Tiền tệ hoá xe công
Các Website khác - 08/02/2006
SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Tiền tệ hoá xe công

Lưu Quang
Trong chương trình hành động năm 2006 của Chính phủ về chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, câu chuyện về xe công và sử dụng xe công - một trong những câu chuyện gây bức xúc nhất trong dư luận quần chúng nhân dân bấy lâu nay - lại được đề cập đến một cách khá quyết liệt. Cụ thể, Chính phủ thông báo từ 1.6.2006 sẽ tạm ngừng mua sắm xe công. Và triệt để hơn, Bộ Tài chính được Chính phủ yêu cầu chậm nhất ngay trong tháng 3 tới phải hoàn chỉnh đề án thí điểm sử dụng xe công theo hai phương thức: Một, thuê phương tiện đi lại của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; hai, khoán kinh phí trực tiếp. Hay nói cách khác là tiền tệ hoá xe công.

Việc tiền tệ hoá xe công đã được áp dụng từ rất lâu ở hầu như tất cả các nước trên thế giới. Ai được dùng xe công, dùng vào việc gì, tiền đi xe được quy vào lương ra sao..., tất cả đều có quy định cụ thể, chi tiết. Vì cụ thể như vậy, nên ngay cả nguyên thủ một nước Bắc Âu giàu có cũng không sử dụng xe công đi làm. Cả thủ đô Seoul của Hàn Quốc (với 18 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 22.600USD/năm) mà chỉ có 4 chiếc xe công cho thị trưởng và 3 vị phó thị trưởng. Gần đây nhất, nước láng giềng Trung Quốc cũng đã mạnh dạn bỏ toàn bộ xe công cho các cấp phó.

Còn ở ta thì sao? Theo những số liệu mới nhất, cả nước có hơn 19.000 chiếc xe công. Chỉ riêng trong 2 năm 2002 - 2003 đã có 6.000 xe công mới được mua, vượt quy định 2.000 chiếc. Nói như Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, có lấy cả bãi sông Hồng cũng không chứa hết xe công mua sai quy định. Tình trạng mua xe công vượt khung giá quy định cũng rất phổ biến. Đã có vị lãnh đạo thành phố dùng cả xe Lexus giá bằng "ba nghìn con trâu". Với cung cách như thế, hàng nghìn tỉ đồng đã bị lạm chi mỗi năm cho xe công. Việc sử dụng xe thì lãng phí, tuỳ tiện, tràn lan, xe công dùng vào việc tư. Mà không phải là chúng ta không nghiêm khắc. Từ năm 1998, Chính phủ đã có hẳn một chỉ thị riêng nghiêm cấm việc sử dụng xe công sai mục đích. Kỳ họp Quốc hội nào cũng đem chuyện xe công ra mổ xẻ. Chẳng có ở đâu mà năm nào cũng vậy, cứ gần Tết là người đứng đầu Chính phủ phải kêu gọi báo chí phát hiện những trường hợp xe công đi chợ, đi lễ chùa... để công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy mà bất chấp tất cả những cố gắng đó, xem ra "cuộc chiến với xe công" vẫn chưa thu được kết quả như mong muốn, vẫn dai dẳng hơn bao giờ hết.

Nguyên nhân vì sao? Vì chúng ta dường như mới chỉ đụng vào phần ngọn. Bởi mọi sự kiểm tra, giám sát, mọi lời hô hào tự giác, tiết kiệm... đều không thể ngăn chặn triệt để việc lạm dụng xe công. Cái gốc của vấn đề chính là phải tạo ra một cơ chế mà người ta có muốn cũng không thể lãng phí được, có coi thường tiền bạc, xăng dầu đến đâu cũng không thể bừa bãi được, vì làm như vậy chính là làm hại túi tiền của chính mình. Cơ chế đó chính là một chế độ khoán, tính tiền xe vào lương - tiền tệ hoá xe công. Việc này, như đã nói ở trên, rất nhiều nơi đã làm nhưng rất tiếc chúng ta cho đến nay vẫn chưa làm được.

Giải quyết bài toán xe công cũng mới chỉ là một trong rất nhiều việc cần phải làm trong công cuộc cải cách theo hướng minh bạch hoá, công khai hoá bộ máy hành chính nước ta.