Lần đầu, ba Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thương mại, Y tế, mà trực tiếp thực thi nhiệm vụ là Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Quản lý thị trường, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa tổ chức kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường cả nước.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận xét: Qua kiểm tra cho thấy nhiều loại hàng hóa không đạt mức chất lượng đã công bố. Việc vi phạm Quy chế ghi nhãn hàng hóa còn tồn tại ở các mức độ khác nhau, chẳng hạn: nhiều loại hàng hóa không ghi ngày sản xuất, chỉ ghi hạn sử dụng hoặc không ghi trọng lượng hàng, thành phần cấu tạo của sản phẩm nhất là mặt hàng bao gói sẵn.
Tại Thái Bình, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện bốn vụ kinh doanh mì chính giả. Thủ đoạn làm giả là dùng loại mì chính rời của hãng khác đóng vào bao bì giả nhãn hiệu mì chính Ajinomoto.
Tại Bắc Ninh, cửa hàng xăng dầu tại Gia Đông (Thuận Thành) tự phá kẹp chì của bốn cột xăng dầu để điều chỉnh sai số. Tại Nam Định, doanh nghiệp Tuấn Thọ (50 đường Văn Cao, TP Nam Định) đã lắp thêm chíp điện tử vào cột xăng MOGAS 92 làm sai lệch kết quả đo (chi tiết lắp đặt từ xa, gạt sang bên phải kết quả đo đúng, gạt sang trái kết quả sai số cho phép sai gấp tám lần (tới + 4% thể tích), vi phạm về chất lượng, đo lường và ghi nhãn hàng hóa, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tại Bắc Giang, Công ty cổ phần Thái Bình Dương (TP Bắc Giang) sản xuất dây điện, không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn bao bì sản phẩm. Tại Hải Dương, bốn đội kiểm tra liên ngành của tỉnh đã xử lý 219 vụ trong đó, 50 vụ không bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bốn vụ hàng giả. Đặc biệt, ở Cẩm Giàng trường hợp sản xuất "tương Bần" giả không bảo đảm an toàn vệ sinh; sản xuất thạch rau câu có hàm lượng đường hóa học cao hơn quy định, vụ nhập lậu 400 kg thịt tươi ở Chí Linh không qua kiểm dịch.
Tình trạng vi phạm về ghi nhãn hàng hóa diễn ra khá phổ biến đối với các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ. Ông Trần Quang Nhuận, Phó Chánh Thanh tra Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng vừa kiểm tra các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, cho biết: Tại thị trường Thanh Hóa, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện một số chai rượu mang nhãn hiệu rượu vang Halosa, rượu vang nho Việt - Pháp, rượu lúa nếp có nguồn gốc từ Hà Tây kém chất lượng vẫn đưa ra tiêu thụ. Xét nghiệm thì thấy sử dụng nồng độ đường hóa học cao quá mức cho phép và độ cồn thấp so với chất lượng đã công bố trên nhãn bao bì.
Nhiều hàng hóa tịch thu ở tỉnh Hà Tĩnh, bao gồm 150 gói mì chính nhãn hiệu Thái-lan (loại 450 g/gói) thiếu trọng lượng từ 80 đến 100 g/gói. Tiêu hủy hàng chục loại hàng hóa chất lượng kém hoặc quá hạn sử dụng: rượu sâm banh 39 chai, sữa tươi 44 hộp, 12 hộp Dielac, 28 chai bia và 20 lon, 270 lít nước mắm, 62 hộp bánh kẹo và 24 gói, 8,1 kg mứt, 90 gói mì ăn liền.
Ông Đỗ Hữu Quang, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường phụ trách các tỉnh phía nam cảnh báo tình trạng sản xuất mì chính giả hiệu Ajinomoto có quy mô khá lớn tại TP Hồ Chí Minh (phát hiện 203 gói được đóng gói loại 450 gam); thủ đoạn dùng bột ngọt nhãn hiệu Saji của Công ty Bột ngọt VêDan Việt Nam sản xuất trộn cùng với đường cát nhãn hiệu Mimosa của Công ty đường Bourbon Tây Ninh và đường của Công ty TNHH quốc tế Nagarjuna.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Nguyễn Tất Thắng, quyền Cục trưởng Quản lý chất lượng hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, qua đợt kiểm tra chất lượng hàng hóa dịp Tết Bính Tuất nhận thấy hàng kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường chiếm tỷ lệ cao. Nhất là nhóm hàng thiết yếu, như xăng-dầu, nước mắm và rượu. Vì thế, việc quản lý chất lượng hàng hóa cần được tổ chức thường xuyên hơn từ cơ sở sản xuất và lưu thông.
Đáng lưu ý là, nhiều đơn vị kiểm tra tại cơ sở hiện rất thiếu phương tiện phân tích sản phẩm khi kiểm tra tại chỗ, cho nên hàng kém chất lượng len lỏi, trà trộn vào thị trường. Không ít đơn vị sản xuất quy mô vừa và nhỏ vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, lập lờ đánh lừa người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.
Đáng nói là đội ngũ cán bộ kiểm tra cấp tỉnh, huyện ít được huấn luyện nghiệp vụ về quy định quản lý chất lượng hàng hóa nhất là những mặt hàng khó kiểm soát. Vì thế, cần thường xuyên huấn luyện nghiệp vụ, kỹ thuật về kiểm tra chất lượng hàng hóa.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành quy chế kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, quy trình kiểm tra các nhóm hàng để phổ biến áp dụng trong cả nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường bổ sung phương tiện kiểm tra nhanh cho Cục Quản lý chất lượng hàng hóa cũng như các sở Khoa học và Công nghệ phục vụ công tác kiểm tra hỗ trợ địa phương kiểm tra làm tốt công tác quản lý chất lượng hàng hóa trên địa bàn.
|