Ngày 15/12, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã thống nhất được việc đến năm 2010 sẽ có 4 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với công nghệ hiện đại, bán tự động được đặt ở ngoại thành. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm xây dựng, chính sách cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn nhiều bàn cãi.
Theo đề án xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội đến năm 2010 và định hướng 2020, đáp ứng nhu cầu của khoảng 4,5 triệu dân vào năm 2010, Hà Nội cần tới 3 cơ sở giết mổ gia súc quy mô lớn và 4 cơ sở giết mổ gia cầm. Tổng công suất thiết kế mỗi ngày chừng 3.000 lợn, 500 bò và 40.000 gia cầm. Góp ý cho đề án, lãnh đạo các sở của Hà Nội nhất trí phải kết hợp cơ sở giết mổ gia súc và gia cầm để tận dụng địa điểm, hệ thống xử lý nước thải, tiện cho việc kiểm soát thú y.
Chưa chọn được địa điểm xây dựng
Về nguyên tắc, tất cả cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều phải nằm xa trung tâm, nhưng việc lựa chọn vị trí nào thì còn nhiều bàn cãi. Ông Nguyễn Huy Diến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chủ trì xây dựng đề án, đưa ra 4 vị trí là huyện Đông Anh (phát triển cơ sở giết mổ của Công ty Cổ phần Phúc Thịnh ở xã Nguyên Khê), Gia Lâm, Thanh Trì và Từ Liêm. Các cơ sở này sẽ tiếp nhận nguồn gia súc, gia cầm tại các tỉnh phía bắc, đông, nam và tây thành phố và nguồn tại chỗ của các huyện.
![]() |
Một công đoạn của dây chuyền giết mổ gia cầm ở Thụy Phương. Ảnh: Trung tâm Thuỵ Phương |
Tuy nhiên, ông Đỗ Viết Chiến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, cho rằng, không nên chỉ bó hẹp ranh giới hành chính của thành phố. "Phải đặt trong quy hoạch của vùng, gắn kết với các tỉnh lân cận. Có thể mình vừa đầu tư mấy chục tỷ lắp đặt dây chuyền giết mổ thì anh hàng xóm cũng xây ngay một cái, trong khi nguồn gia súc, gia cầm có hạn. Tại sao không đặt vấn đề xây lò giết mổ ở Hà Tây, Hưng Yên, hoặc Hà Nội, nhưng sản phẩm cung ứng cho cả Hà Nội và các tỉnh lân cận?", ông Chiến nói.
Vẫn theo ông Chiến, trong 4 điểm đưa ra thì phía tây (huyện Từ Liêm) rất khó khả thi vì khu vực này phát triển rất mạnh, dân cư đông, không còn đất cho quy hoạch điểm giết mổ. Phúc Thịnh (xã Nguyên Xá, huyện Đông Anh) cũng chỉ phát triển đến năm 2010, sau đó sẽ "chìm" trong khu dân cư và buộc phải di chuyển ra xa hơn.
Cơ chế nào cho khu giết mổ tập trung?
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, đầu tư xây cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm rủi ro rất lớn, lại là đầu tư trực tiếp, đảm bảo sức khỏe con người, giải quyết những vấn đề của nông thôn, nên thành phố cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp. Sở này đề xuất một loạt chính sách như: hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào (đường, điện, cấp thoát nước...); hỗ trợ 50% chi phí thiết bị; miễn thuế sử dụng đất trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày đi vào hoạt động, miễn thuế doanh nghiệp 3 năm...
Là nhà đầu tư, đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nơi đang quản lý 2 cơ sở giết mổ gia súc ở Lương Yên và Tựu Liệt, cho rằng chính sách ưu đãi như trên chưa thuyết phục. "Doanh nghiệp 3 năm hoạt động chưa thể hết lỗ. Tôi đề nghị thành phố hỗ trợ 50% vốn mua thiết bị, còn lại cho vay ưu đãi. Nếu cho vay thương mại thì thời gian ngắn, lãi suất cao, doanh nghiệp không thể xoay nổi", vị cán bộ này nói. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Tài chính Bùi Xuân Đàm cho rằng, việc hỗ trợ phải căn cứ vào chính sách hiện có của nhà nước và thành phố, không dễ gì vượt qua được.
Trước mắt cần xây điểm giết mổ quy mô vừa và nhỏ
Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Quý Đôn khẳng định các sở liên quan cần rà soát quy hoạch mạng lưới giết mổ và đặt nó trong quy hoạch của vùng. Chậm nhất đến quý 1/2006, Sở Quy hoạch Kiến trúc cần trả lời những vị trí nào có thể xây được lò giết mổ quy mô lớn. Trước mắt, trong thời gian chờ đợi lò đi vào vận hành, để phục vụ nhu cầu của cư dân thành phố, các Sở cần lập kế hoạch xây dựng điểm giết mổ quy mô vừa và nhỏ ở các huyện ngoại thành.
Ông Đôn khẳng định, trước tháng 1/2006 phải có được các điểm giết mổ quy mô vừa và nhỏ ở ngoại thành. Chứ nếu chỉ trông vào dây chuyền giết mổ gia cầm bán công nghiệp của Phúc Thịnh và Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, công suất mỗi nơi 500 con một giờ thì sẽ không đủ. Nhưng đến nay, theo ông Đào Duy Tâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp, hiện chỉ có Đông Anh và Gia Lâm đăng ký xây lò giết mổ, 3 huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, Thanh Trì vẫn chưa có.
Hà Nội trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 280 tấn thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, có 180 tấn thịt lợn (tương đương 3.200 con); 40 tấn thịt trâu bò (500 con) và 62 tấn thịt gia cầm (44.500 con). Hiện Hà Nội có 6 cơ sở giết mổ lợn tập trung với tổng công suất một ngày đêm là 1.510 con, chiếm 47,2% số lợn giết mổ. Giết mổ trâu bò chủ yếu do tư nhân thực hiện, công suất 30-50 con/ngày đêm. Trước thời điểm dịch cúm 2005, giết mổ gia cầm chủ yếu tập trung ở 5 chợ đầu mối và 134 chợ tạm với tổng công suất 30.000 con/ngày. Hiện, cả Hà Nội có 2 dây chuyền công nghiệp giết mổ gia cầm là Công ty Cổ phần Phúc Thịnh (xã Nguyên Xá, huyện Đông Anh), công suất 500 con/giờ và Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm) công suất 250 con/giờ. Theo đánh giá của thành phố, mạng lưới có sở giết mổ của thành phố còn phân tán, tự phát, công nghệ thủ công lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh cho người và động vật, gây ô nhiễm môi trường. |
Như Trang
▪ Nhiều chương trình đặc sắc vào Noel và Tết Dương lịch (15/12/2005)
▪ Tiêu thụ gia cầm trong thời gian còn dịch (15/12/2005)
▪ Trên những công trình thủy điện ở Tây Nguyên (15/12/2005)
▪ Việt Nam là tấm gương sáng về thực hiện cam kết cho trẻ em (15/12/2005)
▪ Em ơi, Hà Nội... rét! (15/12/2005)
▪ Thủ tướng quyết định tặng 6,5 tỷ đồng xây cầu Bến Dâu (15/12/2005)
▪ Bình Định hỗ trợ thu mua, chế biến gia cầm sạch (15/12/2005)
▪ Nhật Bản cam kết hỗ trợ Tam giác phát triển vùng Mê Kông (15/12/2005)
▪ Trái cây tươi nguyên cả tháng nhờ tẩm hoá chất (15/12/2005)
▪ Dịch vụ ăn theo người chết 'chém cổ' người sống (15/12/2005)