Đừng để TPHCM mất dần lợi thế “điểm đến”
Các Website khác - 16/08/2005

Nếu chỉ nhìn những con số đạt được về lượng khách quốc tế đến TPHCM, về doanh thu của ngành du lịch thì nghe cũng phấn khởi vì luôn “năm sau cao hơn năm trước”. Tuy nhiên, thực trạng ngành du lịch vẫn còn nhiều vấn đề ngổn ngang, trăn trở.

Mất dần lợi thế cạnh tranh

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, bày tỏ bức xúc: Với lợi thế của mình, lẽ ra TPHCM phải trở thành một điểm phân phối khách đi các thị trường khác trong và ngoài nước nhằm kéo dài thời gian lưu trú cũng như tiêu xài của khách. Thế nhưng thực tế, TPHCM đang mất dần lợi thế của một “điểm đến” vì giá vé máy bay còn cao, giao thông bằng đường bộ lẫn đường thủy còn quá nhiêu khê. Trước đây khách nước ngoài đến VN có thể nối tour đi Campuchia, Lào. Nhưng bây giờ chúng tôi chỉ có thể bán tour từ VN sang Lào chứ Campuchia và Thái Lan thì không bán được vì không thể cạnh tranh nổi với giá của các đối tác khác.

“Không chỉ khó khăn trong việc nối tour quốc tế mà ngay việc nối tour trong nước cũng chưa phát triển đúng tầm” - ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng Giám đốc Saigontourist, trăn trở. Ông phân tích: Tài nguyên du lịch thì vùng nào cũng có nhưng đa số đều ở dạng thô, chưa được đầu tư chăm chút đúng mức. Đa số các cơ sở kinh doanh du lịch ở các tỉnh, thành thuộc loại vừa và nhỏ, chưa định hình rõ ràng, không đủ tiêu chuẩn để phục vụ khách nội địa bậc trung chứ nói chi đến khách du lịch quốc tế. Các điểm du lịch còn nghèo nàn về hình thức, manh mún về quy mô. Khách đi đồng bằng sông Cửu Long, thì Bến Tre cũng như Tiền Giang, Vĩnh Long... đều đưa khách vô vườn trái cây, nghe cải lương, ca nhạc tài tử, đi trên sông nước... Tình trạng giật dọc, ăn xin, đeo bám khách để lại những ấn tượng xấu cho khách khi đến VN!

Theo ông Nguyễn Đức Hy, Trưởng Phòng Nghiên cứu Phát triển Công ty Fiditourist, vấn đề giao thông đang giết chết du lịch. Gần đây các hãng lữ hành buộc phải cắt bớt chương trình tour vì không thể đi đủ các điểm như cũ với kiểu bắn tốc độ như hiện tại. Từ TPHCM đi Phan Thiết mất hết cả buổi, từ Hà Nội đi các tỉnh khác như Cao Bằng mất gần hết cả ngày, thậm chí có 2 điểm tham quan cách nhau 3 km mà không đưa khách đến được vì đường đi quá khó khăn.

Sản phẩm dạng... nửa mùa

“Ngành du lịch đang thiếu sự định hướng của một “đầu tàu”. Du lịch MICE tiềm năng là thế nhưng cho đến giờ này cả TPHCM chưa có được một trung tâm triển lãm hội chợ mang tầm quốc tế, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch MICE chưa đáp ứng đúng tiêu chuẩn và nhu cầu của khách, nguồn nhân lực yếu và thiếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa được đào tạo bài bản”. Ông Trương Thế Quốc, Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn - Mê Kông, nhận xét. Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh cũng được xếp vào loại hấp dẫn với những bãi biển đẹp, khu rừng thiên nhiên thơ mộng, những khu resort cao cấp... nhưng rất tiếc là chưa khai thác đúng mức. Hiện nay đa số các khách sạn 4-5 sao đều có dịch vụ massage thư giãn, spa nhưng cũng chưa được đầu tư bài bản. Bà Nguyễn Ngọc Hồng Hoa, Phó Giám đốc Công ty Du lịch IT&T kiêm quản lý Saigon Spa, cho biết: Đa số khách Nhật chuộng lọai hình thư giãn này. Trong 4 ngày đi tour VN của khách Nhật, họ đã dành 2 lần đến spa của chúng tôi để nghỉ ngơi, thư giãn, làm đẹp. Saigon Spa thu hút khách nhờ phong cách, chất lượng phục vụ đạt chuẩn quốc tế, trong khi giá cả chỉ bằng 1/4, 1/3 các nước quanh khu vực. Hiện TPHCM chỉ đếm trên đầu ngón tay các spa đẳng cấp như vậy.

Nhiều bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ đều cho rằng: Giải phẫu thẩm mỹ tại VN cũng được một số khách, nhất là Việt kiều, chú ý vì giá rẻ, bằng 1/2 ở Singapore, 1/3 ở Mỹ trong khi chất lượng không chênh lệch lắm. Tuy nhiên loại hình du lịch- làm đẹp này chưa phát triển vì thiếu sự kết hợp của ngành du lịch và y tế. Đi kèm dịch vụ này là mô hình khách sạn- bệnh viện với những tiêu chuẩn nhất định để phục vụ đối tượng khách riêng biệt này, nhưng ở VN lại chưa có.

Cần phát triển những tập đoàn du lịch lớn

Theo bà Nguyễn Thị Lập Quốc, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, trong xu thế hội nhập WTO, VN nhất thiết phải có nhiều tập đoàn lớn mang tầm cỡ khu vực như Saigontourist. Ngoài các dịch vụ phục vụ ngành du lịch, các tập đoàn này sẽ phát triển các dịch vụ cao cấp khác như y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, xây dựng, hàng không... để hỗ tương cho hoạt động của ngành du lịch. Mới đây ngành du lịch TPHCM đã liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng như Bình Dương, Bình Phước, Khánh Hòa, Tiền Giang...; với các tỉnh bạn như Cao Bằng, Lạng Sơn... Trong tháng 11-2005, Sở Du lịch TPHCM sẽ giới thiệu chương trình du lịch đường bộ giữa TPHCM- Phnom Penh- Bangkok nhằm đẩy mạnh việc hợp tác phát triển du lịch các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Xuân Hòa