Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội X của Ðảng nêu rõ: "Ðẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, trên cơ sở lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất và là nguyên tắc chủ đạo".
Ở đây, Ðảng đã khẳng định rõ quan điểm, nguyên tắc và giải pháp để chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế là một quá trình tất yếu của sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ và xu thế quan hệ quốc tế hiện nay.
Chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển thì không thể đứng ngoài cuộc quá trình tất yếu nói trên. Ðẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế là để thu hút, khai thác nguồn lực bên ngoài và tiếp thu các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của các nước phát triển, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh hơn và bền vững. Ðảng, Nhà nước ta đã sớm ban hành Luật Ðầu tư nước ngoài ngay sau khi khởi xướng sự nghiệp đổi mới, năm 1987; cùng với Nghị quyết 09 của Chính phủ về tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2001-2005, đến nay, chúng ta đã thu hút đầu tư 63,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài thông qua 6.864 dự án đã được cấp phép. Ðầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung tại các vùng trọng điểm, có lợi thế, tạo ra những ngành nghề và sản phẩm mới có hàm lượng khoa học-công nghệ cao, làm cho các vùng này thật sự là vùng kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế không phải chỉ có một chiều thuận lợi mà còn bao gồm cả những tác động bất lợi, bởi nước ta đang trong quá trình phát triển, nền kinh tế còn yếu, sức cạnh tranh kém. Vì vậy, "chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn và đầy đủ hơn", chúng ta phải luôn luôn giữ vững nguyên tắc "lấy lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất", không chỉ vì nhìn thấy lợi ích trước mắt hoặc nóng vội muốn hội nhập nhanh, mà xem nhẹ nguyên tắc này sẽ dẫn đến những bất lợi và hậu quả khó lường sau đó.
Chúng tôi hiểu rằng, hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp chung của cả nước, của dân tộc. Chúng ta chỉ có thể hội nhập vững chắc và giành thắng lợi khi phát huy được vai trò lãnh đạo của Ðảng và sức mạnh của cộng đồng các doanh nghiệp, của toàn dân. Theo chúng tôi, Ðảng và Nhà nước cần lãnh đạo hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình, phù hợp với chiến lược phát triển đất nước đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Trong khi hoàn tất để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cần tiếp tục mở rộng mạnh mẽ hợp tác quốc tế song phương, đa phương và khu vực, trong đó chú trọng một số nước lớn. Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với các nước ASEAN và các nước châu Á - Thái Bình Dương. Phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nền hành chính quốc gia phù hợp chuẩn mực quốc tế để phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Nên lựa chọn những cán bộ am hiểu luật pháp, thông lệ buôn bán quốc tế thành lập bộ phận "đặc nhiệm" để xử lý những vấn đề nảy sinh, hạn chế tối đa rủi ro khi nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.
Chủ trương, đường lối đã rõ, nhưng vấn đề có tính quyết định hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế là ở nội lực của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước. Hội nhập sẽ là một cuộc cạnh tranh quyết liệt, "Vũ khí" sắc bén nhất khi ấy là chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Ðây cũng là một thách thức lớn đối với chúng ta. Vì vậy, phải thúc đẩy nhanh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để phát huy vai trò chủ đạo và tính năng động của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ðảng cũng nêu rất cụ thể: "từng doanh nghiệp khẩn trương đổi mới từ tư duy đến phong cách quản lý, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí đầu vào".
Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội nhưng cũng là thách thức, song đó là xu thế tất yếu, đòi hỏi chúng ta bình tĩnh, chuẩn bị tốt các điều kiện để nắm cơ hội, đưa nền kinh tế đất nước phát triển nhanh và vững chắc.
VŨ XUÂN CƯỜNG Phó trưởng ban Quản lý kinh tế cửa khẩu Lào Cai
|