị tài sản tranh chấp cả tỉ bạc.

Ngang nhiên và trắng trợn hơn, Dũng còn nhận tiền hối lộ ngay trước cửa công đường - nơi vốn là biểu tượng của cán cân công lý. Táo tợn hơn là chuyện này xảy ra chỉ sau hơn 1 tháng, chính TAND TPHCM đã phải đau đớn tuyên phạt tù một cán bộ của mình - thư ký TAND quận Bình Thạnh Trương Ngọc Hạnh - cũng vì hành vi chạy án.

Trước đó nữa, TAND Tối cao cũng đã phải tuyên án nhiều năm tù với 2 cán bộ TAND TPHCM cũng vẫn hành vi... chạy án! Rõ là quả chuông cảnh báo đã rung lên về tình trạng tha hoá, biến chất của một số cán bộ được Nhà nước giao cho trọng trách: Cầm cân nảy mực cán cân công lý.

Đã có thời, người ta đua nhau vào học ngân hàng, tài chính, ngoại thương... những mong được tiếp xúc với đồng tiền hoặc chí ít cũng là có cơ hội trở nên có tiền. Nhưng rồi thời buổi kinh tế thị trường khó khăn, không ít gia đình đã hướng con em vào học các trường luật để sau này thành ông chánh án này, bà công tố viên nọ. Quyền hành trong tay, nặng thì cả mạng người,
nhẹ cũng "điều chỉnh" được vài năm tù tội.

Đặc biệt, gần đây khi dân trí phát triển, người dân quen dần với các vụ kiện dân sự, quyền lợi vật chất gắn liền với phán quyết của các quan toà nên các cơ quan tư pháp lại là mảnh đất béo bở cho những kẻ biến chất trục lợi.

Vẫn biết, những kẻ trục lợi, tham nhũng không loại trừ bất kỳ ngành nào, cơ quan nào. Nhưng nếu để những kẻ này lọt vào các cơ quan bảo vệ pháp luật thì tác hại của nó thật khôn lường. Bao nhiêu người bị tù oan, bao bản án dân sự bất công, ngoài nguyên nhân về năng lực còn có sức nặng của những "nén bạc" làm lệch đi cán cân công lý.

Bị tàn tạ về thể xác, bị mất mát về của cải, vật chất - đó là những thiệt hại có thể cân đo đong đếm, nhưng những tổn thất về tinh thần và mất niềm tin vào luật pháp - đó mới là thứ mất mát nguy hại nhất.

Bởi thế, từ những vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra trong chốn công đường vừa qua, cần cảnh tỉnh một điều: Các cơ quan công quyền, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật phải nghiêm túc nhìn nhận lại đội ngũ cán bộ, công chức của mình.

Trong số các quan toà, các luật sư, các kiểm sát viên..., những ai vào ngành chỉ chăm chăm trục lợi? Việc loại bỏ những "con sâu" này đã làm quyết liệt chưa? Còn những kẽ hở nào trong việc tuyển chọn công chức vào đội ngũ...?

Rõ ràng, trong tuyển chọn cán bộ cũng như công tác quản lý cán bộ ở các ngành bảo vệ pháp luật đang có... "vấn đề". Chống lại việc làm thay đổi cán cân công lý do ăn hối lộ không thể chỉ là để xảy ra rồi mới bắt, mới xử. Điều quan trọng là quản lý như thế nào để việc tệ hại đó không xảy ra!