TP HCM mỗi tháng gần 100 người chết vì giao thông
Các Website khác - 05/05/2008

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giao thông công chính vẫn cho đó là sự thành công khi so sánh với số người thiệt mạng trước khi triển khai đề án kéo giảm ùn tắc giao thông.
> TP HCM 'vỡ' kế hoạch chống ùn tắc / Văn hóa đi đường thời kẹt xe

Phát biểu trong chương trình truyền hình trực tiếp "Nói và làm" của TP HCM sáng chủ nhật 4/5, bà Thảo tuyên bố, trong công tác chống ùn tắc, ý thức của người dân phải được đặt lên như giải pháp hàng đầu. Lý do, đặc trưng tắc đường ở VN là kẹt nêm, tức xe lớn nhỏ chen chúc nhau gây nên hỗn loạn giao thông, chứ không tắc thành từng hàng theo đúng làn như các nước khác. Vì vậy khó giải tỏa ngay điểm kẹt.

Tham gia buổi truyền hình trực tiếp, nhiều đại biểu HĐND cũng cho rằng, sống chung là giải pháp chống kẹt xe tốt nhất trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên phải phân định rõ ràng từng trách nhiệm cụ thể trong sống chung giữa ý thức người dân, trách nhiệm của Sở ngành liên quan và của cả các chủ đầu tư thi công các "lô cốt" hiện hữu.

Đại biểu Đình Xê nói, trước hết người đi đường phải chấp hành tốt luật lệ giao thông, giữ thái độ đúng mực khi có va chạm để không làm tắc nghẽn tại khu vực. Các cơ quan nhà nước cũng phải vào cuộc phạt thật nặng các đơn vị thi công công trình trì trệ, chây ỳ.

Sống chung với kẹt xe một cách có văn hóa là giải pháp tốt nhất cho TP HCM lúc này. Ảnh: Kiên Cường
Dân số gần 8,5 triệu người trong khi hệ thống đường giao thông hiện hữu đã quá tải, TP HCM đang phải đối mặt với thách thức lớn về vấn đề giao thông đô thị và giải quyết bài toán kẹt xe, ngập nước. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vấn đề điều hành quản lý và tổ chức thực hiện các biện pháp kéo giảm tắc đường chưa thật sự tốt làm cho tình trạng nghiêm trọng hơn.

Điển hình, tháng 10/2007, khi tình trạng ùn tắc giao thông đang trở nên trầm trọng, thành phố đã đề ra 8 giải pháp cấp bách đến hết quý 1 năm nay. Thế nhưng báo cáo của Sở Giao thông công chính sáng 4/5, chỉ có 3 trong 8 giải pháp được thực hiện tốt. Đó là việc tuyên truyền ý thức, phân luồng giao thông một chiều và cải tạo kích thước hình học các tuyến đường, xử phạt vi phạm.

5 giải pháp còn lại là lặp lại trật tự lòng lề đường, chấn chỉnh hoạt động xe buýt, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, lệch ca lệch giờ, thành lập Ban chỉ huy thường trực phòng chống ùn tắc và tai nạn giao thông; được Giám đốc Sở Giao thông công chính Trần Quang Phượng thừa nhận chỉ dừng ở việc nghiên cứu và còn nhiều lúng túng.

Tuy nhiên theo ông Phượng, kế hoạch kéo giảm ùn tắc thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tốt. Đơn cử như đã hạ được tỷ lệ tai nạn giao thông trên địa bàn. Từ ngày 1/10/2007 đến 1/5, có 531 người chết vì tai nạn giao thông, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Ngay lập tức, ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố phản đối kịch liệt: “Mỗi tháng có gần 100 người chết là thảm họa, chứ không phải thành tích”.

Đại biểu HĐND Trương Trọng Nghĩa góp ý, quá trình cấp bằng lái xe hiện quá dễ dãi, cần phải siết lại vấn đề xử phạt vi phạm giao thông bằng nhiều hình thức như buộc lao động công ích, thu bằng…

Ông Võ Văn Vân, Phó phòng cảnh sát giao thông đường bộ TP HCM hiến kế nên có điều tra cơ bản về luồng tuyến lưu thông các tuyến đường cho phù hợp hơn. Cụ thể, đường Trường Chinh, sáng lượng xe đổ vào trung tâm nhiều còn chiều ngược lại rất ít. Nếu nghiên cứu cho 6 làn lưu thông vào thành phố buổi sáng, chiều đi ra chỉ còn 2, thì sẽ nhanh chóng hết ùn tắc vào giờ cao điểm.