(VietNamNet) - Sau khi Hà Nội mở 6 tuyến buýt kế cận, người dân các tỉnh ven Thủ đô từ giã nhiều phương tiện, hồ hởi theo những chuyến xe buýt an toàn, sạch sẽ, xuôi ngược 15-20 phút/chuyến, vé chỉ 5.000 đồng.
![]() |
Xe buýt 29X-8100 vừa từ Phủ Lý lên Hà Nội đã phải quay trở lại ngay với số đông hành khách là sinh viên. Ảnh: TD |
Xe buýt về tỉnh lẻ
Sáng cuối tuần 24/2, xe buýt mang biển số 29X- 8100 vừa chạy từ Phủ Lý ra. Khoảng 30 hành khách chủ yếu là người Phủ Lý, Đồng Văn, Phú Xuyên, Thường Tín... lục tục với hành lý tiếp tục lên các tuyến buýt nội đô khác để vào trung tâm thành phố.
Nghỉ ngơi trong vòng 5 phút, xe 29X-8100 lại tiếp tục mở cửa đón khách, quay trở lại Phủ Lý. Lúc này, số hành khách đi từ đầu bến khoảng 20 người, chủ yếu là học sinh, sinh viên về nhà dịp cuối tuần. Đến mỗi bến, xe lại đón thêm, số hành khách lúc này đã bắt đầu phải đứng. Phụ xe Phan Anh Huy liên tục thu tiền và xé vé. Xe lướt qua Thường Tín, Phú Xuyên, Đồng Văn... Hành khách này xuống, hành khách khác lại lên theo chặng đường 60km về bến xe Phủ Lý.
Một hành khách trên xe, bà Lê Thị Lan (huyện Phú Xuyên, Hà Tây) cho biết bà là hành khách quen thuộc của tuyến buýt kế cận này. Trước đây, mỗi lần lên Hà Nội thăm con gái mới sinh, bà Lan thường nhờ người chở bằng xe máy hoặc đi xe khách với giá vé 10-15 ngàn đồng. Từ ngày khai trương tuyến buýt này (30/8/2005), mỗi lần có việc lên Hà Nội, bà chỉ đi xe buýt.
''Tôi đã quen với việc đi xe buýt. Thứ nhất, đi xe máy từ Phú Xuyên lên Hà Nội bằng quốc lộ 1A cũ rất nguy hiểm vì đường chật, nhiều xe máy và xe ô tô đi rất ẩu. Thứ hai, đi xe buýt có cảm giác rất an toàn, sạch sẽ, giá vé lại chỉ có 5 ngàn đồng cho vé chặng. Tội gì không đi?''- Bà Lan nói. Tuy nhiên, theo bà Lan, đi xe buýt an toàn nhưng thỉnh thoảng vào dịp lễ, tết hay cuối tuần, lượng sinh viên về quê nhiều nên rất đông và bí.
Rất nhiều sinh viên quê Phú Xuyên, Thường Tín, Đồng Văn, Phủ Lý đã có thói quen đi xe buýt về quê. Nhiều sinh viên tâm sự, đi xe buýt vừa đỡ bụi, an toàn và quan trọng nhất là hợp với túi tiền vốn không dư dả của họ.
Tại tuyến buýt kế cận Hà Nội- Hưng Yên, không những giới học sinh, sinh viên sử dụng xe buýt làm phương tiện về quê mà còn có cả những người buôn thúng bán mẹt, xe ôm quê Hưng Yên lên Hà Nội làm thêm. Nhiều hành khách tại tuyến này cho biết, với quãng đường 60 km, giá vé có 10 ngàn đồng nên được phần lớn những người quê Hưng Yên đang lao động tại Hà Nội lựa chọn.
Các tuyến buýt kế cận khác như Bến xe Lương Yên (Hà Nội) - Thị trấn Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), Bến xe Lương Yên (Hà Nội) - Hải Dương, Bến xe Lương Yên (Hà Nội) - Bắc Giang, Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) - Thị trấn Văn Giang (Huyện Văn Giang, Hưng Yên)... từ khi khai trương đến nay bước đầu đã nhận được sự chấp nhận và đón chào của người dân các tỉnh vì những thuận lợi và an toàn.Lăn bánh đến tất cả các tỉnh ven Hà Nội
Theo Tổng Công ty Vận tải HN (Transerco), để hoạt động 6 tuyến buýt kế cận, TCT đã huy động 75 phương tiện, với tần suất 15 - 20 phút/chuyến; trung bình 450 lượt/ngày.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó TGĐ Transerco cho biết: ''6 tháng trôi qua, kể từ khi buýt kế cận được đưa vào hoạt động đến nay, nhìn chung hoạt động trên các tuyến đã dần đi vào ổn định và có mức tăng trưởng rõ rệt. Buýt kế cận đã được nhân dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận đón nhận và nhiệt tình ủng hộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của công chúng trong vùng, làm giảm đáng kể lượng xe máy tham gia lưu thông và tai nạn giao thông trên quốc lộ, góp phần kiềm chế từ xa tình trạng ách tắc giao thông...''.
Tính đến ngày 17/02/2006, tổng cộng 06 tuyến của Tổng công ty vận tải Hà Nội đã thực hiện được 61.649 lượt xe và vận chuyển 2.303.232 hành khách. |
Tuy nhiên, theo ông Dũng, mặc dù được nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đón nhận nhiệt tình, 6 tuyến đều đã ổn định về hoạt động nhưng đến thời điểm này vẫn Transerco đang gặp phải một trở ngại quan trọng. Đó là chưa có văn bản pháp lý nào áp dụng cho lĩnh vực vận tải này. Việc tạm thời quản lý theo quyết định 09/2005/QĐ-BGTVT áp dụng cho vận tải liên tỉnh không phù hợp và gây phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình tổ chức khai thác trên tuyến.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng trên một số tuyến còn chưa hoàn thiện. Cụ thể tuyến 203 (Hà Nội - Bắc Giang), tuyến 204 (Lương Yên - Thuận Thành), Tuyến 206 (Giáp Bát - Phủ lý). Tuyến Hà Nội - Phủ Lý có tới hơn nửa quãng đường là quốc lộ 1A cũ vốn chật hẹp, dân cư đông đúc, nhiều điểm kinh doanh, buôn bán, chợ búa. Tuyến Lương Yên - Thuận Thành, tuyến Hà Nội - Bắc Giang cũng đi qua nhiều khu vực đông dân cư, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân nơi đây không cao nên gây rất nhiều khó khăn cho lái xe cũng như quy trình về thời gian.
Hạn chế của các tuyến buýt kế cận còn là sự hợp tác giữa các DN cùng khai thác trên tuyến chưa thực sự gắn kết (do có sự khác biệt về phương thức quản lý và điều hành, cơ cấu và chủng loại phương tiện khác nhau). Sự phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vận tải khách bằng buýt kế cận còn nhiều bất cập, là cản trở lớn trong công tác tổ chức thực hiện. Điều này cũng làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng phục vụ chung trên tuyến.
Được biết, mục tiêu trong quý III/2006, toàn bộ các tuyến nối liền từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh lân cận sẽ được Transerco đưa vào khai thác, nhằm tạo ra một mạng lưới vận tải khách bằng buýt kế cận hoàn chỉnh, thoả mãn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giao lưu kinh tế - xã hội và phát triển không gian vùng.
Hơn nữa, Transerco cũng sẽ đánh giá, rà soát phương tiện vận tải và sắp xếp bố trí lại biểu đồ chạy xe hợp lý, nhằm giảm bớt quá tải cục bộ vào giờ cao điểm, ngày cao điểm như phản ánh của nhân dân và đội ngũ lái, phụ xe.
Hoàng Phương
▪ 'Tôi không dại bán đầu mình với giá 110 triệu đồng' (25/02/2006)
▪ Món ăn nào là kẻ thù của tình yêu? (25/02/2006)
▪ Thủ tướng Phan Văn Khải kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Indonesia (25/02/2006)
▪ Khoảng cách quan - dân (25/02/2006)
▪ Ra mắt câu lạc bộ hàng không phía bắc (24/02/2006)
▪ Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế (24/02/2006)
▪ Xây dựng nền y học hiện đại, khoa học, dân tộc (24/02/2006)
▪ Kiều bào góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng lần thứ X (24/02/2006)
▪ Quan hệ Việt Nam - Indonesia sẽ có bước phát triển mạnh mẽ (24/02/2006)
▪ Giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng (24/02/2006)