UBND TP.HCM có chủ trương ngầm hóa đường dây điện, điện thoại, dây điện chiếu sáng công cộng... khi nâng cấp các tuyến đường trọng điểm. Nhưng hàng chục tỉ đồng vừa đầu tư xong để xóa “mạng nhện” thì “mạng nhện” giăng trở lại.
|
Các loại dây cáp được mắc chằng chịt như mạng nhện trên đường Trường Chinh, Q.12, TP.HCM (ảnh chụp sáng 20-2) - Ảnh: Minh Đức |
Đường Trường Chinh, đoạn từ Cộng Hòa đến cầu Tham Lương (thuộc Q.Tân Bình và Q.Tân Phú) được mở rộng lên 60m, nhà cửa xây khá đẹp nhưng dây điện, điện thoại, cáp truyền hình, cáp Internet giăng khắp nơi như mạng nhện, làm mất mỹ quan tuyến đường. Tương tự, đường Trường Chinh đoạn từ cầu Tham Lương đến ngã tư An Sương cũng mở rộng lên 60m, được đầu tư để ngầm hóa dây điện, chiếu sáng công cộng, nhưng đến nay “mạng nhện” đã giăng lại đầy hai bên đường.
Đầy “mạng nhện”
Khi mở rộng đường Trường Chinh, các đơn vị liên quan đã tính toán xây dựng đường ống ngầm dọc vỉa hè để đưa “mạng nhện” xuống. Nhưng đến nay sau ba năm, “mạng nhện” đường Trường Chinh vẫn tiếp tục giăng trên trụ bêtông. “Mạng nhện” nằm phía dãy nhà số chẵn có khoảng 40-50 dây của ngành bưu chính, viễn thông “đua” nhau treo. Còn dọc bên dãy nhà số lẻ có khoảng 15-20 dây tương tự. Không chỉ chạy dọc, “mạng nhện” còn vắt ngang qua đường Trường Chinh...
Vậy là hàng tỉ đồng ngầm hóa tuyến đường cửa ngõ TP để bộ mặt đô thị khang trang hơn đã không phát huy hiệu quả. Đó là chưa kể dự án cầu vượt trên đường Trường Chinh dự kiến xây dựng trong thời gian tới cũng sẽ gặp trở ngại do “mạng nhện” giăng trên tuyến đường này.
Theo một lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án nâng cấp và mở rộng đường Trường Chinh, đoạn từ cầu Tham Lương đến nút giao thông An Sương), lúc thi công công trình thì ngành điện và ngành chiếu sáng công cộng đã tốn không ít tiền để đưa đường dây trên cao xuống ngầm dưới đất. Ngành bưu chính viễn thông cũng được yêu cầu ngầm hóa, nhưng lúc đó ngành này đề nghị cho di dời tạm, treo đỡ các đường dây lên các trụ bêtông và rồi… để đến nay.
Vẫn theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, trong quá trình thi công đường Trường Chinh, đơn vị đã dành sẵn đường ống đi ngầm dưới đất cho ngành bưu chính viễn thông sử dụng khi cần kéo dây băng đường. Vậy mà đến nay những sợi dây băng đường vẫn còn treo lủng lẳng trên các cột bêtông. Ban quản lý dự án cũng thừa nhận có thiếu sót khi bàn giao tuyến đường cho Khu quản lý giao thông đô thị số 3 mà không nhắc tới việc yêu cầu các đơn vị bưu chính viễn thông phải thực hiện đi ngầm đường dây dưới lòng đất.
Ông Trần Quang Vinh - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3 TP.HCM - cho biết sẽ kiểm tra lại toàn bộ tuyến đường Trường Chinh để “truy tìm” các chủ đường dây, đồng thời sẽ kiểm tra “chủ” của một trụ bêtông nằm chình ình giữa giao lộ Trường Chinh - Phan Văn Hớn khiến nhiều “mạng nhện” bám lên.
Vẫn chưa có cơ quan quản lý
TP đã tốn hàng chục tỉ đồng để ngầm hóa toàn bộ hệ thống dây điện, chiếu sáng công cộng dự án đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Thế nhưng nhiều ý kiến vẫn lo ngại tình trạng “mạng nhện” có thể tái lập ở tuyến đường này. Ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM - cho biết nếu các đơn vị có đường dây treo bất hợp pháp trên cột đèn của ngành chiếu sáng công cộng (thuộc thẩm quyền quản lý của khu) thì đơn vị này sẽ ra thông báo và cắt đường dây trong vòng vài ba ngày.
Trường hợp các đường dây treo trên cột điện (do ngành điện quản lý) thì thuộc trách nhiệm của ngành điện và khu không thể yêu cầu tháo dỡ. Điều này có nghĩa nguy cơ tái diễn “mạng nhện” trên tuyến từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm TP vẫn còn. Theo ông Thắng, hiện TP chưa giao cho cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm quản lý cấp phép cho các đơn vị có nhu cầu treo dây trên đường. Do đó, các đơn vị cứ thoải mái giăng dây ở bất kỳ đoạn đường nào, thậm chí giăng dây băng ngang đường mà không bảo đảm chiều cao tối thiểu 4,5m như quy định.
TP có nhiều tuyến đường đang thực hiện ngầm hóa hoặc sẽ ngầm hóa như đại lộ đông tây (Q.1, 2, 5, 6, 8 và Bình Tân), đường Dương Bá Trạc (Q.8), đường Tam Tân (H.Củ Chi), quốc lộ 50 (Q.8)…
Thực tế cho thấy hầu như chỉ có ngành điện, ngành chiếu sáng công cộng quan tâm đến chuyện này. Trong khi đó đường dây của các đơn vị thuộc ngành bưu chính viễn thông lại giăng dọc, giăng ngang ở nhiều tuyến đường. Gần đây “bùng nổ” nhu cầu sử dụng đường dây truyền hình cáp, Internet và đường dây điện thoại khiến “mạng nhện” giăng ngày càng nhiều hơn.
Sắp có hào kỹ thuật giải quyết “mạng nhện” Ông Phạm Quốc Bảo, phó giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM, cho biết sau một thời gian triển khai, lấy ý kiến đóng góp của các sở ngành, công ty đã thiết kế được hào kỹ thuật chung để giải quyết vấn nạn “mạng nhện”. Thiết kế này đang trình Sở Thông tin - truyền thông và Sở Công thương góp ý lần cuối trước khi xin ý kiến UBND TP thực hiện. Theo đó, Công ty Điện lực TP sẽ làm thí điểm hơn 2km hào kỹ thuật trên đường Lý Tự Trọng (đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Tôn Đức Thắng) và đường Trần Hưng Đạo (Q.1). Hào kỹ thuật này có diện tích 1,04m (đáy bé) x 1,24m (đáy lớn) x 0,95m (chiều sâu), làm bằng bêtông. Ngoài hệ thống lưới điện, các mạng cáp viễn thông khác sẽ được đưa xuống hào kỹ thuật (theo hình thức cho thuê). Kinh phí xây dựng 1,1km hào kỹ thuật này ước tốn 6,3 tỉ đồng. Phương án thi công được thực hiện trên vỉa hè vào ban đêm và sáng hôm sau tái lập, trả lại mặt bằng nên sẽ hạn chế ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân. “Nếu được thông qua sớm, chúng tôi có thể triển khai xây dựng trong tháng ba này” - ông Bảo cho biết. Tuy nhiên, Công ty Điện lực TP cũng cho biết do chi phí quá lớn, nếu triển khai làm đại trà ngành điện sẽ không kham nổi. Vì vậy, sau khi xây dựng thí điểm, nếu thấy phát huy hiệu quả, công ty sẽ kiến nghị UBND TP ban hành quy chuẩn và đơn giá (cho thuê) đối với hào kỹ thuật để kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Điều đáng ngại hiện nay là có nhiều tuyến đường hẹp, nhiều công trình ngầm khác, rất khó khăn cho việc xây dựng hào kỹ thuật. Ngoài việc triển khai xây dựng hào kỹ thuật, Công ty Điện lực TP cho biết trong năm 2009 sẽ tập trung bó gọn dây cáp thông tin trên 56 tuyến đường với tổng chiều dài 171km trên địa bàn 24 quận huyện. Ước tính kinh phí để tiến hành bó gọn dây cáp viễn thông trong 1km là gần 52 triệu đồng. Quang Khải |
Theo Tuoi Tre Online
▪ Lập đoàn kiểm tra vết nứt đập thủy điện Sơn La (23/02/2009)
▪ Xén đất công viên xây khách sạn:Đề nghị Chủ tịch Hà Nội xem xét ý kiến cộng đồng (23/02/2009)
▪ Hà Nội ra văn bản liên quan đến hoạt động vận tải hành khách:Không phải muốn vào là được (23/02/2009)
▪ TP Hồ Chí Minh:Một phụ nữ bị cắt cổ tại chung cư (23/02/2009)
▪ Thông tin thịt lợn nhiễm độc chất Clenbuterol: Đừng ham thịt lợn nạc (23/02/2009)
▪ Hà Nội siết chặt quản lý hè phố: Các lệnh cấm bị "vô hiệu hóa" (23/02/2009)
▪ Bệnh nhân H5N1 ở Quảng Ninh tử vong (23/02/2009)
▪ Biến đổi khí hậu: Làm gì khi mực nước dâng theo thời gian? (23/02/2009)
▪ Xây nhà máy nước BOO Thủ Đức Dân tiếp tục khát nước sạch (23/02/2009)